(Baothanhhoa.vn) - Hơn 70 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, tự sáng tác, đạo diễn, kiêm diễn viên của hàng trăm vở diễn, chèo với Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Hoàng Bồng đã gắn bó thân thiết như hơi thở cuộc sống. Bởi thế mà, dù đã ở tuổi 82, nghệ nhân vẫn có thể thả một làn điệu chèo mượt mà, sáng tác nhiều vở chèo hay, xúc động.

Hoàng Bồng và niềm đam mê dành trọn cho chèo

Hơn 70 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, tự sáng tác, đạo diễn, kiêm diễn viên của hàng trăm vở diễn, chèo với Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Hoàng Bồng đã gắn bó thân thiết như hơi thở cuộc sống. Bởi thế mà, dù đã ở tuổi 82, nghệ nhân vẫn có thể thả một làn điệu chèo mượt mà, sáng tác nhiều vở chèo hay, xúc động.

Hoàng Bồng và niềm đam mê dành trọn cho chèoỞ tuổi 82, NNƯT Hoàng Bồng vẫn miệt mài sáng tác chèo. Ảnh: Vân Anh

Ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Hoàng Bồng nằm nép mình trong con ngõ số 8 đường Đỗ Hành, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa). Khi chúng tôi đến thăm, nghệ nhân vẫn đang miệt mài sáng tác trích đoạn chèo mới cho đội văn nghệ của phường.

NNƯT Hoàng Bồng đến với chèo từ khi còn nhỏ, mặc dù gia đình không có ai theo môn nghệ thuật truyền thống này. Thuở đó, chàng thiếu niên Hoàng Bồng thường cùng các bạn xem hát chèo ở sân làng Đại An (xã Hoằng Sơn, Hoằng Hóa). Chính những làn điệu chèo trầm bổng, da diết đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chàng trai trẻ. Để rồi sau mỗi lần xem, Hoàng Bồng tự ghi nhớ các làn điệu, lời hát và diễn lại, có những làn điệu được ghi nhớ khi nghe trên đài radio. Qua thời gian, cùng với sự chỉ dạy của nhiều người, Hoàng Bồng nắm vững hầu hết các làn điệu chèo, một số kỹ thuật hát và biểu diễn như phát âm, nhả chữ, luyến láy, nhịp phách, múa cơ bản theo tính cách nhân vật chèo và những làn điệu trong các vở chèo cổ. Cùng với vẻ ngoài điển trai, Hoàng Bồng trở thành nhân tố “cứng” trong đội văn nghệ làng, là diễn viên được quần chúng yêu thích.

Khi trưởng thành, theo lời khuyên của mọi người, Hoàng Bồng đi học trường sư phạm với ý định trở thành nhà giáo nhưng cái duyên chèo cứ quấn lấy, khiến ông phải nghỉ ngang để đi theo đam mê thực sự. Cứ thế, chèo và ông song hành trên mọi nẻo đường và theo ông trên cả bước đường quân ngũ. Với năng khiếu nghệ thuật thiên phú, nhiệt huyết tuổi trẻ và khả năng đạo diễn, Hoàng Bồng luôn được tín nhiệm bầu làm đội trưởng đội văn nghệ của đơn vị, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Trong đó, giai đoạn 1965 khi ông tái ngũ về Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 đóng quân ở thị xã Bỉm Sơn, với vai trò đội trưởng đội văn nghệ, Hoàng Bồng cùng với đồng đội Lê Soái đồng sáng tác nhiều vở chèo như “Chiếc mũ nan”, “Đan lưới”, “Trở về đảo”, vở kịch nói “Những người trên đảo”... Những vở chèo không những thể hiện tình yêu Tổ quốc sâu sắc mà còn khắc họa nên hình ảnh người chiến sĩ kiên trung, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, thể hiện ý chí kiên cường của những người lính Cụ Hồ. Bên cạnh đó, diễn xuất của Hoàng Bồng khiến các vở diễn càng thêm xúc động, ấn tượng. Ông nhiều lần được chọn đi biểu diễn cho các phái đoàn, lãnh đạo cấp cao.

Với mỗi vai diễn, nghệ nhân Hoàng Bồng đều có cách “vào” riêng để thể hiện đúng chất nhân vật mà vẫn mang nét riêng của mình. Để vào vai Thúy Kiều trong hoạt cảnh chèo “Thúy Kiều bán mình chuộc cha”, ông đã phải tìm hiểu nhân vật, học thuộc hàng trăm câu Kiều, đồng thời tìm hiểu sự nghiệp và cuộc đời đại thi hào Nguyễn Du. Đóng vai Thạch Sanh trong vở chèo “Thạch Sanh” ông thể hiện chất phóng khoáng, gan dạ trong từng câu hát, cử chỉ cùng ánh nhìn mạnh mẽ... Nhưng theo Hoàng Bồng, vai diễn ông thích nhất, cũng là vai diễn để đời chính là Nguyễn Viết Xuân trong vở chèo cùng tên. Đến nay, nghệ nhân vẫn nhớ như in từng lời hát, phân cảnh của vở diễn. Vừa kể lại vở diễn, nghệ nhân vừa cất lên những làn điệu và ở những phân cảnh xúc động chúng tôi nhận thấy đôi mắt ông lại ngấn lệ. “Có rất nhiều phân cảnh xúc động như đoạn anh hùng Nguyễn Viết Xuân từ biệt vợ để trở lại chiến trường, cảnh lúc Nguyễn Viết Xuân hy sinh... Cảm xúc lúc ấy chân thật đến nỗi những diễn viên đóng vai quần chúng, đồng nghiệp và khán giả đều khóc. Vai diễn này của tôi đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả, có những người sau nhiều năm gặp lại vẫn còn nhớ. Đây là điều hạnh phúc nhất của một diễn viên bởi trong cuộc đời làm nghệ thuật mà có những vai diễn khắc sâu trong lòng khán giả thì đó là thành công lớn nhất”, NNƯT Hoàng Bồng chia sẻ.

Trong suốt những năm binh nghiệp của mình, chèo vẫn luôn gắn bó với nghệ nhân như một người bạn tri kỷ. Nghệ nhân đã cùng với “bạn” của mình vừa cầm súng vừa cất cao tiếng hát, vừa tiêu diệt kẻ thù vừa mang đến niềm vui cho đồng đội.

Năm 1980, do hoàn cảnh gia đình, ông được cấp trên điều động về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, với chức vụ chính trị viên kiêm đội trưởng đội văn nghệ đơn vị. Ông tiếp tục cống hiến và phát triển phong trào văn nghệ của đơn vị đi lên trong 10 năm thì nghỉ hưu.

Khi đã nghỉ hưu, nghệ nhân có thời gian nghiên cứu, sưu tầm và làm sống lại nhiều làn chèo cổ đang dần bị mai một. Đến thời điểm hiện tại, ông có thể hát được khoảng 100 làn điệu chèo cổ và chèo cải biên. Đặc biệt, ông vẫn tiếp tục sáng tác nhiều vở chèo gắn với các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước như: hoạt cảnh chèo “Thăm lại Hạc Thành” được diễn trong dịp TP Thanh Hóa kỷ niệm 200 năm đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa (1804-2004), 10 năm thành lập TP Thanh Hóa (1994-2004). Vở chèo “Tình người Nam Ngạn” đạt Giải Nhất tại Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh. Vở chèo “Niềm vui đón Bác” nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947 - 20-2-2012), được diễn ngay tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ngoài ra, ông còn sáng tác lời mới cho làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền về phòng, chống thiên tai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, thường xuyên biên đạo các hoạt cảnh chèo cho đội văn nghệ phường.

Điểm đặc trưng trong những sáng tác chèo của NNƯT Hoàng Bồng xuyên suốt từ thời chiến đến khi hòa bình lập lại là tình yêu quê hương, đất nước. Ở thời chiến đó là vẻ đẹp của sự hy sinh, của quyết tâm giành độc lập cho dân tộc; còn trong thời bình, những sáng tác của ông ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và những đổi thay tích cực trên quê hương.

Với những người trẻ muốn học chèo, NNƯT Hoàng Bồng luôn sẵn sàng truyền dạy. Mong muốn của ông là ngày càng nhiều người biết đến các môn nghệ thuật truyền thống, để những ngày hội của phường tiếp tục vang lên tiếng mõ, tiếng trống chầu, làn điệu chèo... “Đó là niềm hạnh phúc nhất của tôi và những nghệ nhân nhân gian như tôi”, NNƯT Hoàng Bồng chia sẻ.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]