Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):
Hiệp định Pari 1973: Mở cánh cửa hòa bình
Hiệp định Pari năm 1973 được ký kết, không chỉ “đánh cho Mỹ cút”, mà còn mở ra cánh cửa cho hòa bình, độc lập và thống nhất non sông. Đây được xem là đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, với việc vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm”.
Toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Pari năm 1973. Ảnh: Tư liệu
Cuộc đấu trí không khoan nhượng
Những thắng lợi to lớn và quan trọng của quân đội và Nhân dân Việt Nam trong các cuộc phản công chiến lược hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 và đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đã giáng một đòn mạnh mẽ, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Những thắng lợi ấy đã buộc Tổng thống Mỹ L.Giôn-xơn phải ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam và chấp nhận thương lượng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phát biểu trên Đài Truyền hình Mỹ tối 31/3/1968, L.Giôn-xơn tuyên bố: “Tối nay tôi đã ra lệnh cho các máy bay và tàu chiến của chúng ta không tiến hành cuộc tấn công nào chống miền Bắc Việt Nam, trừ khu vực nằm ở phía Bắc khu phi quân sự... Đã đến lúc bắt đầu nối lại về hòa bình và tôi sẵn sàng đi bước đầu tiên trên con đường một cuộc xuống thang”.
Đó là một sự “xuống thang” không mong muốn của đế quốc Mỹ, cho nên, để giành thắng lợi trên bàn đàm phán sẽ là một cuộc đấu trí đầy cân não và không hề dễ dàng. Do đó, để có những sách lược phù hợp với điều kiện thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã xác định rõ chủ trương, trước hết cần ép đế quốc Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc, rồi mới tiếp tục thảo luận các vấn đề khác. Sau khi thành lập Đoàn đàm phán đại diện cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sắp xếp nhiều cuộc gặp gỡ, nói chuyện và căn dặn với các thành viên trong đoàn, đặc biệt là đồng chí Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán. Người nói: “Đàm phán với Mỹ phải thận trọng và kiên trì, vững vàng nhưng khôn khéo, phải theo dõi sát tình hình trong nước, nhất là tình hình chiến sự, tranh thủ dư luận Nhân dân thế giới, Nhân dân Pháp và Việt kiều”.
Ngày 13/5/1968, cuộc gặp đầu tiên giữa Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn Chính phủ Mỹ được khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc tế Kleber, Pari. Đến cuối năm 1968, trước những thắng lợi trên mặt trận quân sự trong nước, cùng những kết quả đấu tranh ngoại giao của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Mỹ buộc phải chấp nhận chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác tại miền Bắc. Đồng thời, trước thái độ kiên quyết của ta, Chính phủ Mỹ đã phải chấp nhận mở hội nghị từ hai bên thành bốn bên, bao gồm Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Đoàn Chính phủ Mỹ và Đoàn Việt Nam Cộng hòa. Ngày 25/1/1969, phiên họp toàn thể hội nghị bốn bên về Việt Nam, đã được mở tại Trung tâm hội nghị quốc tế Kleber, Pari. Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời. Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pari chuyển thành Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Có thể nói, những năm 1969-1971, Hội nghị Pari về Việt Nam trên thực tế là cuộc đấu tranh thể hiện lập trường, quan điểm của mỗi bên trước dư luận thế giới mà chưa đi vào đàm phán thực chất. Từ “Giải pháp toàn bộ 10 điểm”, “Tuyên bố 3 điểm”, “Sáng kiến 9 điểm” đến “Sáng kiến 7 điểm”, hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn kiên định lập trường: quân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam không điều kiện và phải thay thế chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; để Nhân dân miền Nam tự quyết về tương lai chính trị của mình. Đó cũng là những điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ chưa được thực hiện. Ngược lại, Mỹ đòi rút quân song hành, quân Mỹ rút cùng lúc với quân đội miền Bắc khỏi miền Nam Việt Nam. Về vấn đề chính trị, quan điểm của Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn (lên thay L.Giôn-xơn năm 1969) là “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục công nhận Chính phủ Việt Nam Cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của miền Nam Việt Nam”.
Để tháo gỡ bế tắc, cũng như tạo thế và lực cho các phái đoàn Việt Nam trên bàn đàm phán, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, đã nhận định: “Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao”. Do đó, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Xuân - Hè 1972 trên toàn miền Nam, theo ba hướng chiến trường trọng điểm là Trị Thiên - Huế, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Những thắng lợi từ mặt trận quân sự đã củng cố ưu thế của Việt Nam trên bàn đàm phán Pari, góp phần đưa đàm phán đi vào giai đoạn thương lượng thực chất.
Đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Bộ Chính trị, tại cuộc họp liên tiếp trong 3 ngày 8, 9 và 10/10/1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã trao cho H. Kítxinhgiơ (Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ) dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và dự thảo Thỏa thuận về những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của Nhân dân miền Nam Việt Nam.
Tại bản dự thảo Hiệp định, Việt Nam đã tạm gác nhiều vấn đề chính trị nội bộ miền Nam, như tạm gác yêu cầu xóa bỏ chính quyền Sài Gòn và gạt Thiệu, tạm gác việc bàn về bầu cử và hiến pháp... Hơn nữa, vấn đề miền Nam sẽ được giải quyết theo hai bước: bước 1, giải quyết dứt điểm một số nguyên tắc về các vấn đề quân sự, chính trị; bước 2, hai bên miền Nam sẽ giải quyết các vấn đề cụ thể về quân sự, chính trị nội bộ của miền Nam. Đây là đòn tiến công ngoại giao chủ động, linh hoạt, sáng tạo của ta nhằm hiện thực hóa phương hướng chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Sau một số cuộc họp nhằm giải quyết các bất đồng nhỏ, hai bên đã đi đến thống nhất về thời gian biểu ký kết Hiệp định, dự kiến vào ngày 31/10/1972. Trong Công hàm mà phía Mỹ gửi cho Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 20/10/1972), cũng khẳng định: “Ngay sau khi nhận được những lời xác nhận, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể tin là phía Hoa Kỳ sẽ tiến hành theo thời gian biểu đề nghị trên”. Thế nhưng, thực tế đã cho thấy, việc “tin” lời cam kết của Mỹ là sai lầm. Bởi, khi Nguyễn Văn Thiệu ra sức phản đối các điều khoản của Hiệp định, Mỹ đã có thái độ lật lọng. Không chỉ lập cầu hàng không, tiếp tế ồ ạt vũ khí, thiết bị chiến tranh cho chính quyền và quân đội Sài Gòn; phía Mỹ còn ngoan cố đòi sửa đổi hầu hết các chương trong Hiệp định. Và “đỉnh cao” của sự lật lọng, tráo trở là Kế hoạch tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh/thành miền Bắc (Kế hoạch Linebaker II), trong 12 ngày đêm (từ 18-30/12/1972).
Giới cầm quyền Mỹ hy vọng, hành động điên cuồng, tàn bạo này không chỉ phô trương một lần nữa sức mạnh quân sự của Mỹ, trấn an chính quyền Sài Gòn; mà còn “nắn” được phía Việt Nam và buộc Việt Nam phải có những nhượng bộ Mỹ trên bàn đàm phán. Thế nhưng, ngược với sự trông đợi, thắng lợi giòn giã của quân và dân ta với trận “Điện Biên Phủ trên không”, đã khiến đế quốc Mỹ tiếp tục hứng chịu thất bại và áp lực nặng nề cả về quân sự, chính trị trên chiến trường Việt Nam.
Ngày 30/12/1972, Tổng thống Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị ta họp lại Hội nghị Pari. Ngày 27/1/1973, tại Pari, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, đã ký chính thức Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Hiệp định nêu rõ, Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của Nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ. Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình... Ngày 28/1/1973, Hiệp định bắt đầu có hiệu lực. Ngày 29/3/1973, Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ, chấm dứt sự có mặt của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Hiệp định Pari được đánh giá là đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình đàm phán, hai phái đoàn ngoại giao của ta đã vận dụng nhuần nhuyễn và linh hoạt nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên nguyên tắc bất biến là “độc lập chủ quyền” và "toàn vẹn lãnh thổ”, ta đã kiên định đấu tranh yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tuy nhiên, ta cũng linh hoạt chấp nhận tồn tại hai chính quyền, hai lực lượng quân đội ở miền Nam Việt Nam, để từng bước làm thất bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ.
Hiệp định Pari cũng là một đỉnh cao về nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị Pari không chỉ là cuộc đàm phán ngoại giao thông thường, mà còn là một mặt trận tuyên truyền cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, là nơi xác nhận và quảng bá những kết quả của các cuộc đấu tranh vũ trang và chính trị trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ đó, từng bước tạo thế và lực, buộc một nước Mỹ với tiềm lực kinh tế, quốc phòng hùng mạnh, phải “tâm phục, khẩu phục” ký vào bản Hiệp định chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.
Có thể khẳng định, với việc Hiệp định Pari được ký kết, quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc đã hoàn thành xuất sắc phương hướng chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là “Đánh cho Mỹ cút” để đưa sự nghiệp kháng chiến cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn “Đánh cho ngụy nhào”.
Khôi Nguyên
{name} - {time}
-
2025-04-24 09:09:00
Đảm bảo các điều kiện để khởi công đường sắt cao tốc Bắc-Nam trước cuối năm 2026
-
2025-04-24 09:06:00
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
-
2025-04-24 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 24/4/2025
Cần 170.000 tỷ chi cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu sớm do tinh gọn bộ máy
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của thời đại
PODCAST 6AM: Điểm tin sáng ngày 24/4
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 24/4/2025
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 23/4/2025
[Bản tin 18h] Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của 26 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Thanh Hóa
Phát động “Tháng Công nhân” và hưởng ứng “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” năm 2025
Đảng bộ Phòng Tham mưu Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030
Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng