Hậu Lộc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và gần 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/06/2021 của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, huyện Hậu Lộc đã chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện thăm, kiểm tra công tác sử dụng vốn vay của hộ gia đình trên địa bàn huyện Hậu Lộc.
Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các phòng, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện, đảm bảo đúng theo tinh thần, chủ trương của Đảng, Chính phủ là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ đó đã làm chuyển biến một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đã có những nhìn nhận, đánh giá cao về vai trò và khẳng định được tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trong tiếng ve râm ran và cái nắng oi ả của những ngày hè tháng 6, trên những con đường trải dài, thoáng đãng, sạch sẽ với những hàng cây xanh đều tăm tắp nối giữa các làng, các khu sản xuất..., anh Nguyễn Văn Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình gia trại, trang trại tiêu biểu. Phú Lộc là xã nông thôn mới nâng cao và đang trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, là một trong những đơn vị đầu tàu của huyện trong phát triển kinh tế, luôn tiên phong trong các phong trào. Tham gia quản lý vốn tín dụng chính sách, đến nay Hội Nông dân xã Phú Lộc do anh Nguyễn Văn Quynh với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH với số vốn 7 tỷ 950 triệu đồng, cho 188 hộ vay vốn, quản lý 4 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, vốn tín dụng chính sách được Hội Nông dân lựa chọn, bình xét cẩn trọng; liên tục giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn, phát huy tối đa hiệu quả trong đầu tư phát triển kinh tế, đáp ứng các nhu cầu về cải tạo vệ sinh môi trường, chi phí học tập cho các sinh viên... Từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện và sử dụng nguồn vốn vay, Phú Lộc là đơn vị không phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn từ hàng chục năm qua.
Sản phẩm tôm nõn sấy khô của chị Triệu Thị Tuyết Mai có mặt tại chương trình quảng bá sản phẩm OCOP.
Một điển hình khác như chị Triệu Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ngư Lộc - một trong những nữ cán bộ hội nhanh nhẹn, nhiệt huyết với công việc. Từ những ngày đầu tiên bén duyên với nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội, từ một cán bộ cho đến nay sau 10 năm khi đã là chủ tịch hội phụ nữ, chị vẫn miệt mài tham gia quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Ngư Lộc, một đơn vị xã đảo có điều kiện tự nhiên, kinh tế hết sức đặc biệt của huyện Hậu Lộc.
Chị Triệu Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ngư Lộc cho biết: “Năm 2014, Hội phụ nữ xã Ngư Lộc quản lý số vốn 14 tỷ 620 triệu đồng với 14 tổ TK&VV cho 506 hộ vay vốn; trong đó nợ quá hạn 208,9 triệu đồng, tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên 409 triệu đồng. Đến nay quy mô dư nợ của Hội Phụ nữ xã đạt 37 tỷ 360 triệu đồng, tăng trưởng 255%; tiền gửi của tổ viên vay vốn đạt 3 tỷ 328 triệu đồng, tăng trưởng 814%”.
Phối hợp với Ngân hàng CSXH, Hội phụ nữ xã Ngư Lộc do chị Mai quản lý đã thực hiện kiện toàn, sắp xếp, nâng cao chất lượng tín dụng đến nay đã tinh gọn còn 9 tổ TK&VV với 511 hộ vay vốn, nợ quá hạn chỉ còn 15,4 triệu đồng (giảm 193,5 triệu đồng). Với nhiệm vụ, chức năng của mình trong công tác, chị Mai và Hội phụ nữ xã đã quản lý tốt vốn tín dụng chính sách; chuyển biến lớn về quy mô cũng như chất lượng tín dụng.
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động.
Song song với công tác hội, trong phát triển kinh tế gia đình, chị Mai cũng là một tấm gương điển hình với sản phẩm tôm nõn sấy khô Mai Hường. Từ nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ, duy trì và tạo mới việc làm của Ngân hàng CSXH với số tiền 100 triệu đồng, gia đình chị Mai đã sử dụng đúng và hiệu quả nguồn vốn vay, sau khi trừ chi phí gia đình chị thu về lợi nhuận 400 triệu đồng/năm. Không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình, giải quyết việc làm cho gần 10 lao động địa phương, sản phẩm tôm nõn sấy khô của gia đình chị còn được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2023, hiện đã và đang có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Những cá nhân điển hình trong công tác quản lý vốn tín dụng chính sách đã minh chứng cho tính đúng đắn, hiệu quả dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ các cấp. Nhờ thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách nên trong 10 năm qua trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã có 3.685 hộ thoát nghèo; 5.209 hộ nghèo có sự cải thiện về đời sống; trên 6.000 hộ có sự chuyển biến nhận thức và cách làm kinh tế; số lao động được tạo việc làm mới nhờ vốn vay các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH là 1.509 lao động, trong đó có 693 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 3.585 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; 12.348 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng và cải tạo; có 785 ngôi nhà của hộ nghèo được xây dựng mới nhờ hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng CSXH. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đến nay đã giảm xuống lần lượt còn 2,04% và 3,87%.
Ông Lê Đức Cường, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hậu Lộc khẳng định: “Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp nguồn vốn tín dụng chính sách của huyện ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Tính đến ngày 31/5/2024 vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 23 xã, thị trấn với 153 thôn/khu phố. Quy mô đạt 566 tỷ 708 triệu đồng ủy thác cho 53 hội cấp xã, 254 Tổ TK&VV tăng trưởng 193% so với năm 2014 (293 tỷ 830 triệu đồng). Trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện đạt 8 tỷ 726 triệu đồng. Nợ quá hạn giảm từ 1 tỷ 743 triệu đồng (0,59%) xuống 606 triệu đồng (0,1%).
Có thể thấy, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội cũng đã khắc phục các hạn chế của chính sách cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn, không biết cách sử dụng vốn đến quyết tâm thoát nghèo, ý chí vươn lên làm giàu chính đáng. Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH đã khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đời sống Nhân dân được nâng lên. Từ đó tác động tích cực, nâng cao đời sống văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Chính phủ.
Các chương trình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được người dân sử dụng hiệu quả.
Nhìn lại những kết quả trong hoạt động tín dụng chính sách sau 10 năm, Chỉ thị 40-CT/TW đã mang đến luồng sinh khí mới, trở thành điểm tựa giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương; khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng CSXH, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, xây dựng và gặt hái những thành tựu trên các lĩnh vực. Đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hậu Lộc đoàn kết, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.
Đoàn Hằng (Đài truyền thanh Hậu Lộc)
{name} - {time}
-
2024-11-23 14:50:00
Cầu nối phát triển kinh tế và đổi mới của xã biên giới Tam Lư
-
2024-11-23 13:31:00
Quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn gắn phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao
-
2024-06-20 10:03:00
Kiểm soát hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y
Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Giang Quang Thịnh
Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Bản tin Tài chính ngày 19/6: Giá vàng thế giới “đảo chiều”, trong nước ổn định hơn 10 phiên liên tiếp
Giữ vững đà tăng trưởng công nghiệp
Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Tích tụ, tập trung đất ở các hợp tác xã nông nghiệp
Tập huấn phát triển chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm
Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho thành viên, lãnh đạo các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý
Cập nhật tiến độ đường dây 500kV mạch 3 đến ngày 17/6