Hành trình đạt huyện nông thôn mới nâng cao: Vững từ thôn, chắc từ xã (Bài 1): Nguồn lực nội sinh
Nhất quán quan điểm xây dựng huyện NTM phải “vững từ thôn, chắc từ xã”, “Gốc có vững, cây mới bền”, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Yên Định đã có những cách làm chắc chắn ngay từ ban đầu. Sau hơn 9 năm bền bỉ phấn đấu, ngày 7/11/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1345-QĐ/TTg công nhận huyện Yên Định đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cùng lãnh đạo huyện Yên Định kiểm tra tiến độ xây dựng huyện NTM và thăm mô hình trồng ngô sinh khối ở xã Định Long. Ảnh: Lê Hà
Yên Định là huyện về đích NTM đầu tiên của tỉnh và khu vực Bắc miền Trung từ năm 2015, nên việc phát huy tinh thần đoàn kết, khí thế thi đua sôi nổi của các tầng lớp Nhân dân luôn được các thế hệ lãnh đạo huyện xác định là nguồn lực nội sinh tiềm tàng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.
Đoàn kết là sức mạnh
Huyện Yên Định có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh nhân kiệt xuất làm rạng danh quê hương, đất nước, tiêu biểu như: Nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh; Trạng nguyên Khương Công Phụ; Thái sư Á vương Đào Cam Mộc; Thái Bảo Đại vương Lê Đình Kiên... Huyện cũng nằm trong tốp đầu của tỉnh về giữ gìn và phát triển văn hóa phi vật thể, các giá trị văn hóa truyền thống với 49 di tích được Nhà nước xếp hạng. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, người dân Yên Định luôn một lòng đi theo Đảng, bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm, hăng say lao động sản xuất. Xuyên suốt giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, huyện Yên Định luôn dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp được các đoàn lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ về thăm. Yên Định còn là địa phương đầu tiên và duy nhất của tỉnh 2 lần đạt danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Trong quá trình xây dựng huyện NTM (2011-2015), NTM nâng cao (2015-2024) một lần nữa, sức mạnh nội sinh là sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong các tầng lớp Nhân dân tiếp tục được khơi dậy và phát huy. Bắt tay vào XDNTM từ năm 2011, huyện Yên Định gặp nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 18,26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 22,35%; bình quân các xã mới đạt 3/19 tiêu chí NTM theo quy định... Lấy văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển, đồng thời biến những khó khăn trên thành quyết tâm chính trị, huyện Yên Định không chỉ quan tâm “xây mới” cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa mà coi nhẹ hoạt động văn hóa truyền thống hay đặt văn hóa thấp hơn kinh tế. Nhờ đó, những thiết chế văn hóa, như: cổng làng, giếng nước, chợ quê; văn hóa làng nghề, hội làng truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian... không mất đi mà còn được khôi phục và phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trong đó có lễ hội Trò Chiềng (xã Yên Ninh), lễ hội Đền Đồng Cổ (xã Yên Thọ) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; lễ hội Phủ Nhì (xã Định Hòa); lễ hội đua thuyền (thị trấn Quý Lộc)...
Việc sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã giúp Nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực đóng góp sức người, sức của, quyết tâm XDNTM. Nổi bật là phong trào hiến đất làm đường giao thông; chỉnh trang cảnh quan môi trường. Giai đoạn 2011-2020, Nhân dân trong huyện đã hiến 76.760m2, ủng hộ 21.056 ngày công; giai đoạn 2021-2024, hiến 13.893m2, ủng hộ 53.440 ngày công để mở rộng các tuyến đường thôn, tổ dân phố...
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Là địa phương hội tụ nhiều lợi thế để phát triển do gần các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm đi qua; nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phong phú, đa dạng; có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, nhiều di sản văn hóa phi vật thể và làng nghề truyền thống có tiềm năng lớn để phát triển du lịch; Nhân dân trong huyện có truyền thống đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, có khát vọng vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước... Làm thế nào để phát huy được những tiềm năng, lợi thế đó trong xây dựng huyện NTM nâng cao là vấn đề được bàn sâu trong nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của huyện. Có thể nói, thế và lực của Yên Định đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều. Đây là thời cơ rất lớn để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong huyện khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; dồn đổi, tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và phát triển các mô hình có giá trị kinh tế cao ở từng vùng, như: vùng lúa năng suất, chất lượng cao được triển khai ở 26 xã, thị trấn, trên diện tích 8.000ha/vụ; vùng trồng mía tập trung gần 400ha; vùng trồng cây ăn quả tập trung 940ha... Trên địa bàn huyện cũng hình thành khu sản xuất công nghệ cao, điển hình như trang trại chăn nuôi bò sữa chất lượng cao của Công ty TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa, quy mô khoảng 8.000 con/hơn 1.462.703m2; khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại làng du lịch Yên Trung (Yên Trung)... Đến nay, huyện có 41 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, trong đó có 1 sản phẩm đang đề nghị công nhận OCOP 4 sao.
Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện Yên Định chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tổng số công trình XDNTM từ năm 2011 đến nay là 806 công trình, trong đó, có 107 dự án cấp huyện, 699 dự án cấp xã với tổng mức đầu tư được duyệt là gần 3.000 tỷ đồng.
Hạ tầng các cụm công nghiệp số 1, số 2 thị trấn Quán Lào; các cụm công nghiệp thị trấn Quý Lộc, thị trấn Yên Lâm, thị trấn Thống Nhất... được đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn vào đầu tư sản xuất trên nhiều lĩnh vực, tạo việc làm cho khoảng 22.000 lao động địa phương và vùng lân cận. Theo thống kê của huyện, từ năm 2015 đến nay, đã có 77 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 13.369 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn như: làng du lịch Yên Trung; trang trại chăn nuôi gà chất lượng cao (xã Định Thành); nhà máy chế biến sợi chuối và các sản phẩm từ cây chuối (xã Định Tăng); nhà máy sản xuất các sản phẩm may, da giày xuất khẩu và phụ kiện ngành dệt may (xã Yên Thịnh); có 10 dự án FDI, vốn đăng ký khoảng 243 triệu USD... Với kết quả này, huyện Yên Định được xếp tốp đầu của tỉnh về thu hút đầu tư nước ngoài.
Việc khai thác đúng hướng tiềm năng thế mạnh của địa phương đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Năm 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 5,96%, đứng thứ 3 toàn tỉnh; quy mô giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 22.037 tỷ đồng, đứng thứ 5 toàn tỉnh, gấp 2,36 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 66,86 triệu đồng, đứng thứ 4 toàn tỉnh; tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5.194 tỷ đồng, đứng thứ 7 toàn tỉnh, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) năm 2023 đứng thứ 10 toàn tỉnh, tăng 16 bậc so với năm 2022.
Lê Hà
Bài 2: Vai trò của cấp ủy - Dồn sức “chặng nước rút”
{name} - {time}
-
2024-12-15 13:09:00
Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Thiệu Quang
-
2024-12-13 15:53:00
Thiệu Toán tăng tốc về đích nông thôn mới nâng cao
-
2024-12-13 08:46:00
Tân Châu phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng xã NTM nâng cao
Yên Định xây dựng đời sống gắn với xây dựng nông thôn mới
Chặng nước rút về đích
Hoàn thiện các công trình xây dựng huyện nông thôn mới
Phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng nông thôn mới
“Đoàn kết, sáng tạo, phát triển”, xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao
Triệu Sơn phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
Quảng Bình - điểm sáng xây dựng tiêu chí xã thông minh