(Baothanhhoa.vn) - Thị trường Mỹ từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến xuất khẩu hàng đầu của hàng hóa Việt Nam. Với dân số lớn, sức mua cao và thị hiếu tiêu dùng đa dạng, Mỹ không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là thước đo chất lượng cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và DN Thanh Hóa nói riêng. Tuy nhiên, những biến động gần đây trong chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là các biện pháp tăng cường kiểm soát nguồn gốc hàng hóa và hàng rào kỹ thuật, buộc các DN phải chủ động điều chỉnh chiến lược, với nhiều giải pháp mới để thích ứng.

“Hàng Việt sang Mỹ” trước sức ép thuế quan

Thị trường Mỹ từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến xuất khẩu hàng đầu của hàng hóa Việt Nam. Với dân số lớn, sức mua cao và thị hiếu tiêu dùng đa dạng, Mỹ không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là thước đo chất lượng cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và DN Thanh Hóa nói riêng. Tuy nhiên, những biến động gần đây trong chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là các biện pháp tăng cường kiểm soát nguồn gốc hàng hóa và hàng rào kỹ thuật, buộc các DN phải chủ động điều chỉnh chiến lược, với nhiều giải pháp mới để thích ứng.

“Hàng Việt sang Mỹ” trước sức ép thuế quan

Trước sức ép về tiêu chuẩn kỹ thuật từ thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Thanh Hóa đang chủ động điều chỉnh chiến lược, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu đóng gói để giữ vững đơn hàng xuất khẩu.

Vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ ban hành một loạt chính sách điều chỉnh thuế quan nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng nội địa và đối phó với cạnh tranh từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Dù Việt Nam không phải đối tượng bị áp thuế trực diện như Trung Quốc nhưng những ngành hàng liên quan như dệt may, da giày, đồ gỗ hay linh kiện điện tử vẫn phải chịu sự rà soát gắt gao hơn bao giờ hết. Cụ thể, yêu cầu về minh bạch chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu và tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất đang trở thành điều kiện tiên quyết để hàng hóa Việt Nam có thể vào được thị trường Mỹ một cách thuận lợi.

Tại Thanh Hóa, một số DN xuất khẩu đã bắt đầu cảm nhận rõ áp lực này. Đại diện Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) cho biết: Nhiều đơn hàng sang Mỹ đang bị trì hoãn vì đối tác yêu cầu bổ sung thêm tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu. Trước đây, chỉ cần giấy chứng nhận xuất xứ thông thường là đủ, nhưng hiện nay, phía Mỹ yêu cầu cả hồ sơ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, thậm chí tiến hành kiểm tra tại xưởng. Điều này khiến các DN nhỏ và vừa rơi vào thế bị động bởi năng lực quản lý chuỗi cung ứng và chứng từ của họ còn nhiều hạn chế.

Ngành gỗ cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Công ty TNHH Gỗ công nghiệp Thanh Hoa từng đạt kim ngạch hơn 4 triệu USD từ thị trường Mỹ trong năm 2024. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, chỉ riêng quý I, số đơn hàng đã giảm khoảng 20%. Nguyên nhân không chỉ đến từ yếu tố thị trường tiêu thụ chững lại, mà còn do chi phí sản xuất đội lên đáng kể khi DN buộc phải thay đổi nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan, để tránh bị liệt vào diện liên đới trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại từ Mỹ. Việc chuyển đổi này khiến chi phí nguyên liệu tăng trung bình 15 - 20%, đồng thời kéo theo chi phí vận chuyển, kiểm định chất lượng và chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật cũng tăng tương ứng.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, phó giám đốc công ty, cho biết: “Chưa bao giờ việc xuất khẩu sang Mỹ lại gặp nhiều rào cản kỹ thuật như hiện nay. Chúng tôi không chỉ phải làm việc trực tiếp với nhà nhập khẩu mà còn phải cung cấp chứng từ liên quan đến toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khai thác gỗ đến khâu sản xuất cuối cùng. Các yêu cầu kiểm định cũng khắt khe hơn trước, đòi hỏi DN phải đầu tư lớn vào thiết bị và quy trình kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, việc thay đổi đối tác cung ứng nguyên liệu cũng khiến quy trình sản xuất bị gián đoạn cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giao hàng và uy tín với khách hàng”.

Tuy nhiên, giữa những khó khăn ấy, vẫn có không ít tín hiệu tích cực cho thấy hàng Việt vẫn đang có cơ hội bứt phá tại thị trường Mỹ nếu biết cách thích nghi. Trong bối cảnh Mỹ từng bước giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong quý I/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ đạt gần 26 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Thanh Hóa đạt 320 triệu USD, tăng 8,7% - cao hơn mức tăng trung bình cả nước.

“Hàng Việt sang Mỹ” trước sức ép thuế quan

Công nhân Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) trong ca sản xuất.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, phần lớn DN xuất khẩu của tỉnh vẫn chưa đạt đến ngưỡng an toàn khi thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ. Thanh Hóa hiện có khoảng 304 DN có hoạt động xuất khẩu, trong đó có đến hơn 30% DN lấy thị trường Mỹ làm đầu mối tiêu thụ chính. Nhưng chỉ khoảng 10% trong số này có đủ năng lực và chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như BSCI, WRAP, ISO 22000 - những điều kiện gần như bắt buộc nếu muốn đưa hàng vào hệ thống bán lẻ lớn tại Mỹ. Sự thiếu hụt về tiêu chuẩn, thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng và năng lực truy xuất nguồn gốc còn yếu là những “điểm nghẽn” khiến doanh nghiệp dễ bị từ chối đơn hàng hoặc gặp khó khi đàm phán giá cả.

Trước bối cảnh đó, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận thị trường Mỹ một cách bài bản và bền vững hơn. UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về thương mại quốc tế, đồng thời mời các chuyên gia và đại diện thương vụ Việt Nam tại Mỹ về chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thanh Hóa đang xúc tiến thành lập tổ công tác hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường Mỹ với nhiệm vụ rà soát, tư vấn, kết nối các DN với đơn vị cấp chứng chỉ quốc tế, đồng thời hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, đóng gói và quảng bá sản phẩm. Nhiều DN cũng được khuyến khích chuyển đổi số, đầu tư vào nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, giảm dần phụ thuộc vào các kênh phân phối truyền thống.

Từ thực tế những nỗ lực đó, có thể thấy rằng thị trường Mỹ vẫn là cánh cửa đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần thách thức. Trong xu hướng bảo hộ thương mại và các rào cản kỹ thuật ngày càng gia tăng, chỉ những DN biết chủ động thích nghi, đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm và minh bạch hóa quy trình sản xuất mới đủ khả năng bứt phá. Với các DN Thanh Hóa, cơ hội không thiếu, vấn đề là dám thay đổi kịp thời để không bị tụt lại phía sau trong cuộc đua xuất khẩu toàn cầu.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]