(Baothanhhoa.vn) - Với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp, khấm khá hơn, nhiều thanh niên đã chấp nhận ly nông, tha phương, để lại những người thân nơi quê nhà.

Góp phần giải bài toán làng quê vắng bóng thanh niên

Với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp, khấm khá hơn, nhiều thanh niên đã chấp nhận ly nông, tha phương, để lại những người thân nơi quê nhà.

Góp phần giải bài toán làng quê vắng bóng thanh niênỞ tuổi 70, ông Nguyễn Văn Bao, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc vẫn phải chăm sóc các cháu nội, ngoại cho con cái đi làm xa.

Nỗi buồn tha hương

Chúng tôi tìm về xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa đi trên những con đường mới mở, những ngôi nhà cao tầng khang trang... Tuy nhiên, nhìn trên các cánh đồng, trong làng khó bắt gặp những thanh niên trai trẻ như trước kia.

Nơi góc đường, Lê Thị Huyền, 20 tuổi địu đứa con nhỏ trước bụng quyến luyến tiễn chồng lên xe đi làm ăn xa. Huyền lấy chồng vào cuối tháng 12-2020 đã sinh con trai được gần 1 tuổi. Chồng Huyền làm quản lý cho một công ty xuất nhập khẩu ở tỉnh Bình Dương. Từ khi sinh con đến giờ mẹ con Huyền mới có những ngày sum họp với chồng, với cha. Ngày vui qua mau, nay Huyền phải tiễn chồng lên đường. Huyền tâm sự: “Phải mất 6 năm phấn đấu chồng mới lên được chức quản lý, lương và thưởng cũng gần 20 triệu. Nếu thay đổi công việc, gia đình nhỏ của chúng tôi không biết phải xoay sở thế nào”.

Câu chuyện của Huyền cũng chẳng khác câu chuyện của bà Lê Thị Lang (68 tuổi) cùng quê là mấy. Nhiều năm nay bà phải trông nom hai đứa cháu ngoại cho vợ chồng người con gái đi “làm ăn” ở bên Lào. Tuổi già nuôi cháu nhỏ nhiều lúc ốm đau, bệnh tật vất vả vô cùng nhưng đời sống của các con khó khăn nên bà cũng không đành bỏ mặc. Nhiều đêm nghĩ đến con đang bôn ba, vất vả nơi xứ người để tìm kế sinh nhai, các cháu học hành không có người kèm cặp, bà thấy chạnh lòng. Bà chỉ mong sao ở địa phương tạo được nhiều việc làm cho lao động để các con trở về quê làm ăn sinh sống, có thời gian gần gũi, tự chăm lo cho các cháu vì ông bà tuổi ngày càng cao.

“Chìa khóa” để ly nông không ly hương

Chọn giải pháp đi làm ăn xa đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, việc người dân đổ xô đến các thành phố, khu công nghiệp kiếm sống không những làm cho địa phương thiếu lực lượng lao động trẻ mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác. Để “kéo” người lao động ở lại xây dựng quê hương, nhiều địa phương đã phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, điển hình như huyện Triệu Sơn.

Nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động, huyện Triệu Sơn đã xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực về vốn, đất đai để đẩy mạnh sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Triệu Sơn cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 7 công ty hoạt động trong lĩnh vực may mặc, da giày thu hút trên 10.000 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Góp phần giải bài toán làng quê vắng bóng thanh niênBà Lê Thị Lang, 68 tuổi ở xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa vừa chăn nuôi, làm ruộng vừa chăm sóc các cháu cho vợ chồng con gái đi làm ăn xa.

Công tác hướng nghiệp học nghề, làm nghề cho học sinh THCS, THPT được huyện chú trọng, giúp các em định hướng, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện của bản thân, gia đình và phù hợp với phân công lao động xã hội. UBND huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị tham gia dạy nghề chú trọng đổi mới phương pháp dạy, học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục... Mỗi năm huyện có khoảng gần 3.000 lao động được đào tạo nghề thông qua các doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn phối hợp với các trường đại học, cao đẳng liên kết đào tạo các ngành, nghề trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương là một trong số ít xã ở vùng nông thôn của tỉnh phát triển được hơn 30 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 2 doanh nghiệp may mặc lớn là Công ty TNHH SoTo và Công ty Fruit of The Loom (Hoa Kỳ). Riêng 2 doanh nghiệp này đã và đang tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động trên địa bàn xã và các xã lân cận, với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, xã còn có 560 cơ sở kinh doanh, dịch vụ, buôn bán; 117 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 công nhân.

Chủ tịch UBND xã Tiên Trang Nguyễn Thị Liên cho biết: “Sau khi xã triển khai bài bản các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhiều doanh nghiệp đến và đầu tư kinh doanh tại địa bàn, người dân đã trở về làm công nhân hoặc buôn bán... Dù làm ở quê nhưng nguồn thu nhập của lao động địa phương không hề thấp, thậm chí còn cao hơn so với đi lao động tự do ở các tỉnh phía Nam".

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là hướng đi đúng, hiệu quả trong phát triển kinh tế của huyện Triệu Sơn và xã Tiên Trang (Quảng Xương). Đây cũng chính là lời giải cho bài toán “ly nông” nhưng không “ly hương”, người nông dân đã thoát ly khỏi đồng ruộng và trở thành công nhân ngay trên chính mảnh đất của mình.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]