Giai điệu tự hào
Hà Nội đang chào đón kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Thời khắc này càng khiến chúng ta nhớ đến vùng đất được giới nhạc sĩ sáng tác rất nhiều ca khúc hay, và cũng khó để thống kê hết. Sự vượt trội ấy, trước hết vì Hà Nội là trái tim của Tổ quốc, và thêm vào đó, đây còn là vùng đất rất mực thiêng liêng và hào hoa...
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Quả thật, không khó để nhận ra chiếc áo “thiêng liêng và hào hoa” khoác lên trong từng ca khúc viết về Hà Nội từ xưa đến nay. Từ những vẻ đẹp đặc trưng của Hà Nội như hàng cây, góc phố... hay những địa danh lịch sử như Hồng Hà, hồ Gươm..., mỗi ca khúc đã đưa đến cho khán giả một sự cảm nhận tinh tế ẩn chứa những suy tư, tình cảm sâu lắng về mảnh đất ngàn năm.
Ngược về thời gian để thấy, từ những năm tháng chiến tranh gian khó, những ca khúc viết về Hà Nội đều mang âm hưởng tráng ca trầm hùng, vóc dáng thủ đô sừng sững dưới mưa bom bão đạn. Vẻ đẹp đó gắn với tình người cháy bỏng, họ quyết chí ra đi vì độc lập dân tộc nhưng mang nặng trong lòng sự lưu luyến với Hà Nội thân yêu: “Một chàng trai là chiến sĩ biên phòng. Một cô gái lên đường đi xa. Vẫn thủy chung với cả tấm lòng. Hà Nội ơi! Một trái tim hồng” (Nguyễn Đức Toàn).
Yêu Hà Nội, hẳn không ai không nhớ ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, một trong những bài hát được các chiến sĩ cách mạng hát vang suốt đường về tiếp quản Thủ đô một ngày thu tháng mười lịch sử. Ở đó, có một Hà Nội lịch lãm ngùn ngụt cháy dưới lửa thù, có những trái tim quyết tử và tràn đầy niềm tin chiến thắng... Giai điệu vừa sâu lắng vừa mạnh mẽ, đan xen của âm hưởng trữ tình và anh hùng ca, khiến cho ca khúc trở nên hoành tráng, mang đậm tính sử thi. Và từ đấy, Hà Nội thiêng liêng, kiên trung và hào hoa lại càng là cái nôi, cội nguồn cho sự thăng hoa, bay bổng của nhiều nguồn cảm hứng âm nhạc.
Trong tim triệu triệu người Việt Nam, hình ảnh thủ đô càng gần gũi, thân quen và lắng sâu trong tâm thức qua tình ca “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của cố nhạc sĩ Hoàng Việt. Khúc nhạc dạo đầu chầm chậm như từng bước chân người con đất Hà thành đang lang thang trên những con đường để ngắm nghía Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử mà vẫn sáng ngời lộng lẫy, mê hoặc lòng người “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời. Càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô nghe tiếng cười không quên niềm thương đau...”. Cả tình khúc là sự hòa quyện cảm xúc trong cái nhìn Hà Nội từ quá khứ, đến hiện tại và cả ngàn năm mai sau, để lắng đọng lại là niềm tự hào, “niềm tin và hy vọng” cứ kéo dài bất tận nhắc nhở bao thế hệ con cháu sau này về “Hà Nội mến yêu của ta. Thủ đô dấu yêu của ta. Là ngàn sao mai rực rỡ...” trong lịch sử hào hùng.
Và cứ thế, Hà Nội mãi mãi là đề tài cho nhiều nghệ sĩ một thời “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” tạo nên những bài ca về một Thăng Long nghìn năm tuổi, một Hà Nội quyết tử trong rực rỡ niềm tin. Phải kể đến như “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh), “Hà Nội - những kỷ niệm trong tôi” (Đoàn Bổng), “Cảm xúc tháng mười Hà Nội” (Nguyễn Thành)... Tất cả đã giao hòa nhiều vệt cảm xúc khác nhau trong những năm dài kháng chiến đã khắc họa khá trọn vẹn về thủ đô chịu nhiều đau thương mà anh hùng, hào hoa và cả lãng mạn nữa.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tổ quốc
Đến thời hòa bình, Hà Nội dường như được chiếu sáng hơn và có vị trí vững chắc trong lòng người nghệ sĩ bằng thứ tình cảm nồng nàn, sâu lắng nhất. Các ca khúc về Hà Nội như một sự xuyên suốt của thời gian: Từ “cành đào phai” của mùa xuân đến “cây cơm nguội vàng” gợi nhớ mùa thu, từ “khăn em bay hiu hiu gió lạnh” của mùa đông và “hạt mưa bụi” mỗi độ xuân về.
Sự dâng trào cảm xúc, ngây ngất trong mỗi tác phẩm thể hiện tình yêu với đất, với người Hà Nội làm rung động bất cứ ai nghe và hòa mình vào dòng chảy âm nhạc ấy. Lúc này phải kể đến những nhạc sĩ như Phú Quang, Trọng Đài, Trương Quý Hải, Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp... Họ đã đem đến cho bức tranh âm nhạc những gam màu mới mẻ về “cảnh cũ, người xưa” Hà Nội. Họ thổi vào chủ đề quen thuộc ấy một ngọn gió mới, khiến đa phần những ca khúc có nét chân thực hơn về nhip đập cuộc sống thường ngày trong lòng Thủ đô, trở thành cảm xúc và tiếng nói chung của người Hà Nội hay nhớ về Hà Nội.
Lê Vinh, nhạc sĩ “lang thang” đã tìm thấy ký ức ngày tháng tuổi thơ trong trẻo qua “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” thân thuộc và gần gũi như hơi thở, mỗi đêm về “nghe tiếng sông Hồng thở than”. Anh tìm thấy sự “mộc mạc” để rồi tự vấn lòng mình “mà sao hồi hồi”, “mà sao nhớ mãi”? Ca khúc “Hà Nội và tôi” của Lê Vinh là lời tâm sự chân thành cho những ai đồng cảm, thả hồn nơi những góc phố lặng yên để tìm về mái ấm thời thơ dại đã đi qua. Thế mới biết qua ca khúc này, người nghe có thể để tâm hồn mình trú ngụ ở nhiều “ngóc ngách” Hà Nội , tìm thấy mình một tình yêu Hà Nội nên “Giờ ra đi mới thấy lòng tiếc nuối... thôi thúc hoài khắc khoải trong tim”. Người yêu Hà Nội, nhờ vậy càng lúc càng thấy yêu hơn, quyến luyến hơn một Hà Nội rất mực thân thương của mình...
Nỗi nhớ về Hà Nội trong ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh là tiếng lòng thảng thốt từ giai điệu nhẹ tênh, thầm thì gọi tên biết bao hình ảnh đáng yêu của Hà Nội mỗi độ thu về. Đó là “cây bàng lá đỏ” nơi góc phố, là “mái ngói thâm nâu” cổ kính, là “bầy sâm cầm nhỏ” hồn nhiên giữa đất trời. Bài hát như dắt người nghe lang thang quanh bờ hồ, dạo qua những con phố nhỏ và ngắm nhìn người qua lại trong tiếc trời thu mát mẻ, dịu dàng, để rồi bất chợt nhận ra “tôi đang nhớ ai”, cái cớ riêng để nhạc sĩ trải lòng mình chút bảng lãng với Hà Nội sương khói bâng khuâng.
Trong dòng chảy sôi động và ồn ào hôm nay, đâu đó trong từng bản tình ca lãng mạn như thế đã lưu giữ mảnh đất ngàn năm văn hiến và khi chia xa Hà Nội đều dâng niềm xúc động mãnh liệt, nén chặt cảm xúc để không “vội vã trở về, vội vã ra đi”. Điều đó phải kể đến những bản tình ca chất chứa “cái hồn” Hà Nội như “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi, Hà Nội” (Nguyễn Cường), “Hà Nội của tôi” (An Thuyên), “Em ơi Hà Nội phố” (Phú Quang), “Hà Nội đêm trở gió” (Trọng Đài)... Mỗi tác phẩm ấy ngay trong tựa đề đã có “Hà Nội” rồi như thấm sâu hơn sự ưu ái về địa danh mà mỗi người nghệ sĩ để dành riêng một địa chỉ trong tâm hồn.
Âm nhạc là tiếng nói của tâm hồn, đi từ trái tim và trở về lay động trái tim. Với mảnh đất ngàn năm văn hiến, Hà Nội luôn là nguồn đề tài sáng tác không bao giờ cạn của mỗi người nghệ sĩ. Những ca khúc viết về Hà Nội sống mãi cùng thời gian bởi chính chất liệu của “Hồ Gươm xanh trong mắt em xanh” và cả những tình cảm, tấm lòng của người nghệ sĩ.
Hồ Thu (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-21 10:14:00
Triển lãm sách, báo Xuân Ất Tỵ 2025 tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa
-
2025-01-21 09:04:00
Thọ Xuân: Chương trình văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân Ất Tỵ 2025
-
2024-10-09 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Mong lắm bình yên, màu mây tháng mười
Imagine Dragons sẽ trình diễn trong supershow 8WONDER tại TP Hồ Chí Minh
Đây là điểm nghỉ dưỡng vui chơi “chill” nhất Tây Bắc mùa thu đông
Hành trình du lịch miền Bắc Việt Nam những ngày đẹp nhất năm
Văn hóa, phong cảnh Việt Nam đẹp ngỡ ngàng trong “Bond Live in Việt Nam”
[Podcast] Truyện ngắn: Người đàn bà hát
Vang tiếng hát chèo trên quê hương Hậu Lộc
Hồn làng Đắc Châu
[E-Magazine] – Trời lại xanh, hoa lại nở
Thị xã Bỉm Sơn xây dựng nếp sống văn minh đô thị