Đừng tin lời phản động xuyên tạc “tham nhũng chỉ có ở một đảng cầm quyền”
Tham nhũng ngày nay không còn là vấn đề riêng của mỗi quốc gia, mà đang trở thành tệ nạn có tính toàn cầu, nhiều quốc gia coi tham nhũng chính là quốc nạn. Thế nhưng, trên không gian mạng, các đối tượng phản động lại rêu rao, quy chụp, ra sức lợi dụng vấn đề này để tiến hành các hoạt động chống phá, nhất là cho rằng “tham nhũng chỉ có ở một đảng cầm quyền”.
Người dân cần đề cao cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.
Thường xuyên tiếp xúc internet, nhất là các trang mạng xã hội, chúng ta không còn xa lạ với những thông tin, bài viết có nội dung đề cập đến vấn đề “nóng”, tiêu cực, đó là tham nhũng được đăng tải trên các website, blog, facebook... của một số hội, nhóm và một số cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền... Từ những nội dung, bài viết đó, dễ dàng nhận thấy nó thường mang nặng tính suy diễn chủ quan, thổi phồng, tô vẽ, thậm chí xuyên tạc trắng trợn tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Nguy hiểm hơn, để truyền tải rộng rãi các thông tin xuyên tạc tới người dân, chúng còn lập riêng một số website, blog để đăng tải bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ về đời tư, sự minh bạch của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cho rằng chỉ ở những nước “độc đảng” lãnh đạo, cầm quyền như Việt Nam thì mới có tham nhũng.
Mục đích của chúng là nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt của xã hội Việt Nam dưới chế độ XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong Nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, làm mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ. Đồng thời, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng Nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội.
Phải khẳng định rằng, tham nhũng là “căn bệnh” được sinh ra do quyền lực Nhà nước bị thao túng, có Nhà nước là có nguy cơ sinh ra “căn bệnh” tham nhũng, không phân biệt Nhà nước đó là XHCN hay TBCN, thể chế chính trị đa đảng hay một đảng. Và để phòng, chống tham nhũng, chỉ khi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ cùng cơ chế quản lý thì tình trạng tham nhũng mới cơ bản được kiểm soát và hạn chế tối đa.
Cũng phải nói thêm rằng, tham nhũng không chỉ có ở nước ta mà đã trở thành quốc nạn ở nhiều nước trên thế giới. Tham nhũng không chỉ có từ bây giờ mà đã có từ rất lâu không chỉ ở Việt Nam. Ở các nước phương tây, các quốc gia thực hiện thể chế chính trị đa đảng, tham nhũng vẫn là một vấn nạn, thậm chí là quốc nạn.
Theo báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố đầu năm 2023 cho thấy, trên thế giới không có quốc gia nào không có tham nhũng, không nhà nước nào là hoàn toàn minh bạch, trong sạch. TI sử dụng thang điểm từ 0 đến 100 để phản ánh quan điểm của các chuyên gia và giới kinh doanh đánh giá về tình trạng minh bạch và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của mỗi quốc gia, trong đó điểm số 0 là rất tham nhũng và điểm số 100 là rất trong sạch. Đan Mạch với số điểm 90 là quốc gia có điểm số cao nhất thế giới trong bảng xếp hạng. Tiếp đó, là Phần Lan và New Zealand cùng đứng thứ hai với số điểm 87. Cũng trong bảng xếp hạng này, Nhật Bản và Vương quốc Anh cùng xếp thứ 18 với số điểm là 73, Hoa Kỳ xếp thứ 24 với số điểm 69; Hàn Quốc với số điểm 63, xếp thứ 31.
Việt Nam xếp thứ hạng 80/180 trong bảng xếp hạng quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số CPI. Như vậy, đồng nghĩa còn có 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đang xếp dưới nước ta trong bảng xếp hạng. Cũng theo báo cáo của TI, so với năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ nổi trội, với 42 điểm, tăng tới 9 điểm.
Thực tế, Đảng, Nhà nước ta không phủ nhận vấn đề tham nhũng vốn đã và đang tồn tại. Đây cũng là vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với xã hội, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Để ngăn chặn tệ nạn này, Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh loại trừ những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng và loại trừ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội. Từ hàng loạt những vụ tham nhũng lớn, nhỏ đã và đang được đưa ra ánh sáng thời gian qua chính là bằng chứng xác thực nhất bác bỏ những luận điệu tuyên truyền phiến diện, chủ quan, lệch lạc, thù địch đang cố tình lợi dụng vấn đề tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta để thực hiện mục đích, ý đồ phá hoại đất nước.
Bài và ảnh: Lê Phượng
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:48:00
Chỗ dựa vững chắc cho người cao tuổi
-
2024-11-21 09:46:00
Sức mạnh từ “ý Đảng - lòng dân”
-
2024-01-03 14:20:00
Khẳng định vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương
Thọ Xuân đổi mới nội dung, chất lượng hoạt động HĐND
Như Xuân nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong phát triển kinh tế - xã hội
Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW: Mạnh tay xử lý nạn lãng phí từ gốc
Ban CHQS huyện Ngọc Lặc đẩy mạnh phong trào “Thi đua Quyết thắng”
Quảng Xương nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
Thạch Thành phát huy vai trò đội ngũ bí thư chi bộ thôn, khu phố
Đảng bộ huyện Hậu Lộc chú trọng đổi mới sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố
Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nông dân
Phát huy vai trò của mặt trận trong xây dựng khu dân cư văn hóa