(Baothanhhoa.vn) - Nhắc đến nền điện ảnh cách mạng Việt Nam một thời huy hoàng là nhắc đến những tác phẩm kinh điển, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến trái tim và khối óc nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước. Đó là Cánh đồng hoang, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chung một dòng sông, Biệt động Sài Gòn, Em bé Hà Nội... Có thể nói, với những tác phẩm vàng có sức sống mãnh liệt, điện ảnh Việt Nam xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồng hành cùng sự phát triển quê hương

Nhắc đến nền điện ảnh cách mạng Việt Nam một thời huy hoàng là nhắc đến những tác phẩm kinh điển, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến trái tim và khối óc nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước. Đó là Cánh đồng hoang, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chung một dòng sông, Biệt động Sài Gòn, Em bé Hà Nội... Có thể nói, với những tác phẩm vàng có sức sống mãnh liệt, điện ảnh Việt Nam xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè năm châu.

Người dân đến xem phim tại phòng chiếu phim thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa (148 Tống Duy Tân, TP Thanh Hóa).

Có lẽ, chỉ những ai sinh ra trong những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước mới cảm nhận hết niềm vui sướng, háo hức và cảm giác “chờ đợi là hạnh phúc” để được xem chiếu bóng. Giữa sân kho HTX những khi việc ruộng đồng vừa giãn, người làng trên, kẻ xóm dưới, đủ cả già trẻ, gái trai lại vây kín quanh tấm vải trắng rộng chừng 4 - 5m2, được căng ra và hằn lên những cảnh sống, cảnh lao động, cảnh chiến đấu của những con người mà dù có ở tận Liên Xô xa xôi, người ta vẫn không thấy xa lạ. Bởi điện ảnh là loại “ngôn ngữ” đặc biệt, ngôn ngữ của hình ảnh, âm thanh, của cảm xúc và tình cảm. Để rồi, khi được thưởng thức, dẫu ta chẳng có bao nhiêu kiến thức về điện ảnh, nhưng giác quan và cảm xúc vẫn đủ để ta trải nghiệm được cái hay, cái đẹp của phim. Bởi vậy mới nói, những đội chiếu bóng lưu động cách đây hơn nửa thế kỷ đã mang ánh sáng của bộ môn “nghệ thuật thứ 7” hiện đại và mới mẻ đến khắp làng quê, để thỏa mãn mong muốn được ngắm nhìn thế giới rộng lớn bên ngoài, hoặc là thỏa mãn những khát vọng cao đẹp hơn cho con người.

Gắn với sự ra đời của Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (ngày 15-3-1953), ngành phát hành phim và chiếu bóng Thanh Hóa cũng đã trải qua 65 năm tồn tại cùng điện ảnh đất nước. Đội Chiếu bóng số 14 - đứa con đầu lòng của điện ảnh Thanh Hóa, được thành lập năm 1953, đã góp phần đưa bộ môn nghệ thuật mới mẻ và đại chúng này đến khắp mọi vùng miền trong tỉnh. Để rồi 10 năm sau, năm 1963, mỗi huyện trong tỉnh đã có 1 đội chiếu bóng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đồng thời, phong trào “Sống như phim, làm việc theo phim” của các tổ bạn điện ảnh được phát động, gắn với việc tuyên truyền sâu rộng các điển hình tiên tiến, mô hình HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu... đã góp phần đưa điện ảnh đi sâu vào đời sống để thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người mới XHCN trên quê hương Thanh Hóa.

Kể sao hết những khó khăn, hung hiểm mà người cán bộ chiếu bóng phải đối mặt, để có thể đưa phim đi phục vụ bộ đội, dân công và đồng bào vùng sâu, vùng xa. Những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, giữa cận kề sống – chết, dưới những căn hầm cứu thương, chiến hào, công sự... hàng vạn mét vải được nhuộm đen làm phông che ánh sáng, để những thước phim vẫn chầm chậm hiện ra trên khung hình. Khắp các trận địa pháo Hàm Rồng, Đò Lèn, Cầu Ghép... các đội chiếu bóng Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, thị xã Thanh Hóa vẫn bám sát trận địa, động viên đồng bào, chiến sĩ kiên cường bám trụ bảo vệ cầu, giữ gìn mạch máu giao thông. Rồi khi Quốc doanh Chiếu bóng được thành lập năm 1968, đã có 40 cán bộ của đơn vị được cử đi làm nhiệm vụ chiếu bóng cho chiến trường miền Nam và thành lập các đội chiếu bóng đi phục vụ Khu 4, Khu 5, nhân dân tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào... Trong số họ đã có những người mãi mãi nằm lại chiến trường.

Điện ảnh Thanh Hóa đầu những năm 80 bước vào giai đoạn “vàng son” bậc nhất. Các rạp chiếu bóng Hội An, Nhà hát Lam Sơn, Nhà văn hóa Nông Cống, Tĩnh Gia, Thọ Xuân... luôn khai thác hết tần suất. Nhiều bãi chiếu phim như bãi Nga Sơn, bãi Kiểu, bãi Giắt, bãi Ngư Lộc, bãi Rừng Thông... mang lại doanh thu đáng kể. Tính đến năm 1982, Thanh Hóa đã có 59 đội chiếu bóng (gồm 34 đội phục vụ miền xuôi, 10 đội phục vụ trung du miền núi, 7 đội phục vụ vùng cao biên giới); 3 rạp và 5 bãi chiếu phim cố định, trên 600 điểm chiếu bóng, 350 sân bãi cấp xã, 23 sân bãi, rạp, nhà văn hóa cấp huyện, 250 tổ bạn điện ảnh. Các rạp, bãi, điểm chiếu phim đã phục vụ lên đến trên 10 triệu lượt người xem/năm, bình quân mỗi người dân được xem phim từ 4 - 5 lượt/năm.

Sau giai đoạn phát triển rực rỡ, những năm 1979 - 1984 là thời kỳ “thoái trào” của ngành phát hành phim và chiếu bóng Thanh Hóa, gắn với chủ trương xóa bỏ bao cấp và áp dụng cơ chế hạch toán kinh doanh, tự trang trải kinh phí hoạt động. Cùng với đó, sự xuất hiện của phim video, sự phát triển của truyền hình đã khiến cho địa bàn và khán giả của chiếu bóng dần bị thu hẹp. Sau Đại hội VI của Đảng, cùng với việc sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, ngành phát hành phim và chiếu bóng chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Từ 59 đội chiếu bóng hiện còn 10 đội với 45 cán bộ, nhân viên. Địa bàn của chiếu bóng chủ yếu phục vụ cán bộ, nhân dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và các xã đặc biệt khó khăn được hưởng “chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa” theo quy định của Nhà nước.

Trước xu thế hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ của các phương tiện giải trí hiện đại, chiếu bóng đã không giữ được vị thế quan trọng của nó như những thập niên trước. Song, các đội chiếu bóng vẫn đang thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị - tư tưởng, bồi đắp tình cảm - thẩm mỹ cho nhân dân. Đồng thời, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa đã được tỉnh đầu tư cải tạo phòng chiếu và máy chiếu kỹ thuật số 3D – HD hiện đại. Hiện phòng chiếu của trung tâm là địa điểm thưởng thức nghệ thuật điện ảnh thường xuyên của khán giả TP Thanh Hóa.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]