Đổi thay từ một nghị quyết
Để xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của tỉnh, ngày 25/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là NQ 05). Sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, TP Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Nghị quyết số 05-NQ/TU được ban hành tạo động lực để TP Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Để triển khai thực hiện NQ 05, trên cơ sở chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các ban, sở, ngành cấp tỉnh xây dựng, báo cáo UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trình HĐND tỉnh thông qua “Một số cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển thành phố” tại NQ số 303/2022/NQ-HĐND tỉnh; phối hợp với các đơn vị lập quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040”. UBND thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn; rà soát, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án giải quyết đối với các dự án tồn đọng kéo dài; đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị chức năng. Nhiều phường, xã, cơ quan, đơn vị đã lựa chọn các vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung giải quyết.
Sự kết hợp hài hòa, sáng tạo giữa các cơ chế, chính sách đặc thù mà tỉnh dành cho thành phố với việc khơi thông nguồn lực bên trong chính là “chìa khóa” quan trọng để thành phố thực hiện có hiệu quả 10 nhiệm vụ, giải pháp theo NQ 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, hạ tầng đô thị, khoa học công nghệ... NQ 05 được thực hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài, nhưng với tinh thần “đi trước đón đầu”, thành phố đã dự báo, đánh giá sát đúng tình hình dịch bệnh, đề ra các giải pháp cụ thể, linh hoạt, có tính khả thi cao. Nhờ đó, dịch bệnh sớm được kiểm soát, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh. Giai đoạn 2021-2023 và 6 tháng năm 2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế của thành phố hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật như tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 91.826 tỷ đồng, bằng 51,01% kế hoạch cả nhiệm kỳ 2020-2025 và NQ 05 đề ra (180.000 tỷ đồng). Thu ngân sách Nhà nước đạt 10.183,2 tỷ đồng, đạt 128% dự toán tỉnh và 110% dự toán thành phố giao. Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề hoạt động. Từ năm 2021 đến nay, đã có 5.549 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 85,4% mục tiêu NQ 05 đề ra (6.500 doanh nghiệp). Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của thành phố đạt 84,86 triệu đồng, cao hơn 14,86 triệu đồng so với năm 2020 và gấp 1,53 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt 98,5%, vượt 0,5% so với mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra...
Song hành với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa- xã hội đều có bước phát triển mới. Giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao nhiều năm nằm trong tốp đầu toàn tỉnh. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn ở mức cao; kết quả kỳ thi THPT hằng năm nói chung và thi vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn nói riêng luôn dẫn đầu cả tỉnh. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng, 100% phường, xã được công nhận chuẩn quốc gia về y tế. Công tác xây dựng phố, thôn, đơn vị, cơ quan văn hóa; phường văn minh đô thị; phường, xã, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu ghi nhiều dấu ấn đậm nét. Đến nay, thành phố có 54% phường, xã, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí kiểu mẫu, vượt mục tiêu NQ 05 đề ra là 53%.
Hạ tầng đồng bộ, hiện đại cũng là điểm nhấn nổi bật sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết. Riêng năm 2024, thành phố đã khởi công 4 dự án trọng điểm là Dự án Cung Văn hóa thiếu nhi và Trung tâm thể dục, thể thao thành phố; cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An; mở rộng Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống; Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông Tây. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để tiếp tục khởi công 3 dự án trọng điểm vào cuối năm 2024. Một số công trình hạ tầng, giao thông, các khu đô thị lớn được đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào sử dụng như Đại lộ Đông Tây, đường nối từ trung tâm thành phố đi Nghi Sơn - Cảng Hàng không Thọ Xuân, Khu đô thị xã Hoằng Quang và phường Long Anh, Khu đô thị số 4 phường Đông Hải... Để giải quyết các dự án còn tồn đọng, kéo dài, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố rà soát, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án giải quyết. Công tác xã hội hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông theo NQ số 83/NQ-HĐND của HĐND thành phố đã tạo sự thay đổi cho diện mạo đô thị của thành phố.
Sau khi “Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040” được phê duyệt, thành phố đã rà soát, hủy bỏ hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền hủy bỏ những quy hoạch không còn phù hợp. Đồng thời, hoàn thiện 8 đồ án quy hoạch phân khu, đô thị Thanh Hóa; xây dựng đề án phân loại đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I và báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Thanh Hóa. Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến, tỷ lệ giải phóng mặt bằng hằng năm đều vượt kế hoạch tỉnh giao, nhiều dự án lớn, trọng điểm, khó khăn, vướng mắc kéo dài đã được tập trung chỉ đạo, tháo gỡ như Dự án khu đô thị số 4 phường Đông Hải, Dự án Công viên nước Đông Hương... Công tác quản lý trật tự đô thị được tăng cường mà điểm nhấn là đã xử lý hiệu quả việc sử dụng trái phép các gầm cầu để buôn bán; tháo dỡ các ki-ốt bán hàng và điểm trông giữ xe xây dựng trái phép ở nhiều nơi.
Nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tiếp theo là “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại...; là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc”. Để hiện thực hóa mục tiêu lớn này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và người dân thành phố phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để hoàn thành các mục tiêu theo lộ trình NQ 05 đề ra.
Bài và ảnh: Tố Phương
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:53:00
Đưa khoa học công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
-
2024-11-21 09:46:00
Sức mạnh từ “ý Đảng - lòng dân”
-
2024-09-05 14:54:00
Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quan Sơn
Đồng đất “chuyển mình” từ một nghị quyết
Cẩm Thủy khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện
“Cầu nối” đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở thị xã Bỉm Sơn
Triệu Sơn quán triệt triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Đảng
Thọ Xuân phát triển không gian đô thị
Tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII
“Cuộc cách mạng” mở đường - Từ một nghị quyết “vượt trước” (Bài 2): Mở đường - mở tương lai
“Cuộc cách mạng” mở đường - Từ một nghị quyết “vượt trước” (Bài 1): Nghị quyết mở đường
“Cầu nối” đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở Cẩm Thủy