(Baothanhhoa.vn) - Nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng, xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chỉ đạo này, mỗi năm các chi nhánh Agribank tại Thanh Hóa đã dành hàng trăm ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Đổi thay ở huyện vùng cao nhờ tín dụng nông nghiệp, nông thôn

Nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng, xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chỉ đạo này, mỗi năm các chi nhánh Agribank tại Thanh Hóa đã dành hàng trăm ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Đổi thay ở huyện vùng cao nhờ tín dụng nông nghiệp, nông thôn

Từ nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn, gia đình chị Lục Thị Mai ở bản Chăm, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) đã phục tráng hơn 2 ha đồi luồng bị thoái hóa.

Tại huyện miền núi Quan Hóa, kể từ khi triển khai chính sách tín dụng này đã tạo ra “cú hích” quan trọng về nguồn vốn dành cho phát triển nông nghiệp tại địa phương. Minh chứng, đến thời điểm 31-3-2023 dư nợ mà Agribank huyện Quan Hóa cho vay từ chương trình này đạt 572 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 99,2% tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng này đã góp phần to lớn trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, nhất là xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch...

Trường hợp gia đình chị Lục Thị Mai ở bản Chăm, xã Phú Nghiêm là một điển hình. Nếu như trước đây, do thiếu vốn đầu tư, việc phát triển nông nghiệp không đem lại hiệu quả. Gần 8 năm kể từ khi tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng từ Agribank huyện Quan Hóa, gia đình chị không chỉ có nguồn kinh phí đầu tư cải tạo phục tráng hơn 2 ha luồng, còn được tư vấn hướng dẫn đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại phù hợp, hiệu quả. Ước tính thu nhập mỗi năm của gia đình chị đạt từ 300-350 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm Phạm Bá Trọng khẳng định: Năm 2017 xã Phú Nghiêm được chọn làm điểm xây dựng NTM của huyện Quan Hóa. Ngay sau khi bắt tay vào triển khai, xã xác định lấy phát triển sản xuất nông nghiệp làm chủ lực, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, từng bước nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân. Để cán đích xã nông thôn mới đúng lộ trình, vai trò nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn từ Agribank Quan Hóa có vai trò hết sức quan trọng. Đến nay, dư nợ từ chương trình tín dụng này trên địa bàn xã đạt trên 26 tỷ đồng, với 220 khách hàng. Từ nguồn vốn vay đã góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ gia đình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển tiểu thủ công nghiệp, chế biến lâm sản... từng bước nâng cao năng suất, thu nhập, ổn định đời sống Nhân dân.

Giám đốc Agribank huyện Quan Hóa Hoàng Vĩnh Đức cho biết: Nếu như trước kia theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 của Chính phủ nguồn vốn vay chủ yếu dành cho trồng trọt, chăn nuôi và hạn chế đối tượng vay, thì kể từ khi triển khai Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7-9-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đối tượng vay cũng như hạn mức và mục đích nguồn vốn vay đã trở nên phong phú, đa dạng hơn. Nhiều hộ vay đã biết tận dụng nguồn vốn để phát triển các sản phẩm mang thương hiệu bản địa, xây dựng thành sản phẩm OCOP góp phần quảng bá du lịch, bản sắc văn hóa quê hương. Đơn cử như, trường hợp hộ gia đình chị Phạm Thị Nhung ở khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân với vốn vay 150 triệu đồng, chị đã đầu tư sản xuất, phát triển các sản phẩm thương hiệu nông sản sạch như măng khô, kẹo nhãn, thịt bò sấy... tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương và từ 10-15 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên, mỗi năm gia đình chị thu nhập cả tỷ đồng.

Hay trường hợp gia đình ông Phạm Bá Lằm ở bản Tà Bán, xã Trung Sơn, với số tiền vay 170 triệu đồng đã đầu tư phát triển cá lồng, cá bè kết hợp phát triển du lịch lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Ông Lằm cho biết, ban đầu ông vay vốn với ý định đầu tư nuôi cá truyền thống, tuy nhiên cán bộ Agribank gợi ý gia đình nên nuôi cá đặc sản kết hợp với làm du lịch lòng hồ. Đến thời điểm này các loại cá như cá lăng, cá ké, cá dốc... được bán với giá thành cao, cho thu nhập hiệu quả.

Theo Giám đốc Agribank huyện Quan Hóa, thời gian tới để tiếp tục góp phần đưa tín dụng nông nghiệp nông thôn vào cuộc sống, Agribank huyện Quan Hóa sẽ tập trung hơn nữa trong việc đẩy mạnh công tác huy động vốn, đảm bảo nguồn lực tài chính để cung ứng vốn vay cho khách hàng. Bên cạnh đó, bám sát các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, huyện, đặc biệt là các chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để đầu tư vốn một cách kịp thời, hiệu quả; đồng thời, triển khai cho vay theo mô hình liên kết, cho vay theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ thanh toán trong nông nghiệp, nhất là với hàng hóa nông sản có giá trị cao...

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]