(Baothanhhoa.vn) - Bằng ý chí và nghị lực được tôi luyện từ những tháng năm trong môi trường quân đội cùng khát khao vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoàng ở phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn đã trở thành một trong những tấm gương điển hình trong phong trào lao động sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ý chí người cựu chiến binh với khát vọng làm giàu

Ý chí người cựu chiến binh với khát vọng làm giàu

Ông Nguyễn Thanh Hoàng và một góc khu trang trại.

Bằng ý chí và nghị lực được tôi luyện từ những tháng năm trong môi trường quân đội cùng khát khao vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoàng ở phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn đã trở thành một trong những tấm gương điển hình trong phong trào lao động sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương.

Xuất thân trong một gia đình cơ bản, bố làm trong ngành giáo dục, mẹ làm tại một cơ quan Nhà nước, người thanh niên Nguyễn Thanh Hoàng nối tiếp truyền thống học tập của gia đình đã thi đậu và theo học tại Trường Sĩ quan hậu cần Sơn Tây. Năm 1982, sau ngày tốt nghiệp đại học, chàng trai vừa đôi mươi mang đầy nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nước sâu sắc đã lên đường nhập ngũ trong lực lượng quân chủng không quân. Sống và cống hiến hết mình trong quân đội 15 năm, năm 1997, ông xuất ngũ về địa phương và làm việc trong môi trường mới. Với năng lực và nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Bỉm Sơn từ những ngày đầu mới thành lập, năm 2015, ông Hoàng được bầu và giữ chức bí thư đảng ủy kiêm phó giám đốc công ty. Thời gian này, ông vừa đi làm vừa theo học văn bằng hai tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.

Tháng 1 năm 2014, nhận thấy tại địa phương mình, diện tích đất bỏ hoang gây lãng phí quá nhiều, ông đã mạnh dạn xin thầu để mở trang trại sản xuất nông nghiệp với mong muốn dùng những kiến thức về nông nghiệp đã học qua trường lớp để góp phần phát triển kinh tế gia đình lại vừa thỏa lòng đam mê với ruộng vườn, cây cối.

Thời gian đầu vỡ vạc khu đất rộng 2 ha giữa 4 bề đầm lầy hoang vắng, ai cũng nghĩ ông Hoàng nếu không “có vấn đề” thì cũng mắc sai lầm lớn. Nhiều người nhìn ông ái ngại bởi không thể hiểu tại sao một người đang có cuộc sống êm ả, ổn định lại thích lao vào cái khó, cái khổ mà chẳng biết có “nên cơm nên cháo” gì không. Bỏ ngoài tai mọi lời xì xào bàn tán, ông vẫn quyết tâm với sự lựa chọn của riêng mình. Cả 1 khu đất trống, không có nhà dân, không một lối đi, không điện, nước, ông phải ngày đêm lăn lộn cải tạo. Đầu tiên là mua đất làm đường rồi xúc từng xe đất đá lấp đầy các hố sâu, vũng lõm, rồi thì đào ao, đắp bờ... Ngày đi làm tại công ty với vai trò người thủ trưởng nhưng chiều về ông lại trở thành một người nông dân chính hiệu, lam lũ và thạo việc. Sau bao ngày tháng nỗ lực, kiên trì, bãi đất hoang ngày nào giờ đã trở thành một trang trại kinh tế tổng hợp xanh mướt mát, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình.

Nhớ lại những ngày đầu khai hoang, mở đất, ông Hoàng chia sẻ: “Cũng chỉ vì tiếc nguồn đất dồi dào bị bỏ hoang phí, lại yêu thích công việc nuôi trồng, chăm bón của nhà nông và tin tưởng vào sức mình nên tôi đã mạnh dạn đầu tư cải tạo khu đất làm trang trại. Khó khăn, vất vả thì nhiều lắm nhưng đến ngày hôm nay, nhìn thành quả ban đầu, tôi cũng thấy yên lòng vì mình đã chọn lối đi đúng hướng cho chính mình”.

Hiện nay, tại trang trại của gia đình ông Hoàng có nhiều ao thả cá cùng hàng trăm con lợn, trong đó có cả lợn rừng, lợn thịt và nhiều đàn gà, vịt trời lên tới vài trăm con. Với những kiến thức đã học qua trường lớp cùng những nghiên cứu, tìm tòi, ông Hoàng còn tập trung phát triển đàn lợn nái, lai tạo ra những con giống khỏe, có chất lượng để cung cấp ra thị trường. Nhờ vậy, nguồn con giống, vật nuôi của trang trại xuất bán ra đến đâu là hết đến đấy.

Bên cạnh vật nuôi, trong trang trại của người cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoàng còn có nhiều cây ăn quả và cây lấy gỗ. Ngoài 200 cây mít giống Thái Lan mỗi năm cho thu hoạch gần 1 nghìn quả mít chín tương đương với 6 tấn mít còn có nhiều cây ăn quả khác như: 100 cây hồng xiêm, 100 cây cam và một vườn ổi quanh năm sai trĩu quả... Tìm hiểu sách báo, truyền hình và qua các trang mạng xã hội, nhận thấy cây sưa là loài cây gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, ông Hoàng đã cất công nhiều ngày nhờ các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khảo nghiệm và nhận thấy đặc tính thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện tự nhiên tại địa phương phù hợp với cây sưa, ông đã đầu tư mua giống và trồng 300 cây giống quý này. Sau 6 năm áp dụng các bước kỹ thuật trong chăm sóc, đến nay vườn sưa của gia đình ông đã xanh tốt, dự kiến sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế trong tương lai.

Để nói về chặng đường xây dựng và phát triển trang trại của mình, ông Hoàng còn tỏ bày cảm xúc: Những vất vả trong những ngày đầu khởi tạo trang trại chưa là gì so với những trăn trở bởi thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Có những năm, hàng tạ cá trong ao bị cuốn trôi do mưa bão, cây cối chết úng vì ngập nước trong nhiều ngày, rồi những đợt lợn mất giá khiến gia đình ông thua lỗ nặng vì 300 con lợn trong chuồng không thể xuất bán... Hay như hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát và có nguy cơ lây lan rộng khiến ông ngày đêm lo lắng. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, người cựu chiến binh này vẫn lạc quan, tin tưởng vào lựa chọn của mình, bởi công việc này không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình với lợi nhuận mỗi năm thu được khoảng 200 triệu đồng mà nó còn là niềm vui, niềm đam mê ấp ủ từ thuở bé.

Phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ với nghị lực, quyết tâm vượt khó, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoàng không chỉ có nhiều đóng góp cho xã hội, cho đất nước mà còn trở thành tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]