(Baothanhhoa.vn) - Hơn 3 tháng sau trận lũ quét lịch sử, bản Poọng, xã Tam Chung - địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Mường Lát bước vào cuộc tái thiết hết sức khẩn trương. Vùng đất của những tổn thương, mất mát giờ đang hồi sinh từng ngày.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trở lại bản Poọng

Hơn 3 tháng sau trận lũ quét lịch sử, bản Poọng, xã Tam Chung - địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Mường Lát bước vào cuộc tái thiết hết sức khẩn trương. Vùng đất của những tổn thương, mất mát giờ đang hồi sinh từng ngày.

Trở lại bản Poọng

Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương giúp dân dựng nhà, tái thiết cuộc sống trên khu tái định cư.

Chúng tôi trở lại huyện Mường Lát vào những ngày cuối năm 2018, khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Con đường vào bản Poọng sau trận lũ quét và sạt lở đất (cuối tháng 8, đầu tháng 9-2018) còn ngổn ngang đất đá, dòng suối rộng hoác, trơ sỏi đá, trắng nhởn như miệng con cá sấu khổng lồ vừa xong bữa tiệc giờ nằm há miệng phơi nắng.

Những ngày này, xã Tam Chung không khác một đại công trường với nhiều máy xúc, máy ủi, xe chở nguyên vật liệu xây dựng nườm nượp vào ra. Những lán trại được dựng tạm bợ ven đường vào bản Poọng là nơi hàng chục công nhân, người lao động các đơn vị, xí nghiệp tá túc để thực hiện nhiệm vụ tái thiết.

Trưởng bản Lò Quốc Tính cho hay: Trận lũ lịch sử trong hàng chục năm qua đã khiến 35/89 ngôi nhà, với nhiều tài sản có giá trị, 16ha lúa đến thời kỳ thu hoạch bị cuốn trôi trong chốc lát, nhiều ha hoa màu bị vùi lấp hoàn toàn... đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Nhiều công trình như cầu, hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nặng.

Thời điểm này, người dân và chính quyền nơi đây vẫn đang dồn sức để khắc phục hậu quả do trận lũ này để lại. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn khiến họ chưa thể ổn định được cuộc sống hoàn toàn. Bởi, hầu hết các hộ gia đình đến nay chưa thể sản xuất trở lại do đất canh tác vẫn còn đang bị bùn đất, đá sỏi vùi lấp. Cuộc sống đa phần vẫn phải cậy nhờ vào sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng trên gương mặt những người dân vẫn nở nụ cười rạng rỡ. Họ bảo, khóc thì cũng không lấy lại được tài sản đã mất, nên cứ cười đi để cùng động viên, hỗ trợ nhau qua lúc khó khăn này.

Chủ tịch xã Tam Chung Hà Văn Thiếu cho biết: “Chính quyền xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con để chuyển đổi một số diện tích đất ruộng có thể khôi phục được sang trồng rau, cây ngắn ngày”.

Sau khi cơn lũ đi qua, người dân xã Tam Chung nói riêng, huyện Mường Lát nói chung gặp muôn vàn khó khăn. Dẫu vậy, cộng đồng các dân tộc nơi đây không đơn độc, bởi tấm lòng “tương thân tương ái” của bà con chòm xóm, của đồng bào khắp mọi miền đất nước. Giữa biển nước mênh mông, những người dân trong bản vẫn gọi hỏi thăm, động viên nhau cố gắng chờ lũ qua rồi lại giúp nhau ổn định cuộc sống, chia nhau từng bát gạo chưa bị vùi lấp. Với họ, trong lũ tình cảm gia đình, làng xóm mới thấy đáng quý, đáng trân trọng.

Đặc biệt, ngay sau khi thiên tai xảy ra, đã có rất nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ người dân vùng lũ, những chuyến xe cứu trợ từ mọi miền đất nước đã đến với bà con nơi đây với tinh thần một tấm lòng trao đi, một tình người ở lại. Những món quà đã kịp thời làm vơi đi những mất mát, đau thương do thiên tai gây ra.

Theo thống kê của UBND xã Tam Chung, tính đến thời điểm hiện tại, địa phương đã đón 230 đoàn thiện nguyện, các nhà hảo tâm đến thăm hỏi, tặng quà bà con nhân dân bị ảnh hưởng lũ, với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. Sự san sẻ của đồng bào cùng với số tiền, hiện vật quyên góp đã được xã Tam Chung quản lý chặt chẽ, bàn bạc công khai, dân chủ, phân bổ đúng đối tượng. Cách thức khắc phục hậu quả lũ đã khơi được lòng dân, chính điều đó đã tạo nên sức mạnh để Tam Chung nói riêng và Mường Lát nói chung vượt lên lũ dữ.

Cụ thể, ngay khi cơn lũ đi qua, cùng với việc lo làm trường lớp học cho con em của đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, huyện Mường Lát đã triển khai đồng loạt các công việc nhằm ổn định đời sống, sản xuất cho bà con. Những ngày đầu, huyện đã huy động hàng nghìn người, với nhiều ngày công, máy móc, thiết bị vận chuyển lương thực, thực phẩm, làm đường giao thông, sửa chữa hệ thống điện, nước, dọn dẹp hậu quả trận lũ. Sau đó là việc giải quyết các bài toán sinh kế cho người dân khi đất đai, ruộng vườn, nhà cửa đều bị tàn phá. Nếu di chuyển thì phương án bố trí dân thế nào, quỹ đất chật hẹp tính toán ra sao? Phương án di chuyển bản Poọng cần nguồn ngân sách lớn, khối lượng công việc rất phức tạp, không dễ giải quyết. Huyện ủy Mường Lát và UBND xã Tam Chung đã phải họp bàn, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Cuối cùng thống nhất phương án bố trí quy hoạch, sắp xếp dân cư lên khu đất mới rộng khoảng 3ha, bảo đảm mỗi ngôi nhà có diện tích 100m2, cách bản cũ khoảng 1km. Hiện tại, một số ngôi nhà mới đã hoàn thành, người dân đã chuyển đến ở. Dự kiến trước Tết Nguyên đán sẽ hoàn thành việc xây 34 nhà (đợt 1) tái định cư cho người dân.

Ông Hà Văn Thiếu giải thích: Mục tiêu của xã Tam Chung nói riêng và huyện Mường Lát nói chung đặt ra là phải bảo đảm nguyên tắc ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. Huyện và xã đã tính toán hết các yếu tố liên quan đến đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở, cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, địa hình huyện Mường Lát chủ yếu là đồi núi hiểm trở, đất dốc, dễ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn kéo dài. Thêm vào đó, quỹ đất dân cư trên địa bàn huyện vốn đã hạn hẹp, trận mưa lũ vừa qua đã gây sạt lở, cuốn trôi thêm cả đất dân cư lẫn đất sản xuất nên phương án tái định cư cho các hộ càng thêm khó khăn. Vì thế, khu tái định cư bản Poọng mới chỉ đáp ứng 63/89 hộ dân. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh cho mỗi hộ bị mất nhà 75 triệu đồng, huyện bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 5,4 triệu đồng/hộ, đồng thời vận động các hộ tự chủ động tìm quỹ đất đề xuất với xã, ưu tiên phương án bố trí tái định cư tại chỗ, xen ghép giữa các hộ.

Trực tiếp có mặt chỉ đạo và tham gia cùng các lực lượng giúp nhân dân dựng nhà, sửa chữa đường sá ổn định cuộc sống, chúng tôi thấy hình ảnh những bộ đội biên phòng Thanh Hóa trong bộ quân phục màu xanh chân lội bùn đất, tay thoăn thoắt thao tác với dụng cụ lao động giữa trưa nắng đã thực sự mang đến cho chúng tôi cũng như người dân ở bản nghèo sự tin yêu, nể phục. Trong những ngổn ngang của bùn đất, sự tàn phá tan hoang của cơn lũ dữ vẫn ngời sáng phẩm chất của người lính Cụ Hồ.

Câu nói “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”... giờ đây không chỉ còn là khẩu hiệu mà đã biến thành hành động thực tiễn của những người lính Cụ Hồ nơi vùng cao Mường Lát. Những đóng góp của các anh cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ là nguồn lực to lớn để huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này sớm ổn định trở lại, phục hồi đời sống cho người dân và ổn định sản xuất trong một ngày không xa. Một niềm hy vọng mới về một cuộc sống đỡ vất vả hơn lại được nhen nhóm trong lòng những người dân tộc nghèo. Ước mơ về một nơi trú ngụ an toàn và sạch đẹp đang dần hoàn thiện. Và chắc chắn, ngày trở về sẽ không còn xa.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]