(Baothanhhoa.vn) - Những buổi chiều hè nóng nực, dọc bờ biển các huyện ven biển, hay các con sông, con suối, hồ đập ở các địa phương khác trong tỉnh... chúng ta dễ dàng bắt gặp từng tốp trẻ em đùa vui tắm biển, tắm sông, tắm suối bất chấp sự nguy hiểm đang rình rập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trẻ em đuối nước - đến hè lại lo!

Những buổi chiều hè nóng nực, dọc bờ biển các huyện ven biển, hay các con sông, con suối, hồ đập ở các địa phương khác trong tỉnh... chúng ta dễ dàng bắt gặp từng tốp trẻ em đùa vui tắm biển, tắm sông, tắm suối bất chấp sự nguy hiểm đang rình rập.

Trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ là một trong những giải pháp góp phần giảm thiểu tỷ lệ trẻ đuối nước.

Mặc dù các cấp, các ngành, địa phương, nhà trường và gia đình đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh đuối nước ở trẻ, nhưng cứ vào hè, nỗi lo tai nạn đuối nước vẫn luôn thường trực.

Những vụ đuối nước thương tâm

Đã gần một năm trôi qua, nhưng khi hỏi về vụ đuối nước thương tâm tại thôn Chiềng, xã Luận Khê (Thường Xuân) người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng và xót xa. Vào chiều 14-7-2017, hai anh em ruột Lương Gia Nhân (5 tuổi) và Lương Gia Nghĩa (4 tuổi), ở nhà chơi với nhau, khi bố là anh Lương Văn Quân đi làm đồng, thấy bể nước sinh hoạt trước nhà không che đậy, hai cháu vào tắm dẫn đến bị đuối nước.

Tương tự như trường hợp trên, vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 21-9-2017, em Nguyễn Xuân An (sinh năm 2004) và em Lê Đình Mạnh (sinh năm 2005) cùng là học sinh lớp 8A Trường THCS Đào Duy Từ, xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia) đến trường để dọn dẹp vệ sinh. Do đến trường sớm, hai em và các bạn đã đến khu vực núi phía sau trường chơi. Tại đây 2 em đã xuống hố nước công trình gần đấy để tắm. Do hố nước sâu, vách lại dựng đứng nên 2 em đã bị đuối nước và tử vong. Được biết, hố công trình nơi xảy ra vụ đuối nước nêu trên đã có từ lâu, do việc khai thác đất san lấp mặt bằng khu tái định cư trên địa bàn xã để lại. Bình thường, những hố này không có nước, nhưng do trời mới mưa, nước đục nên các cháu không biết, xuống tắm thì bị đuối nước.

Mới đây nhất, vào ngày 8-4-2018, tại xã Phú Sơn (Tĩnh Gia) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 bé trai tử vong. Nạn nhân là các cháu Vũ Xuân Hiếu (sinh năm 2011), Lê Thế Tuấn Anh (sinh năm 2014) rủ nhau lên nhà bà Nguyễn Thị Luyên (sinh năm 1957) ở thôn Tây Sơn để chơi với cháu Vũ Xuân Đình (sinh năm 2014) đang ở chung với bà. Khi thấy các cháu ngồi chơi trong nhà, bà Luyên đã ra sau vườn hái rau, hái xong quay lại thì không thấy các cháu đâu nên hốt hoảng thông báo cho mọi người đi tìm và phát hiện thi thể của cả 3 cháu dưới ao cá gần nhà. Theo một số người dân cho biết, ao mà các cháu chết đuối trước đây là hố sâu múc đất để san lấp đường, khi mưa xuống, thấy có nước nên gia đình đã cải tạo để làm ao thả cá.

Những vụ tai nạn đau lòng trên chỉ là con số nhỏ của những vụ tai nạn đuối nước xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh thời gian gần đây và những vụ tai nạn như vậy vẫn sẽ còn xảy ra nhiều nếu như không có sự can thiệp kịp thời.

Biện pháp nào để phòng ngừa

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 87 vụ tai nạn thương tích (trong đó có 75 trẻ em tử vong do đuối nước, 8 trẻ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ, 4 trẻ em bị tai nạn, thương tích khác), riêng từ đầu năm đến nay đã có 3 trẻ chết do đuối nước. Qua những vụ đuối nước trong thời gian vừa qua, cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, song phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Mặt khác, tai nạn đuối nước cũng một phần do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Một nguyên nhân không thể bỏ qua, đó là khi các em ứng cứu lẫn nhau lại chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người đuối. Các vụ tai nạn thương tâm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục kỹ năng tự phòng vệ cho con em mình.

Nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích trẻ em, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Trong đó chú trọng công tác truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về hiểm họa tai nạn thương tích và các kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; đặc biệt là việc phòng chống tai nạn thương tích tại các vùng trọng điểm...; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích và lồng ghép với thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên, cha mẹ, trẻ em về kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích; các phương pháp sơ cứu thông thường khi xảy ra tai nạn, thương tích ở trẻ em; đưa nội dung này vào hoạt động ngoại khoá của các trường tiểu học và THCS. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các mô hình: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, cải tạo môi trường sống theo hướng an toàn cho trẻ em. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động chung tay để giảm thiểu tỷ lệ trẻ đuối nước, như: Tổ chức các diễn đàn về phòng tránh tai nạn đuối nước cho thiếu nhi; tổ chức các lớp dạy bơi, hướng dẫn cách phòng tránh và xử lý các trường hợp đuối nước cho thiếu nhi, đặc biệt là các em ở các huyện miền núi; tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, giảm thiểu việc các em chơi ở những nơi nguy hiểm...

Mặc dù các đơn vị đã vào cuộc nhưng điều cần nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên từ phía gia đình. Bởi, phòng tránh đuối nước không chỉ nằm ở việc học bơi, biết bơi mà điều quan trọng hơn là các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn. Trước các mối nguy, phụ huynh thường cấm đoán trẻ nhưng quên mất rằng, không thể kiểm soát con mọi lúc, mọi nơi, bởi vậy, việc giải thích, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng tự phòng vệ để con nhận thức được nơi nào nguy hiểm cần tránh xa là vô cùng cần thiết. Để chủ động phòng ngừa và hạn chế các vụ đuối nước, thiết nghĩ các đơn vị chuyên trách cần chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để nhân dân, nhất là trẻ em, học sinh biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Về phía phụ huynh, nhà trường cũng cần thiết có những giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý con em một cách thiết thực hơn để đuối nước không còn là nỗi lo hiện hữu khi hè về.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]