(Baothanhhoa.vn) - Với ưu điểm không mất chi phí mặt bằng, lại khá linh động khi di chuyển nên những năm gần đây, đặc biệt là sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hình thức kinh doanh lưu động bằng xe máy, xe ô tô tải nhỏ... ngày càng trở nên phổ biến và cũng là xu hướng đang được nhiều người lựa chọn.

Tiện ích từ hình thức kinh doanh lưu động

Với ưu điểm không mất chi phí mặt bằng, lại khá linh động khi di chuyển nên những năm gần đây, đặc biệt là sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hình thức kinh doanh lưu động bằng xe máy, xe ô tô tải nhỏ... ngày càng trở nên phổ biến và cũng là xu hướng đang được nhiều người lựa chọn.

Tiện ích từ hình thức kinh doanh lưu độngXe lưu động của cửa hàng “bánh tráng trộn 74” bán hàng tại TP Sầm Sơn.

Vài năm trở lại đây, mô hình xe gắn máy, xe ô tô tải nhỏ bán hàng lưu động đang nở rộ khắp nơi từ thành thị đến nông thôn. Những người bán hàng lưu động đi bất cứ nơi đâu, bày bán ở bất cứ chỗ nào thuận tiện như chợ truyền thống, hay bán ở dọc đường, hoặc có thể bố trí địa điểm nào phù hợp... Hàng hóa giao dịch cũng có đủ chủng loại, từ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như đồ ăn, nước uống, quần áo, giày dép, xoong nồi..., đến những mặt hàng cao cấp hơn như sữa trẻ em nhập khẩu, đồ điện tử gia dụng... Thời gian qua, cửa hàng “Bánh tráng trộn 74”, có địa chỉ ở 108 Lê Quý Đôn, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) là một trong những cơ sở tích cực và đạt hiệu quả cao trong việc quảng bá sản phầm thông qua hình thức kinh doanh lưu động. Chị Lê Thị Lệ, chủ cửa hàng cho biết: Ngoài việc bán ở cửa hàng cố định, chúng tôi còn bố trí một xe ô tô tải nhỏ chuyên đi bán hàng lưu động ở khắp các địa phương trong tỉnh như TP Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Hà Trung, Nông Cống. Dù là kinh doanh dưới hình thức phục vụ tại chỗ hay lưu động thì chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố được chúng tôi đặt lên hàng đầu để thu hút khách hàng. Để đảm bảo cho món ăn giữ được độ tươi ngon, màu sắc bắt mắt, hấp dẫn khách hàng khi đi bán lưu động, mỗi ngày chúng tôi đều chuẩn bị sẵn nguồn thực phẩm chở đến các địa phương, khi có khách đặt mua mới bắt đầu chế biến. Cửa hàng chúng tôi có rất nhiều các loại đồ ăn để phục vụ khách hàng như set kimbap chiên gồm: kimbap chiên, bánh tráng trộn, bánh tráng chấm sốt me; set kimbap gồm: cơm gạo dẻo, trứng rán, xúc xích, rau cải ngọt, cà rốt, dưa chuột, củ cải Hàn Quốc..., giá cả các món ăn cũng phù hợp dao động từ 25.000 - 60.000 đồng tùy món. Hình thức kinh doanh lưu động mang đến cho chúng tôi rất nhiều tiện lợi đó là giảm chi phí đầu tư, nhất là thuê mặt bằng. Đồng thời, có thể linh hoạt đi nhiều địa điểm để bán và quảng bá được món ăn tới đông đảo khách hàng. Bởi vậy, thời gian tới, cửa hàng đang có dự định sẽ đầu tư thêm xe để mở rộng bán hàng lưu động ra nhiều địa phương khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, việc bán hàng lưu động là hình thức kinh doanh khá mới mẻ, dựa trên sự tiện lợi trong việc di chuyển. Thế nên, ngày càng có nhiều người lựa chọn xu hướng kinh doanh này. Cũng là người thường xuyên chở các sản phẩm của làng nghề rèn Tiến Lộc (Hậu Lộc) như dao, liềm, xẻng... đi bán ở khắp nơi trên địa bàn TP Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Hưng ở huyện Hậu Lộc, cho biết: do chưa có điều kiện để mở cửa hàng nên tôi đã đầu tư mua lại chiếc xe máy cũ với giá rẻ, sau đó tu sửa lại, mua sắm dụng cụ, lựa chọn địa điểm để bán hàng. Với xe lưu động thì có thể chọn và thay đổi địa điểm bán dễ dàng, chỗ này không bán được thì di chuyển điểm khác. Đặc biệt, hai năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những mô hình kinh doanh lưu động sẽ giúp người bán hàng như chúng tôi giảm được nhiều rủi ro, tiết kiệm được nhiều chi phí so với khi mở quán cố định và hạn chế tối đa được tình trạng tụ tập nơi công cộng...

Tại các huyện miền núi, hình ảnh những chuyến xe máy, xe tải nhỏ chở hàng đi bán khắp các con đường, ngõ xóm cũng khá quen thuộc với người dân. Có dịp về xã Yên Khương (Lang Chánh) chúng tôi bắt gặp nhiều chiếc xe chở hàng lưu động đi bán với mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân. Tranh thủ phút dừng sau quãng đường dài chạy xe rong ruổi bán hàng tại đây, chị Hương (thị trấn Lang Chánh) chia sẻ: Do địa bàn xã cách xa trung tâm thị trấn, nên việc mua bán hàng hóa, nhu yếu phẩm của bà con nơi đây có phần khó khăn hơn. Bởi vậy, sáng nào tôi cũng chạy xe máy lên đây để bán các mặt hàng rau, thịt, cá; các loại rau, củ, quả; các loại gia vị và nhiều đồ dùng khác. Đồ nghề mà tôi mang theo là một chiếc cân, hai giỏ sắt đựng hàng được kẹp hai bên hông xe máy để bán. So với bán các mặt hàng ở chợ như gạo, rau, củ, quả, thịt heo, cá thì bán hàng lưu động có giá chênh lệch cao hơn từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Vì cuộc sống của bà con ở đây còn nhiều khó khăn nhiều khi không có tiền mặt nên chúng tôi sẵn sàng trao đổi qua phương thức “hàng đổi hàng”, chẳng hạn thịt, cá... đổi lấy sản phẩm sẵn có của gia đình như chuối, mật ong rừng...

Với những người dân vùng cao quanh năm gắn bó với nương rẫy thì những giỏ hàng như của chị Hương là một sự tiện lợi, bởi đường xa và phương tiện đi lại rất khó khăn. Chị Minh, người dân ở xã Yên Khương, cho biết: không chỉ gia đình tôi mà hầu như ở đây nhà nào cũng vậy, suốt ngày bận rộn với công việc đồng áng, hay vào rừng kiếm củi từ tờ mờ sáng đến tận trưa mới về. Do đó, việc đi chợ thông qua hình thức lưu động này sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, đặc biệt là rất hữu ích đối với những gia đình không có xe máy và ít người.

Có thể thấy rằng, việc bán hàng thông qua hình thức lưu động đã và đang mang lại nhiều tiện lợi vừa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời, cũng góp phần mang lại thu nhập cải thiện cuộc sống cho người dân.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]