(Baothanhhoa.vn) - Đất trời đượm sắc thu. Không còn nét dịu dàng, tình tứ như ngày mới sang mùa, những cơn gió cuối thu, đầu đông vi vút thổi trên vòm lá, mạnh bạo nô đùa bên làn tóc xõa mềm mượt trên vai áo người ta thương. Gió vuốt ve đôi má em hồng như người tình lâu ngày không gặp. Cái lạnh của những ngày cuối thu, đầu đông khiến con người ta hay nhớ về quá khứ, hay suy nghĩ về hiện tại và mơ mộng về tương lai. Nó mở ra những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn, chầm chậm dìu dắt tâm hồn mỗi người lạc bước vào lòng phố mênh mang.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thu rất thật thu...

Đất trời đượm sắc thu. Không còn nét dịu dàng, tình tứ như ngày mới sang mùa, những cơn gió cuối thu, đầu đông vi vút thổi trên vòm lá, mạnh bạo nô đùa bên làn tóc xõa mềm mượt trên vai áo người ta thương. Gió vuốt ve đôi má em hồng như người tình lâu ngày không gặp. Cái lạnh của những ngày cuối thu, đầu đông khiến con người ta hay nhớ về quá khứ, hay suy nghĩ về hiện tại và mơ mộng về tương lai. Nó mở ra những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn, chầm chậm dìu dắt tâm hồn mỗi người lạc bước vào lòng phố mênh mang.

Thu rất thật thu...TP Thanh Hóa lúc đêm về. Ảnh: Phạm Nam

Chẳng thể giải thích nổi tại sao, tôi luôn cảm thấy vấn vương, hoài niệm mỗi khi về bên phố, ở cạnh phố, đi bên phố. Ngay cả khi phố nhộn nhịp, tưng bừng, hồ hởi, náo nhiệt, tôi vẫn tìm được cho mình một góc nhỏ chật hẹp để nép vào đó tìm chút yên bình, tự tại. Ngay cả khi phố xôn xao, phố giao mùa với bao điều hấp dẫn, tôi vẫn chỉ nhớ về phố, nghĩ về phố trong những ngày “thu rất thật thu”. Kiên định và hoài niệm. Bao nhiêu năm trôi qua, tâm trí tôi vẫn khăng khăng ôm ấp những nỗi niềm như thế.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, cái cảm giác một mình đi trong đêm giữa tiết trời đượm thu, cô đơn giữa phố xá với mong mỏi nhanh nhanh đi hết con đường để được về nhà cất giọng gọi: “Mẹ ơi, mở cửa cho con”. Ngày ấy, đứa con gái ngoan cố, cứng đầu là tôi đã kiên quyết bước qua những lời hứa hẹn, cơ hội phát triển bản thân để nói lời chào tạm biệt Hà Nội “ngàn năm văn hiến”, khăn gói về quê lập nghiệp. Đối với tôi, “quê hương” giống như mĩ từ đẹp đẽ, thanh sắc ngọt ngào, ma lực ghê gớm dẫn dụ và chiêu hồn. Có lẽ, bài học vỡ lòng về ý nghĩa của hai tiếng “quê hương” trong bài thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã trở thành chân lý, kim chỉ nam hành động trong tôi: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Ngày ấy, trở về quê, cũng như rất nhiều bạn sinh viên mới ra trường, tôi xoay vòng trong chuỗi ngày “rải truyền đơn” (cách gọi vui về việc nộp đơn xin việc của các bạn trẻ). Nhiều nơi từ chối tôi với vô vàn lí do: kinh nghiệm, ngành học không thích hợp, cá tính không phù hợp... Có thời điểm, vì đã quá mệt mỏi sau những háo hức, hồ hởi, chờ đợi và thất vọng, tôi bấm bụng “gác” tấm bằng đại học, xin đi làm công nhân ở công ty may mặc tại địa phương; sau đó lại có một thời gian dài tất tưởi ngược xuôi lên phố xin làm nhân viên bán hàng tại các siêu thị lớn ở thành phố.

Ngày đầu tiên lên phố nhận việc, đất trời cũng ngả một màu thu rất thật thu như thế. Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ khi phố đông vui, nhộn nhịp, tấp nập cho đến khi màn đêm buông xuống đen kịt và mọi ngả đường bắt đầu thưa vãn người lại qua. Tiết trời cuối thu, đầu đông thường gợi lên chút gì đó buồn vương, mơ màng... Nhưng có một mình rong ruổi phố phường trong những đêm cuối thu sau một ngày rã rời, tạm bợ mưu sinh mới cảm nhận hết được thổn thức, ngậm ngùi, trống trải cuộn lên trong lòng, kết lại thành dòng nước ấm nóng dâng trào khóe mắt. Vẫn là những cơn gió vô tình lướt qua, vẫn đọng lại chút hương hoa sữa nở muộn như muốn dùng dằng níu kéo bước chân mùa thu ở lại nhưng lòng người không hời hợt buông lời khen sáo rỗng. Vào khoảnh khắc ấy, lòng người như cảm nhận một cách sâu sắc chiều sâu thăm thẳm của mùa, như có thể chạm vào tận cõi lòng mênh mang của phố xá mà thốt lên rằng: Thu rất thật thu là khi... chớm đông sang.

Gần 11 giờ đêm, bước ra khỏi cổng siêu thị đã có thể cảm nhận ngay hơi lạnh đầu đông mơn man trên da thịt. Cách đó không xa, Quảng trường Lam Sơn phô diễn vẻ đẹp của nó dưới ánh đèn cao áp. Nằm cuối con phố Phan Chu Trinh, gần Ga Thanh Hóa, xa xa là Hồ Thành êm ả, Quảng trường Lam Sơn thường xuyên diễn ra các chương trình ca nhạc, các sự kiện, các hội chợ, triển lãm lớn của tỉnh, thành phố. Đây cũng là nơi tập trung rất đông các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân.

Nhiều người ví von rằng, Quảng trường Lam Sơn chính là linh hồn của thành phố. Ngay từ lần đầu tiên được đặt chân đến nơi này, tôi đã hoàn toàn tin vào điều đó. Mọi hoạt động diễn ra ở đây, những gương mặt người góp phần phản ánh một cách chân thực, sinh động bức tranh kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa - tinh thần của mảnh đất này. Không gian mở khiến quảng trường trở thành nơi thích hợp cho mọi mối quan hệ, mọi cuộc gặp gỡ. Đám bạn lâu ngày không gặp, hào hứng hẹn nhau uống trà chanh, cắn hướng dương chém gió rôm rả. Nhiều cặp đôi yêu nhau cũng xem đây như một nơi hò hẹn lý tưởng, tựa đầu vào vai nhau thủ thỉ tâm tình. Có những cặp gia đình đưa con cái đến đây chỉ đơn giản để thay đổi không khí, cho con trẻ có một chỗ vui chơi. Có những người tới quảng trường xếp ghế ngồi bên nhau im lặng. Mỗi người nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại thông minh trên tay mình, chốc chốc liếc nhìn nhau, định nói câu gì đó rồi lại thôi. Câu chuyện của họ vì thế mà trở nên ngắt quãng, rời rạc. Và đâu phải tất cả những người lui tới quảng trường chỉ để vui chơi, để gặp bạn gặp bè, để thay đổi không khí... Sau một ngày quay cuồng, náo nhiệt là thế nhưng ngay trong khoảnh khắc đêm thu se lạnh này, cuối cùng, chỉ còn lại những người tìm đến đây mỗi đêm để mưu sinh, thu nhập chẳng quá mấy chục nghìn lẻ nhưng công việc ấy đôi khi là cả nguồn sống. Người lầm lũi nhặt nhạnh dăm ba cái cốc nhựa khách uống nước xong bỏ lại... Một vài cô lao công cặm cụi quét dọn. Dưới ánh đèn cao áp, bóng họ đổ dài trên đường. Nhiều lúc như vô tình, cơn gió khẽ thoảng qua hay chiếc xe lao trong đêm cũng đủ sức xé toạc những bóng người lặng lẽ ấy. Tôi nhìn bóng mình đổ dài dưới chân, bất giác tự hỏi trong lòng: “Sao đêm nay, thu rất thật thu đến thế?”.

“Thu rất thật thu” bởi thực tế cuộc sống đang hiện diện phía sau gương mặt mùa đẹp đến nao lòng. Tôi đi giữa thênh thang Đại lộ Lê Lợi lung linh ánh đèn, mở căng lồng ngực hít hà hương vị của đêm lan tỏa trong không gian, tự sâu thẳm tâm hồn vang lên những thanh âm da diết: “Thu rất thật thu là khi chớm đông sang/ Em rất thật em là lúc em hoang mang lựa chọn/ Anh rất thật anh là lúc anh biết ra đi nhẹ gọn/ Để bớt cho đời một chút gió lao xao/ Và tránh cho em bớt một lời chào!” (“Hà Nội và em khi thu chớm đông sang” của nhạc sĩ Phú Quang, phổ thơ của nhà thơ Chu Hoạch). Từng câu, từng chữ, từng thanh âm dìu dặt khứa vào lòng người nghe những nỗi niềm, tâm tư bỏng rát khi nhớ về câu chuyện tình buồn được nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ như là nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên ca khúc này.

Ông từng chia sẻ trong một đêm nhạc của mình rằng: Ông có một người bạn rất thân, anh này làm họa sĩ, làm thơ nhưng chẳng ai mua cả. Anh rất là nghèo nên vợ mới xin đi xuất khẩu lao động để có tiền nuôi con. Anh chẳng biết làm thế nào nên là đành để vợ đi. Nhưng vợ sang nước ngoài thì không thấy cô liên lạc gì nữa. Còn anh thì phải đi làm một số công việc nặng nhọc, độc hại như đẩy xe bò, móc cống để kiếm tiền sống qua ngày... Một hôm người bạn rất vui báo với nhạc sĩ Phú Quang rằng: Vợ mình sắp về rồi đấy!. Nhạc sĩ hỏi ai báo tin thì người bạn ấy bảo có đứa em, nó bảo vợ nó sắp về và có cả vợ của anh nữa. Ít lâu sau, nhạc sĩ đến chơi, chúc mừng, hỏi có vui không thì người bạn ngậm ngùi bảo: Thôi Quang đừng nói nữa! và đưa cho nhạc sĩ xem cái tờ giấy, hóa ra đó là đơn xin ly dị. Người bạn này làm thơ rất hay, vẽ rất đẹp nhưng xấu như Trương Chi mà đã Trương Chi lại không có tiền nên càng bi thảm. Rồi người bạn đọc cho nhạc sĩ nghe bài thơ mà ông viết nên từ chính những oan nghiệt trong cuộc hôn nhân của mình. Nhạc sĩ Phú Quang rất xúc động và ngay hôm về đã viết cho người bạn của mình một ca khúc với giai điệu, ca từ da diết như chúng ta có hôm nay.

Câu chuyện tình buồn của người bạn đã trở thành cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho nhạc sĩ Phú Quang. Ở đó, cả mùa thu, anh và em đều hiện diện theo cách chân thật nhất. Chân thật chính là một trong những giá trị vĩnh hằng của cuộc sống. Thật ra, giữa dòng đời hối hả, xoay vần, con người bao giờ cũng hoang hoải, mải miết tìm kiếm những điều chân thật. Yêu thật lòng. Thương thật dạ. Nhân từ thật tâm. Sống thật với cảm xúc của mình, nhiều khi là lựa chọn khó khăn. Vì cuộc đời đâu chỉ tồn tại vì những điều chân thật. Bao phủ xung quanh đó là muôn vàn ngã rẽ buộc chúng ta phải lựa chọn. Lựa chọn nào rồi cũng dẫn ta đến bến bờ - những bến bờ không có ranh giới rạch ròi giữa đúng và sai. Lựa chọn chính là một bài học đắt giá. Chỉ hy vọng rằng, dù cuộc sống buộc chúng ta phải lựa chọn như thế nào đi chăng nữa, thì thu vẫn rất thật thu và chúng ta vẫn mãi được sống thật với chính mình và mọi người xung quanh.

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]