(Baothanhhoa.vn) - Ngay sau khi Quyết định 3678/2011/QĐ-UBND ngày 8-11-2011 của UBND tỉnh quy định về việc điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ (CB) quản lý, giáo viên (GV), nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học, THCS có hiệu lực, các cơ quan chuyên môn đã tập trung rà soát, bố trí, sắp xếp CB, GV và giải quyết chế độ đối với nhiều CB, GV thuộc diện dôi dư. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng thừa, thiếu GV ở các cấp học vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thừa thiếu giáo viên

Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thừa thiếu giáo viên

Trường THCS Nga Vịnh (Nga Sơn) - nơi dư 6 giáo viên.

Ngay sau khi Quyết định 3678/2011/QĐ-UBND ngày 8-11-2011 của UBND tỉnh quy định về việc điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ (CB) quản lý, giáo viên (GV), nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học, THCS có hiệu lực, các cơ quan chuyên môn đã tập trung rà soát, bố trí, sắp xếp CB, GV và giải quyết chế độ đối với nhiều CB, GV thuộc diện dôi dư. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng thừa, thiếu GV ở các cấp học vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sau nhiều lần điều động, thuyên chuyển CB, GV theo Quyết định 3678/2011/QĐ-UBND, tình trạng thừa thiếu GV ở huyện Nga Sơn vẫn đang là bài toán chưa có lời giải. Theo kết quả thống kê trong Kế hoạch số 84/KH-UBND, ngày 6-8-2018 của UBND huyện Nga Sơn về việc điều chuyển trong huyện đối với GV mầm non, tiểu học, THCS năm học 2018-2019, ở cấp THCS toàn huyện thừa đến 192 GV so với biên chế được giao là 485 GV. Những trường có nhiều GV thừa như Trường THCS Ba Đình, THCS Nga Vịnh, THCS Nga Thành... Năm học 2018-2019, Trường THCS Nga Vịnh có 6 lớp với 192 học sinh, nhưng nhà trường có tới 24 CB, GV, tính theo định biên trường dôi dư 6 GV.

Thầy giáo Lưu Việt Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Nga Vịnh cho hay: Tình trạng thừa GV của nhà trường diễn ra từ nhiều năm nay với nguyên nhân cơ bản là số học sinh mỗi năm một giảm. Ví như năm học 2016-2017 có 8 lớp, đến năm học 2017-2018 giảm còn 7 lớp và năm học này còn 6 lớp. Việc thừa nhiều GV đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của nhà trường, đặc biệt là vấn đề cân đối, phân công công việc cho GV của ban giám hiệu; GV thuộc diện dôi dư bị ảnh hưởng tâm lý, không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến chất lượng các giờ dạy. Trong khi các trường THCS thừa GV thì ở cấp học mầm non lại rơi vào tình trạng thiếu GV. Thống kê cho thấy, toàn huyện Nga Sơn có 27 trường mầm non với nhu cầu biên chế trong năm học 2018-2019 là 512 GV, song, hiện tại toàn huyện mới chỉ có 377 GV, thiếu so với nhu cầu 135 GV. Theo tính toán, bình quân mỗi trường mầm non trên địa bàn huyện Nga Sơn thiếu tới 5 GV. Cô giáo Nguyễn Thị Hoài, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nga Bạch chia sẻ: Năm học này nhà trường có 13 nhóm lớp với 415 cháu, song, toàn trường chỉ có 13 GV đứng lớp, thiếu tới 12 GV so với quy định. Tình trạng này diễn ra từ năm học 2016-2017. Do thiếu GV nên áp lực của mỗi GV đứng lớp hiện nay là rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Cũng theo cô Hoài, nhà trường đã nhiều lần kiến nghị ngành chức năng nhưng do nhiều nguyên nhân nên việc thiếu GV của nhà trường chưa được giải quyết.

Tại huyện Đông Sơn, việc thừa, thiếu GV không chỉ tồn tại ở các cấp học, bậc học và diễn ra ngay trong 1 đơn vị trường. Một ví dụ điển hình, với 8 lớp, 256 học sinh, 22 CB, GV, Trường THCS Đông Thịnh đang dư 3 GV thuộc các bộ môn như Hóa học, Giáo dục công dân, Mỹ thuật. Thế nhưng, nhà trường vẫn thiếu 1 GV bộ môn Địa lý. Bất cập trong việc thừa thiếu GV cục bộ nên nhiều năm qua, những GV thuộc diện dôi dư phải thực hiện dạy liên trường. Tính trong năm học 2017-2018, Trường THCS Đông Thịnh có tới 4 GV bộ môn Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Mỹ thuật phải dạy liên trường để bảo đảm định mức số tiết/tuần. Thầy giáo Phạm Anh Tuấn, GV bộ môn Mỹ thuật, Trường THCS Đông Thịnh cho hay: Là GV dạy liên trường nên có rất nhiều áp lực trong sinh hoạt chuyên môn ở mỗi đơn vị trường. Mong muốn của tôi là ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thừa, thiếu GV để mỗi GV có thể yên tâm công tác ở 1 đơn vị trường, cống hiến sức mình cho sự nghiệp “trồng người”. Được biết, hiện tại huyện Đông Sơn đang dư 32 GV cấp THCS, nhưng nhiều bộ môn ở cấp học này vẫn thiếu như, Trường THCS Đông Nam thiếu GV Hóa học, THCS Đông Anh thiếu GV Địa lý, THCS Đông Khê thiếu GV Lịch sử...

Qua rà soát, thống kê của ngành chức năng, với quy mô trường, lớp, số học sinh trong năm học 2018-2019 cũng như căn cứ định mức biên chế theo Quyết định 3185/QĐ-UBND ngày 23-8-2016 của UBND tỉnh và nhu cầu thực tế, ở cấp học mầm non, hiện, toàn tỉnh thiếu trên 2.300 GV; cấp tiểu học thiếu hơn 1.700 GV; cấp THCS thừa 980 GV. Số GV THCS thừa tập trung ở các huyện như: Nga Sơn, Hà Trung, Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc... Theo đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nguyên nhân chủ yếu của việc thừa, thiếu GV là do biến động về dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp. Đối với mầm non, việc huy động trẻ ra lớp tăng cao, tốc độ nhanh do nhu cầu, cũng như việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Bên cạnh đó, công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng GV. Đặc biệt, việc phân cấp, phân quyền trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo ở các địa phương còn nhiều bất cập.

Nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của CB, GV, giúp họ yên tâm công tác, dốc sức cho sự nghiệp “trồng người”, những năm qua, ngành chức năng, chính quyền các cấp đã tích cực vào cuộc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Việc ban hành và thực thi Quyết định 3678/2011/QĐ-UBND năm 2011; Công văn số 2138/UBND-VX về điều động, bố trí, sắp xếp CB, GV tiểu học và THCS năm 2013; Công văn số 9656/UBND-VX về điều động, bố trí, sắp xếp CB, GV tiểu học và THCS năm 2016... thế nhưng, kết quả chưa được như mong muốn. Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2018, giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phương án bảo đảm GV cho các cấp học, Sở Nội vụ cũng đã có công văn báo cáo Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung 9.695 biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh Thanh Hóa (mầm non 7.763, tiểu học 1.696 và THPT 313). Trong khi chờ kết quả của Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trước mắt, để bảo đảm nhu cầu GV các cấp trong năm học 2018-2019, Sở Nội vụ đã đề xuất UBND tỉnh giao bổ sung kinh phí theo số chỉ tiêu biên chế của khối mầm non còn thiếu, tính theo số lớp thực tế năm học 2018-2019 là 1.474 chỉ tiêu lao động hợp đồng làm GV mầm non ngoài biên chế cho 24 huyện. Đối với cấp tiểu học đề xuất UBND tỉnh giao bổ sung kinh phí theo số chỉ tiêu biên chế còn thiếu, tính theo số lớp thực tế năm học 2018-2019 là 1.441 chỉ tiêu lao động hợp đồng cho 26 huyện, để trả tiền công cho CB, GV dạy thêm giờ và hợp đồng công việc theo quy định. Đối với số GV dôi dư cấp THCS, các địa phương báo cáo cụ thể số lượng, cơ cấu chủng loại, đề xuất UBND tỉnh thực hiện điều chuyển cho các huyện còn thiếu...

Hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía tỉnh và của các cơ quan chuyên môn, các huyện, thị xã, thành phố, vấn đề thừa, thiếu CB, GV trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được giải quyết dứt điểm.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài Và Ảnh: Phong Sắc

Từ khóa: Giáo viên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]