(Baothanhhoa.vn) - Giá xăng dầu tăng cao khiến hoạt động đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt tàu cá phải nằm bờ, đang đẩy ngư dân vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Họ đang rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, ngành để tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Sớm có sự “trợ lực” để ngư dân vươn khơi

Giá xăng dầu tăng cao khiến hoạt động đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt tàu cá phải nằm bờ, đang đẩy ngư dân vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Họ đang rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, ngành để tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Sớm có sự “trợ lực” để ngư dân vươn khơi

Hàng loạt tàu thuyền nằm bờ tại khu neo đậu cảng cá Hòa Lộc.

Vùng biển Ngư Lộc những ngày này lưu lượng tàu nằm bờ chiếm tới 80%. Chủ tàu Đồng Văn Oanh (thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) có tàu đang neo đậu tại Cảng Hòa Lộc từ gần nửa tháng nay chưa dám vươn khơi, lo lắng cho biết: Hơn 20 năm trong nghề đi biển, chưa bao giờ tôi phải tính đến việc phải bán tàu, chuyển nghề như lúc này.

Thời điểm buông neo gần nhất của ông Oanh cách đây đã hơn 1 tháng. Trước kia, mỗi chuyến ra khơi của ông kéo dài 10 ngày, chi phí khoảng 60-70 triệu đồng. Nay không chỉ giá xăng dầu tăng cao mà các nguyên vật liệu khác phục vụ trên tàu như lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ... cũng tăng, mỗi chuyến lên tới cả trăm triệu đồng.

“Tàu 300 CV của tôi phải đổ hết 3.000 lít dầu để vươn khơi khoảng 1 tuần. Giá hiện tại của dầu là 29.500 đồng/lít cộng với chi phí sinh hoạt trên tàu nữa, mỗi chuyến ra khơi tăng từ 30-40 triệu đồng so với những trước, nên việc nhổ neo thời điểm này gần như không thể”, ông Oanh nói.

Không thể mãi nằm bờ để chờ giá xăng dầu “hạ nhiệt”, các chủ tàu đã tính toán cắt giảm các chi phí, thời gian đánh bắt và lựa trọn ngư trường phù hợp... “đánh liều” vươn khơi. Thế nhưng, nói như ông Oanh, đợt vươn khơi vừa rồi mấy chục tàu cá trở về tay trắng do biển động, ảnh hưởng từ cơn bão số 1, mỗi tàu thua lỗ hàng chục triệu đồng.

Sớm có sự “trợ lực” để ngư dân vươn khơi

Chủ tàu Đồng Văn Oanh mong mỏi có sự hỗ trợ để vươn khơi bám biển

Chung cảnh ngộ, sau hơn 1 tháng để tàu nằm bờ, ông Nguyễn Văn Toan (thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc) đã quyết định mạo hiểm ra khơi.

Để chuẩn bị cho chuyến khơi xa, ông phải tính toán cặn kẽ. Thường một chuyến ra khơi kéo dài 7-10 ngày, hết khoảng 70 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là chi phí của trước kia, hiện tại mỗi chuyến đi biển phải tiêu tốn hết 120 triệu đồng.

Nhẩm tính, mỗi tháng chủ tàu như ông phải trả lương cho 4 bạn thuyền, mỗi lao động 10 triệu đồng. Không ra khơi, không có thu nhập, nhưng việc trả lương cho bạn thuyền cũng vô cùng khó khăn. Trong khi, tàu càng chạy càng lỗ, ngư dân rất cần những chính sách hỗ trợ để có thể vươn khơi, bám biển, ổn định đời sống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sớm có sự “trợ lực” để ngư dân vươn khơi

Chủ tàu Nguyễn Văn Toan lo lắng khi tàu thuyền nằm bờ dài ngày

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: Hiện địa phương có khoảng hơn 300 phương tiện đánh bắt thủy hải sản nhưng trung bình chỉ có khoảng 40% tàu cá hoạt động. Có thời điểm lên tới 80% số tàu thuyền nằm bờ.

Theo ông Quang, thời điểm này ngành nghề khai thác thủy hải sản gặp nhiều khó khăn. Sản lượng đánh bắt đa phần là thủy hải sản có giá trị kinh tế thấp nên thu nhập ngư dân sụt giảm. Bên cạnh đó, chi phí mỗi chuyến đi do xăng dầu tăng giá, phần nhiều là thua lỗ. Khó khăn chồng chất lên đầu ngư dân, hiện các chủ tàu rất cần được “trợ lực” để duy trì nghề đánh bắt cá.

Tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Hới (TP. Sầm Sơn) cũng đang có hàng trăm tàu thuyền neo đậu. Ông Nguyễn Văn Hải - chủ tàu cá ở phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn thở dài, cho biết: “Là ngư dân mà phải nằm bờ là thất bại. Chúng tôi rất muốn ra khơi nhưng giá nhiên liệu lúc này cho mỗi chuyến đi tăng cao, trong khi sản lượng đánh bắt ở biển giảm; thủy hải sản trên bờ giá cả thấp không đủ bù chi nên thà để tàu nằm bờ còn hơn”.

Theo ông Hải, nếu giá dầu ở mức 20.000 - 22.000 đồng/lít thì ngư dân đi biển nỗ lực còn có chút lời, chút lãi. Chứ giá như hiện nay thì xác định đi biển nắm chắc phần thua lỗ.

Ông Nguyễn Đình Ánh, Phó Giám đốc BQL cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) chia sẻ: Việc không vươn khơi khiến sản lượng đánh bắt thủy hải sản giảm. Ngư dân không có thu nhập đã đành, việc duy trì bảo dưỡng tàu thuyền cũng đang đẩy ngư dân vào thế khó khăn chồng chất. Ngư dân lúc này rất cần Nhà nước sớm có giải pháp bình ổn giá xăng dầu hoặc có chính sách “trợ lực” giúp ngư dân vươn khơi.

Theo Báo cáo tổng hợp thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ (trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 27-6-2022), đến thời điểm tổng hợp, số tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân; tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Để tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ ngư dân đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân yên tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Bộ NNP&TNT đề nghị Bộ Công thương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt là 6 tháng.

Ngày 5-7-2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 4186/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng do giá xăng, dầu. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các đối tượng nông dân sản xuất, kinh doanh.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]