(Baothanhhoa.vn) - Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao, các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động hết công suất đáp ứng nhu cầu đi lại ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của phương tiện, chất lượng phục vụ cũng như việc đảm bảo an toàn giao thông và an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phòng ngừa cháy, nổ phương tiện giao thông đường bộ

Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao, các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động hết công suất đáp ứng nhu cầu đi lại ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của phương tiện, chất lượng phục vụ cũng như việc đảm bảo an toàn giao thông và an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng phương tiện PCCC cho ban quản lý, chủ nhà xe bến xe phía Bắc.

Theo thống kê của cơ quan Cảnh sát PCCC từ ngày 16-11-2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 51 vụ cháy phương tiện giao thông đường bộ làm 2 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 12 tỷ đồng. Gần đây, ngày 14-11-2018 đã xảy ra vụ cháy xe chở công nhân tại đường Bạch Đằng, khu phố 5, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa). Tuy không có thiệt hại về người, song vụ cháy đã làm chiếc xe hư hỏng nặng. Điều này cảnh báo nguy cơ mất an toàn PCCC đối với các phương tiện giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của hành khách, chủ phương tiện.

Theo kết quả điều tra, hơn một nửa nguyên nhân số vụ cháy xe là do sự cố về điện, còn lại 20% do các yếu tố kỹ thuật, 15% do phát sinh bên ngoài. Việc sử dụng một số phụ gia trong pha chế nhiên liệu dẫn đến thành phần phụ gia vượt tiêu chuẩn, có các thành phần khác phụ gia thông dụng dễ làm nhiên liệu biến chất; hệ thống dẫn nhiên liệu bị rò rỉ khiến phương tiện cháy nổ khi gặp nguồn nhiệt hay như việc một số chủ phương tiện lắp thêm các thiết bị không theo đúng thiết kế của nhà sản xuất, không quan tâm kiểm tra tình trạng của phương tiện trước khi khởi hành... cũng là những nguyên nhân dẫn đến cháy xe.

Để ngăn ngừa cháy xe, điều quan trọng nhất là ý thức của các chủ phương tiện. Nếu như chủ xe chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà xem nhẹ công tác đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện thì sự cố cháy xe vẫn sẽ còn tái diễn, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến tài sản và tính mạng con người. Ngoài ra, chủ phương tiện cũng cần kiểm tra bảo đảm hàng hóa vận chuyển không chứa hàng cấm, hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; người điều khiển phương tiện cũng phải thường xuyên được tập huấn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Trước thực trạng cháy phương tiện giao thông đường bộ xảy ra trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh đã chủ động lên các kế hoạch tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa cháy, nổ như: Tổ chức thực tập phương án PCCC cho lái xe và hành khách, đưa ra những khuyến cáo và cách xử trí khi xảy ra cháy, nổ xe tại các bến xe phía Bắc, phía Nam đóng trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát PCCC cũng phổ biến nhiều kỹ năng, biện pháp an toàn cho phương tiện chuyên chở hành khách.

Theo dự báo vào những tháng cuối năm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa tăng cao trong đó có hàng hóa, vật liệu dễ cháy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Để chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt công tác PCCC tại các bến xe khách và phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ban quản lý bến xe, chủ phương tiện nâng cao ý thức và các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC & CNCH trong quá trình sử dụng phương tiện giao thông như chăm sóc bảo dưỡng xe định kỳ. Không tự ý thay đổi kết cấu của xe; không tự ý sử dụng dung dịch hoặc chất phụ gia trong sử dụng nhiên liệu. Không lắp thêm các phụ tải của hệ thống điện, thay thế cầu chì đúng chủng loại để đảm bảo công suất sử dụng điện phù hợp với thiết kế của nhà sản xuất, tránh quá tải hệ thống, gây chập, cháy. Khi dừng đỗ xe phải tắt khóa điện, khóa bình xăng, để xe cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không chứa các chất dễ cháy, chất dễ bắt lửa trong xe, cốp xe, khoang động cơ... Hướng dẫn ban quản lý các bến xe khách tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC & CNCH tại các bến xe và trên các phương tiện ra vào bến. Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC & CNCH sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra điều kiện an toàn PCCC đối với các phương tiện giao thông cơ giới. Trường hợp chủ phương tiện vi phạm nghiêm trọng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Định kỳ, đột xuất kiểm tra an toàn PCCC tại các bến xe khách, hướng dẫn ban quản lý các bến xe duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình hoạt động, nhất là đối với các phương tiện ra vào, kho tàng trong bến. Xây dựng phương án, chuẩn bị phương tiện và các điều kiện cần thiết để chủ động chữa cháy, CNCH kịp thời, đạt hiệu quả ngay từ khi sự cố, cháy nổ mới phát sinh...

Để mỗi chuyến đi đều bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho hành khách và phương tiện trên mỗi cung đường, ngoài sự vào cuộc của cơ quan Cảnh sát PCCC rất cần sự chung tay của ban quản lý bến xe, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện, đặc biệt là việc tự giác nâng cao ý thức PCCC của người dân sẽ góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ phương tiện giao thông đường bộ.

Bài và ảnh: Cao Hường

(Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]