(Baothanhhoa.vn) - Có một con đường kỳ lạ, không ai thấy được hình hài, dáng vóc của nó. Một con đường có một không hai trên thế giới, chưa từng xuất hiện trên bản đồ giao thông. Nó được làm nên bằng ánh sao trời, bằng màu lân tinh và con nước thủy triều của biển và trên hết, bằng máu của những trái tim yêu nước. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người mở đường trên biển

Có một con đường kỳ lạ, không ai thấy được hình hài, dáng vóc của nó. Một con đường có một không hai trên thế giới, chưa từng xuất hiện trên bản đồ giao thông. Nó được làm nên bằng ánh sao trời, bằng màu lân tinh và con nước thủy triều của biển và trên hết, bằng máu của những trái tim yêu nước.

Những người mở đường trên biển

Thả hoa viếng liệt sĩ Tàu Không Số tại Di tích Vũng Rô, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Mai Anh

Con đường không dấu, nơi hoạt động của những con Tàu Không Số, được mệnh danh là “con đường huyền thoại”, chỉ xuất hiện giữa phong ba bão tố và đạn bom - đường Hồ Chí Minh trên biển. Đã có rất nhiều người Thanh Hóa đã hiến dâng tuổi xuân, máu đỏ trên con đường này, góp phần làm nên những kỳ tích của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Chúng tôi đã vinh dự tham gia chuyến đi cùng các cựu chiến binh (CCB) đoàn Tàu Không Số Thanh Hóa thăm lại chiến trường xưa. Rong ruổi cả tháng trời từ vùng biển Quảng Ninh đến chót mũi Cà Mau, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện đẹp như cổ tích trên hành trình mà những CCB quân phục trắng đã trải qua thời chiến tranh.

Những năm đầu chống Mỹ, tuyến đường vận chuyển của ta trên dãy Trường Sơn đã mở, nhưng chưa vươn tới được các tỉnh Nam bộ. Tháng 7 năm 1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở tuyến vận chuyển chi viện chiến lược bằng đường biển vào chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn 603 được thành lập và hoạt động dưới cái tên Tập đoàn đánh cá sông Gianh, nhằm nghiên cứu, hiện thực hóa con đường trên biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Tết Canh Tý năm 1960, chuyến đi đầu tiên của Tiểu đoàn 603 đưa vũ khí vào Khu 5 bất thành do thời tiết xấu và gặp địch. Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động. Năm 1961 -1962, nhận chỉ thị của Quân ủy Trung ương, một số đội tàu của Tỉnh ủy Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã vượt biển ra Bắc, gặp Bác Hồ bày tỏ nguyện vọng xin vũ khí đánh giặc, Bác đồng ý chủ trương mở đường biển vận chuyển vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam. Ngày 23-10-1961, lực lượng vận tải quân sự trên biển mang tên Đoàn 759 được thành lập, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Như vậy, cùng với Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đoàn 759 mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Trên đường mòn Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn có những “tiểu đội xe không kính” mà cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã cắt nghĩa: “Xe không kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”. Còn ở đường Hồ Chí Minh trên biển, có một Đoàn Tàu Không Số. Chúng tôi có hỏi các CCB rằng tại sao lại gọi là Tàu Không Số, thì được lý giải bằng một bài thơ : “Tàu Không Số không phải vì không có số/ Giấu số đi che mắt quân thù/ Ra đi khi sóng gầm bão tố/ Ra đi khi sương gió mịt mù/ Tàu Không Số, mở tuyến đường không dấu/ Những con người tài trí vô song/ Giặc ngăn cản trăm phương ngàn kế/ Vẫn tung hoành ngang dọc biển Đông...”. Người viết nên những vần thơ xúc động này là ông Nguyễn Văn Quang, công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa.

Đoàn 759 đã đưa những chuyến hàng đầu tiên vào Nam an toàn bằng sự mưu lược, dũng cảm, khẳng định việc mở con đường chiến lược trên biển là chủ trương đúng đắn, sáng tạo; củng cố niềm tin và quyết tâm cho nhân dân miền Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do hàng hóa vận chuyển vào Nam ngày càng nhiều, cần có lực lượng đón nhận và chuyển giao cho các địa phương, nên cấp trên quyết định thành lập Đoàn 962 (ngày 19-9-1962) là các cụm bến nằm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trên biển. Chúng tôi đã cùng các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Tàu Không Số và Đoàn 962 về thăm lại địa danh Vàm Lũng, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, trên chiếc “vỏ lãi” - một phương tiện đường thủy thông dụng nơi đây, lướt nhẹ trên những dòng kênh... Địa hình hiểm trở cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, có rừng đước, rừng mắm che phủ, cùng sự đùm bọc che chở của nhân dân như “lũy sắt thành đồng”, đã giúp các chiến sĩ cách mạng dễ dàng vận chuyển và cất giấu vũ khí. Lịch sử bến Vàm Lũng gắn liền với sự ra đời của Ðoàn 962; sau này Đoàn 962 đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn 759 hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 cho Quân chủng Hải quân. Ngày 24-1-1964, Đoàn 759 đổi tên thành Đoàn 125. Cũng từ đây, Đoàn Tàu Không Số bước sang giai đoạn vận chuyển hiệu quả nhất. Có nhiều chuyến đi đã góp phần tạo nên chiến thắng lớn, như chuyến đi của Tàu 56 vào Bà Rịa tháng 11-1964, đã kịp thời cung cấp vũ khí cho chiến dịch Bình Giã, góp phần giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc Sài Gòn. CCB Văn Đình Nhu quê TP Sầm Sơn là người có mặt trong chuyến đi cùng Tàu 56, trên đường về nghe tin chiến thắng, ông cùng đồng đội vô cùng phấn khởi.

Cuối năm 1964, Bộ Quốc phòng có chỉ thị nghiên cứu mở thêm bến mới, đưa vũ khí vào Vũng Rô dưới chân Đèo Cả thuộc huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sau một số chuyến thành công thì xảy ra sự cố, Tàu 143 bị địch phát hiện, phải hủy tàu và hàng. Đây là một tổn thất nghiêm trọng, yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, Đoàn 125 tạm ngừng hoạt động một thời gian. 8 tháng sau, Tàu 42 đã thực hiện thành công chuyến đi mở đường sau sự kiện Vũng Rô, vào Cà Mau. Tham gia chuyến đi ấy, CCB Vũ Trung Tính, quê Tĩnh Gia vẫn còn nhớ như in cuộc đấu trí vô cùng cam go với kẻ địch trên hành trình. Tàu ta bị tàu địch theo dõi và áp sát, máy bay do thám bay phía trên. Anh em nghĩ ra một kế, cho chiến sĩ Lưu Đình Lừng có dáng cao to, da đen như Tây, giả vờ ra boong tàu ăn chuối rồi trêu đùa, ném lên máy bay địch như là rất thân thiện với chúng. Thấy thái độ của ta như vậy, chúng không nghi ngờ nữa liền bỏ đi. Sau đó tàu của ta phải hướng ra hải phận quốc tế, vòng qua 5 nước mới dám quay vào bến đổ hàng.

Để tiếp tế vũ khí đạn dược cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Quân chủng Hải quân đã tổ chức đợt vận chuyển mới vào chiến trường, nhưng các tàu đều gặp địch, phải quay lại hoặc hy sinh. Chuyến tàu thứ 4 vào Nam dịp Tết Mậu Thân là Tàu 235 do thuyền trưởng Phan Vinh chỉ huy, CCB Lê Duy Mai quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa là máy trưởng. Khi tiến vào Hòn Hèo - Khánh Hòa, Tàu 235 đã bị 7 tàu địch bao vây. Thuyền trưởng Phan Vinh cho anh em rời tàu, còn mình ở lại điểm hỏa để phá hủy con tàu, xóa dấu vết. Khối bộc phá làm con tàu đứt đôi, một nửa chìm xuống nước, một nửa văng lên vách núi. Trong trận chiến đấu ấy, thuyền trưởng Phan Vinh cùng 14 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Chỉ còn 5 người sống sót, trong đó có CCB Lê Duy Mai. Họ đã trải qua 13 ngày đêm nhịn đói trong rừng, uống nước trong hốc cây mục, ăn ốc sên để cầm cự cho đến khi du kích địa phương tìm thấy. Trở lại thăm Hòn Hèo, nơi mà mình cùng động đội đã chiến đấu để giành giật sự sống, ông Lê Duy Mai không khỏi nghẹn ngào, xúc động.

Trong chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, CCB Vũ Trung Tính cùng người đồng đội Phạm Văn Bát quê Thái Bình đã trở lại Gành Hào, khu vực tiếp giáp giữa Bạc Liêu và Cà Mau, nơi họ thực hiện chuyến đi lịch sử cùng Tàu 154 tái mở đường sau sự kiện Tàu 235 hy sinh ở Hòn Hèo, Khánh Hòa. Thời điểm đó, ông Bát là Chính trị viên của tàu, ông Tính là thuyền phó hàng hải. Họ đã cùng anh em chiến sĩ Tàu 154 mưu trí, gan dạ vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, vào bến trả hàng giữa ban ngày ở vị trí chỉ cách đồn địch chưa đầy 1 km, ghi thêm một kỳ tích cho Đoàn Tàu Không Số. Ông Vũ Trung Tính là một trong những nhà hàng hải cừ khôi của Đoàn Tàu Không Số, có biệt tài “ngắm sao trời dò đường đi”. Đồng đội đã dành cho ông lời khen tặng: “Không phương vị, hải đồ/ Sao mọc tàu nhổ neo/ Trăng lên tàu vượt sóng/ Chỉ ngắm ánh sao trời/ Bao chuyến tàu cập bến”... Ông đã tham gia tới 18 chuyến đi đưa hàng vào Nam thành công, trong đó có những chuyến mở đường mang tính quyết định. Đây là số hành trình kỷ lục của một chiến sĩ hải quân Tàu Không Số. Trong 3 con tàu mà ông gắn bó, đã có 2 tàu được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, đó là Tàu 42 và Tàu 154; riêng Tàu 42 ông tham gia tới 14 chuyến trong vòng 3 năm liên tục.

Qua thăm dò, địch biết được tàu ta lại vào chiến trường nên rất cay cú, tăng cường tuần tra gắt gao trên biển. Vì vậy cuối năm 1969, đầu năm 1970, ta tổ chức 4 chuyến đi đều phải quay lại. CCB Phùng Văn Quý quê Thanh Hóa hiện sống ở TP Cà Mau đã có một trận chiến đấu sống mái với kẻ thù suốt 10 tiếng đồng hồ tại Vàm Lũng năm 1969, ông và đồng đội dùng súng B40 bắn chìm và bị thương nặng 4 tàu địch.

Tàu không vào được, vũ khí cho chiến trường thiếu trầm trọng. Nhiều bức điện từ Quân khu 8, Quân khu 9 gửi ra đầy khẩn thiết: “Chúng tôi không thể lấy cùi tay để đánh giặc”. Không thể để máu và nước mắt của chiến sĩ đồng bào miền Nam chảy mãi, việc tiếp tục vận chuyển vũ khí vào Nam trở thành mệnh lệnh của những trái tim yêu nước. Trong năm 1970, Đoàn 125 tổ chức 15 chuyến đi nhưng chỉ có 5 chuyến vào được bến, còn lại đều phải quay về. Chưa kể trên biển các tàu còn phải chống chọi với những cơn bão lớn. CCB Đặng Đình Bàn quê Thanh Hóa hiện sống tại Cần Thơ, kể: Tàu ông bị địch phát hiện, quay lại thì gặp bão, suốt mấy ngày không thể nấu nổi cơm ăn, say sóng nôn mật xanh mật vàng, tàu dạt lên tận vùng biển Trung Quốc nhưng đã may mắn sống sót trở về.

Những tháng đầu năm 1971, Đoàn 125 tổ chức 4 chuyến đi, song tất cả đều bị địch theo dõi, phải quay trở lại. Từ tháng 10-1971 đến tháng 4-1972, Đoàn 125 tổ chức 20 chuyến đi, chỉ có duy nhất 1 tàu đến đích là Tàu 656, trả hàng tại Đảo Cô Công – Campuchia, tiếp tế vũ khí cho bộ đội tình nguyện và lực lượng kháng chiến của nước bạn. Cố Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Văn Sạn, quê TP Sầm Sơn, nguyên là Chính trị viên của Tàu 656. Trước khi ông mất, chúng tôi đã gặp và nghe ông kể về chuyến đi cùng Tàu 656, cũng là chuyến đi thắng lợi cuối cùng của Đoàn 125 trên con đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Tàu 70 tấn hàng nhưng chỉ có 16 người, phải vận chuyển cấp bách trong 1 tiếng đồng hồ trước khi trời sáng để đảm bảo bí mật. Ông Sạn đã lấy tấm gương chị Ngô Thị Tuyển vác đạn để động viên anh em phát huy hào khí cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Con đường trên biển Đông là kỳ tích vượt qua cả sự tưởng tượng và trí thông minh của người Mỹ. Và chỉ có người Việt Nam “dạ sắt gan vàng”, quân đội Việt Nam mưu lược dũng cảm, chỉ có lòng yêu nước bất diệt mới sáng tạo ra những con đường kỳ vĩ đến như vậy. Những người con Thanh Hóa vinh dự đứng trong hàng ngũ lực lượng vận tải quân sự đặc biệt – Đoàn Tàu Không Số - đã góp công để Đoàn 125 hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với những con đường trên đất liền, đường Hồ Chí Minh trên biển đã đưa dân tộc ta đến mùa xuân toàn thắng.

Mai Anh


Mai Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]