(Baothanhhoa.vn) - Như bắp ngô lớn lên từ bẹ ngô, những đứa trẻ vùng cao lớn lên từ trên lưng mẹ. Dù lên nương, xuống ruộng, đi chợ hoặc ngồi thêu thùa, may vá..., những người phụ nữ miền sơn cước thường mang theo con của mình trong chiếc địu bằng vải. Khi con thức, mẹ vừa làm việc, vừa trò chuyện cùng con. Khi con mệt, con ngủ thiếp trên lưng mẹ ấm áp, bình yên.

Những đứa trẻ lớn lên trên lưng mẹ

Như bắp ngô lớn lên từ bẹ ngô, những đứa trẻ vùng cao lớn lên từ trên lưng mẹ. Dù lên nương, xuống ruộng, đi chợ hoặc ngồi thêu thùa, may vá..., những người phụ nữ miền sơn cước thường mang theo con của mình trong chiếc địu bằng vải. Khi con thức, mẹ vừa làm việc, vừa trò chuyện cùng con. Khi con mệt, con ngủ thiếp trên lưng mẹ ấm áp, bình yên.

Những đứa trẻ lớn lên trên lưng mẹHầu hết những đứa trẻ người Mông lớn lên trên lưng của bà và mẹ.

Những lời thơ trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm da diết cất lên trên phóng sự truyền hình, đã đưa tôi về những miền ký ức, với hình ảnh người mẹ vùng cao của miền núi xứ Thanh thường địu con trên lưng để làm việc. “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi. Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ... Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,...”.

Gắn bó với vùng cao chưa lâu nhưng tôi có tình cảm đặc biệt với nơi này. Những ngày ở xa, lại nhớ về đá, núi; nhớ các bà, các mệ và các em; nhớ những điều bé nhỏ đơn sơ giữa người với người; nhớ cái gùi nhấp nhô trên lưng những người phụ nữ mỗi ngày; nhớ quả bầu khô các bà, các mẹ đựng hạt giống cho mùa tới; nhớ cái địu đi cùng những năm tháng tuổi thơ của những đứa trẻ...

Có thể với nhiều người, chiếc địu là một thứ đồ dùng bình thường. Nhưng với những đứa trẻ vùng cao, chiếc địu còn hơn cả tổ ấm, người bạn ấu thơ. Trong chiếc địu tưởng là nhỏ bé, chật chội kia, là cả thế giới thần tiên của tuổi thơ những đứa trẻ núi rừng. Nơi đó, có nắng gió, núi đồi mát rượi, có hoa cỏ thoang thoảng đưa hương, có niềm vui của mẹ khi ngô sắn trên nương đang lớn và con của mẹ cũng đang lớn lên từng ngày... Dù trời nắng to, dù gió lồng lộng, dù nương rẫy cheo leo dốc đèo khấp khểnh..., trong địu của mẹ, những đứa trẻ cứ ngủ ngoan say. Bước chân mẹ nhẹ nhàng làm nhịp đưa nôi, lưng mẹ nhấp nhô làm gối và chiếc địu êm êm làm bạn suốt những tháng năm êm đềm...

Trong ngôi nhà trình tường của đồng bào dân tộc Mông, chị Thao Thị Dua, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi (Mường Lát) đang cùng các chị em thêu địu để bán. Cùng với các mặt hàng như quần áo dân tộc Mông, khăn đội đầu, cổ áo... thì chiếc địu là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Ngày nay, dù đã có nhiều sản phẩm tiện ích thay thế cho chiếc địu nhưng đồng bào dân tộc Mông vẫn sử dụng nó như một vật thân thương, gần gũi trong đời sống. Họ tự hào bởi chiếc địu là bản sắc, là tinh hoa được chắt lọc trong văn hóa truyền thống của đồng bào Mông. Được biết, mỗi chiếc địu có giá trung bình từ vài trăm đến vài triệu đồng, phụ thuộc vào chất liệu và hoa văn trang trí trên địu. Đây là động lực thôi thúc chị Dua và những người phụ nữ địa phương giữ gìn nghề may, thêu truyền thống của dân tộc mình. Chị Dua chia sẻ: “Ngày bé mình cũng nằm trong chiếc địu này, rồi con mình, cháu mình cũng thế. Đứa trẻ người Mông nào sinh ra cũng được ngon giấc trong chiếc địu theo các bà, các mẹ đi chợ, lên nương hay thêu thùa...”.

Vùng cao thời tiết mùa hè dịu mát nhưng mùa đông lại rất lạnh. Ngoài chăn, tã, quần áo ấm, thân nhiệt của mẹ sẽ sưởi ấm cho trẻ. Nếu thời tiết khắc nghiệt, quá lạnh người mẹ thường quàng thêm lớp chăn hay phủ tã phía ngoài địu cho con. “Đứa trẻ được địu trên lưng mẹ sẽ được ủ ấm và an toàn. Địu con giúp người mẹ gần gũi, cảm nhận hơi ấm, tình trạng sức khỏe của con, tăng thêm tình mẫu tử thiêng liêng. Đặc biệt, khi bận, các bà hoặc các chị của em bé sẽ thay con, thay mẹ địu cháu, địu em, giúp tình cảm gia đình thêm khăng khít, thể hiện trách nhiệm chung trong việc chăm sóc, bảo vệ những đứa trẻ trong gia đình”, chị Dua cho biết.

Địu của người Mông gồm 2 phần: Dây địu và thân địu. Dây địu có bề rộng, mỗi dây khoảng 10 cm, chiều dài 1m, may bằng vải chàm. Thân địu có 2 lớp, lớp trong là một miếng vải chàm đen; lớp ngoài gọi là mặt địu được làm bằng miếng vải thêu các loại hoa văn, họa tiết. Mặt địu càng tinh xảo bao nhiêu càng thể hiện sự khéo léo, tinh tế và sáng tạo của phụ nữ dân tộc Mông bấy nhiêu. Vì lẽ đó, người con gái Mông nào khéo thêu thùa, may vá sẽ được nhiều chàng trai Mông để ý. Gia đình nào may mắn có được con dâu khéo thêu thùa, dệt vải cũng vô cùng tự hào, hãnh diện với bà con hàng xóm.

Theo chị Dua, địu truyền thống của người Mông mặt địu được tách biệt với phần phía trên hình tam giác để đỡ cổ bé và phần phía dưới hình nhữ nhật để đỡ thân bé. Ở mỗi phần có cách trang trí khác nhau, gửi gắm nhiều ý nghĩa độc đáo. Ở phần phía trên tạo ấn tượng với những chiếc tua rua chạy xung quanh, ôm gọn 30 bông hoa, 6 chiếc lá được thêu thùa đẹp mắt. Trong quan niệm người Mông 30 và 6 là những con “số lành”, “số đẹp” thường được áp dụng để trang trí lên trang phục. Phần phía dưới hình chữ nhật sặc sỡ với những đường nét thổ cẩm, nó thể hiện sự pha màu khéo léo cùng với tính nghệ thuật thẩm mỹ của người làm. Hoa văn trên chiếc địu chủ yếu là hình chiếc lá, bông hoa, cánh chim. Đây là biểu tượng cho thiên nhiên núi rừng cùng những khát vọng bay cao, bay xa. Sự đa sắc màu cùng với những đường viền quanh dây địu, tượng trưng cho 8 tia nắng, 9 tia mưa là sự kết hợp hài hòa tượng trưng cho trời, đất, mây, mưa, sấm chớp, cây cỏ cùng hoa lá và ánh mặt trời... Do vậy, không sai khi nói đứa trẻ ngay từ lúc nhỏ đã được quê hương ôm ấp trong lòng, đồng thời thể hiện kỳ vọng của cha mẹ, họ hàng về một tương lai rộng mở, khôn lớn, thành đạt, trở thành người có trách nhiệm với quê hương, với dân tộc.

Ngày xưa trước khi lấy chồng, sinh con, phụ nữ Mông đều dày công khâu, thêu chiếc địu. Có khi tấm địu là của hồi môn của cô gái sắp lấy chồng hoặc là quà tặng của bà ngoại trong ngày đầy cữ của cháu. Ngày nay, đời sống của đồng bào có nhiều thay đổi, chiếc địu cũng có không ít biến thể để phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mỗi người. Nhưng đối với đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát, việc may địu, tặng địu cho đứa trẻ có nhiều ý nghĩa, có giá trị văn hóa truyền thống. Bởi, những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên, phải rời xa chiếc địu và bờ lưng mẹ. Nhưng thử hỏi, nếu không có chiếc địu ấy, không có bờ lưng gầy của mẹ ngày xưa, tuổi thơ của những đứa trẻ núi rừng có còn gì nữa... Chúng tôi không hiểu hết ý nghĩa của chiếc địu trong đời sống tinh thần của người miền núi. Chúng tôi chỉ biết, chiếc địu là tổ ấm an lành thứ hai sau lòng mẹ, là người bạn tuổi thơ mến thương, là sợi dây buộc tình mẹ con thiêng liêng. Vì thế cần khuyến khích động viên các bậc cha mẹ, ông bà và mọi người gìn giữ phát huy để truyền thống này không bị mai một như nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp khác.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]