(Baothanhhoa.vn) - Ai đã một lần ghé thăm Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) hẳn sẽ không khỏi tự hào khi được tận mắt nhìn ngắm, lắng nghe những câu chuyện phía sau các hiện vật còn lưu giữ, gợi nhớ về ý chí, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường cùng sự hy sinh, mất mát của quân và dân Thanh Hóa trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong đó, nội dung bộ sưu tập Quyết tâm thư và Đơn tình nguyện nhập ngũ của thanh niên Thanh Hóa trong thời gian chống Mỹ cứu nước khiến bất kỳ ai cũng phải rưng rưng xúc động, nghẹn ngào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”

Ai đã một lần ghé thăm Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) hẳn sẽ không khỏi tự hào khi được tận mắt nhìn ngắm, lắng nghe những câu chuyện phía sau các hiện vật còn lưu giữ, gợi nhớ về ý chí, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường cùng sự hy sinh, mất mát của quân và dân Thanh Hóa trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong đó, nội dung bộ sưu tập Quyết tâm thư và Đơn tình nguyện nhập ngũ của thanh niên Thanh Hóa trong thời gian chống Mỹ cứu nước khiến bất kỳ ai cũng phải rưng rưng xúc động, nghẹn ngào.

“Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”

Tượng đài thanh niên xung phong chiến thắng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa)

Được viết vào ngày 24-2-1964, “Đơn xin tình nguyện vào Nam đi đánh nhau để bảo vệ Tổ quốc” của Lê Sỹ Cẩn với lối viết giản dị nhưng thể hiện sự chân thành, quyết tâm lớn. Nội dung lá đơn nêu rõ nguyện vọng: “Lòng tôi lúc này chỉ có mong làm sao được trở lại đơn vị để làm nhiệm vụ trước Đảng và quân đội”. Nỗi niềm đau đáu ấy như tiếng trống lệnh giục giã trong lòng, thường trực như lẽ sống: “Thưa Đại tướng, trong thư trước tôi có nói đương thù nhà và nợ nước chưa làm tròn cho nên lúc này lòng của tôi vô cùng đau khổ”. Lòng quyết tâm được ra trận không chỉ xuất phát từ thực tiễn cuộc chiến tranh ác liệt của đất nước lúc bấy giờ mà hơn hết, đó là sự hòa quyện giữa lòng yêu nước cao cả và sự biết ơn sâu sắc: “Còn về phần của tôi, được Đảng, Nhân dân và quân đội cho ăn học, đào tạo con người của tôi trở thành một chiến sĩ lái xe để phục vụ cho Nhân dân và cho quân đội. Giờ đây, trước những sự thay đổi và đòi hỏi của Nhân dân giải phóng miền Nam. Lúc này, Đảng kêu gọi bao nhiêu người có sức khỏe và tài năng đem ra để phục vụ cho Nhân dân. Lòng của tôi luôn luôn mong muốn được trở lại đơn vị, trở lại trung đoàn vận tải của cục quản lý xe, mang hết khả năng và kinh nghiệm đã học được vào phục vụ cho quân đội”. Như để nhấn mạnh hơn sự quyết tâm của mình, người viết vẫn dành những dòng cuối lá đơn để nhắc lại một lần nữa ý nguyện: “Lòng của tôi lúc nào cũng mong muốn trở lại đơn vị cũ”.

Còn bức tâm thư của Nguyễn Trường Sơn với phần đầu được viết bằng máu, nay đã mờ. Phần nội dung ghi bằng bút mực vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn theo năm tháng, như một minh chứng sinh động về thời kỳ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Ngay từ những dòng đầu tiên của bức tâm thư, người viết đã cho thấy nhận thức đúng đắn của mình về trách nhiệm của mỗi cá nhân đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc: “Là người thanh niên, đoàn viên trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Đã nhận rõ được trách nhiệm, chức năng của mình đối với Tổ quốc nói chung và đối với miền Nam nói riêng. Trước nhiệm vụ nặng nề này chúng tôi nguyện đem hết sức lực, tài năng và nhận thức của mình ra sức học tập để không ngừng nâng cao trình độ, kỹ thuật, chiến thuật và trau dồi đạo đức, tác phong quân đội của mình. Để sau này nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi Đảng và Chính phủ giao cho cũng hoàn thành trách nhiệm một cách nhanh chóng, để đáp ứng lời kêu gọi của Bác: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.

Những đơn xin nhập ngũ, quyết tâm thư còn lưu giữ được tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, tuy không giống nhau về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh nhưng đều có chung một ý chí quyết tâm cống hiến hết sức mình cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đó là kết quả của quá trình giác ngộ cách mạng, thấm nhuần tư tưởng chính trị, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và nhận thức sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ của mình, đúng như lời thơ Tố Hữu từng viết: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa/ Bao khổ ấy thôi cần chi nói nữa/ Bạn đời ơi ta đã hiểu nhau rồi”. Nhận thức ấy khiến chúng ta – thế hệ cháu con hôm nay càng yêu mến, trân trọng tinh thần, ý chí chiến đấu, bản lĩnh cách mạng của thế hệ đi trước. Thế hệ ấy, đâu chỉ có đấng nam nhi mới hăng hái xông pha trận mạc mà “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Cảm phục biết bao nhiêu khi đọc quyết tâm thư của Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc: “Chúng tôi gồm 14 chị em xã Hoa Lộc, trực thuộc 3 HTX theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, thấy rõ trách nhiệm của người đảng viên, đoàn viên. Lòng căm thù giặc Mỹ hàng ngày đang dội lên trên mảnh đất quê hương bao bom đạn. Không thể ngồi yên trước cảnh bom thù, chị em chúng tôi tình nguyện thực hiện giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, trực tiếp tay cày, tay súng bảo vệ quê hương, bảo vệ vùng trời của Hậu Lộc”. Với quyết tâm ấy, 14 cô gái của Trung đội đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, nhiều lần bắn rơi máy bay của giặc Mỹ, trong đó có chiếc A4D - chiếc máy bay tối tân nhất của quân đội Mỹ vào thời điểm bấy giờ, vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng huy hiệu của Bác. Chiến công của Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc đã khơi dậy phong trào thi đua bắn rơi máy bay Mỹ trong lực lượng nữ dân quân tỉnh Thanh Hóa và cả nước.

“Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”

Bộ sưu tập Quyết tâm thư và Đơn tình nguyện nhập ngũ của thanh niên Thanh Hóa trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa luôn là vùng đất cứ địa chiến lược của Tổ quốc. Đó là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm vô cùng cao cả, thiêng liêng mà số phận, lịch sử đặt lên vai các thế hệ sinh ra trên mảnh đất này. Giữa gian khó mà không quản ngại vất vả; giữa chiến trường khốc liệt, quyết đổ máu, hy sinh thân mình chứ không chịu lùi bước, phẩm chất quý báu của người xứ Thanh được thể hiện ở mọi lúc mọi nơi, suốt chiều dài lịch sử và đặc biệt tỏa sáng qua những cuộc chiến tranh lớn giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ví như cái cách 19.200 thanh niên xung phong ở các miền thôn quê thuộc tỉnh Thanh Hóa, từ miền đồng bằng cho đến vùng trung du, miền núi và ven biển nườm nượp khí thế tòng quân đi đánh giặc cùng “đoàn quân” dân công hỏa tuyến như những ánh sao đêm trên đường ra mặt trận. Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1953 – 1954), gần 16.000 chiến sĩ vận lương, chuyển vũ khí, khí tài cho chiến dịch, hỗ trợ bộ đội đưa vũ khí vào trận địa, đào hào giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm và tham gia vào quân đội cầm súng trực tiếp chiến đấu. 25 đại đội nô nức tập trung từ các miền trong tỉnh về Đông Sơn, Thọ Xuân hội quân cùng thanh niên xung phong từ Nghệ An, Hà Tĩnh lên đường đến với Tây Bắc, về chiến khu... Trong đội quân ấy, xuất hiện nhiều tấm gương quả cảm khi phá bom nổ chậm, bốc xếp hàng hóa giữa lúc bom rơi đạn nổ. Chỉ riêng tại ngã ba Cò Nòi đã có hơn 50 chiến sĩ thanh niên xung phong Thanh Hóa hy sinh. Tại các địa danh lịch sử, các mặt trận và những trận đánh của quân đội ta chiến thắng thực dân Pháp còn in đậm dấu ấn tuổi xuân hăng hái dũng cảm, hy sinh quên mình phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của lực lượng thanh niên xung phong Thanh Hóa.

Năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, Đảng và Nhà nước lại kêu gọi thanh niên hăng hái tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”. Hàng vạn thanh niên xung phong Thanh Hóa lại tiếp bước cha anh lên đường nhập ngũ, “xẻ dọc Trường Sơn” quyết tâm đánh Mỹ. Trong 3 cuộc tuyển quân lớn các năm 1965, 1968, 1971, 46.000 thanh niên xung phong đã không sợ hy sinh gian khổ, không tiếc tuổi xuân, xương máu của mình có mặt trên khắp các tuyến đường, các trọng điểm giao thông bị bom đạn cày xới như: Đò Lèn, Hàm Rồng, bến Ghép, Phú Lệ, phà Na Sài, dốc Bò Lăn, La Hán, Chuối, sân bay Sao Vàng, bến phà Long Đại, sân bay Kép, bến phà Xuân Sơn, đường 16, đường 20 quyết thắng, trên đất bạn Lào... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân ta phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, 33.000 thanh niên xung phong Thanh Hóa đã sống và chiến đấu như những người anh hùng. Có chiến sĩ quê Hoằng Hóa, phá đến quả bom thứ 100 thì anh dũng hy sinh; 8 thanh niên xung phong quê Hoằng Hóa hy sinh làm nên huyền thoại hang Tám Cô lịch sử; 13 cô gái ở núi Nấp; 14 chiến sĩ của Đội N263, N696 thanh niên xung phong Thanh Hóa... Những tuổi thanh xuân ấy đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ, hiến dâng xương máu đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vinh quang.

Chiến tranh đã lùi xa cùng lịch sử nhưng những mất mát, đau thương mà nó để lại trên dải đất hình chữ S này chẳng dễ gì có thể nguôi ngoai. Những tấm bia Tổ quốc ghi công vẫn ngày ngày đứng đó bất chấp sự thách thức của thời gian; hàng nghìn ngôi mộ bãng lãng khói hương vẫn nằm sát bên nhau như đoàn binh thầm lặng trong những nghĩa trang liệt sỹ. Những con người ấy không chỉ góp tuổi, góp tên mà còn dâng hiến cả cuộc đời, sinh mệnh mình để tô thắm thêm truyền thống cách mạng của quê hương Thanh Hóa, dựng xây nên đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, phát triển như chúng ta có hôm nay.

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “65 năm thanh niên xung phong Thanh Hóa anh hùng”)

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài Và Ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]