(Baothanhhoa.vn) - Họ là những con người thầm lặng, được ví như cánh tay đắc lực trong việc nâng cao chất lượng dân số nơi bản xa...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những con người thầm lặng nơi bản xa

Họ là những con người thầm lặng, được ví như cánh tay đắc lực trong việc nâng cao chất lượng dân số nơi bản xa...

Những con người thầm lặng nơi bản xa

Cán bộ DS – KHHGĐ ngoài tuyên truyền kiến thức còn kết hợp thăm khám, tư vấn sức khỏe cho bà con.

Khi nam giới làm công tác dân số

Trong chuyến công tác lên với huyện vùng cao Mường Lát, tôi có dịp gặp gỡ và chuyện trò với anh Ly Văn Mai, cán bộ dân số xã Pù Nhi – một con người mẫn cán với công tác dân số suốt gần 20 năm qua. Điều hết sức thú vị, ở vị trí công việc mà đáng lẽ ra hợp với phụ nữ hơn thì anh Mai lại đảm đương tốt, thậm chí là có nhiều thành tích xuất sắc mà không phải ai cũng đạt được. Theo báo cáo về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của UBND xã Pù Nhi, tính đến thời điểm cuối năm 2019, tỷ suất tăng dân số tự nhiên giảm xuống dưới 20%; tỷ lệ sinh con thứ 3 đạt 22% và có xu hướng giảm theo từng năm; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai đạt trên 70%. Để có được thành quả này, theo lời anh Mai chia sẻ, đó là cả một câu chuyện dài. Tôi đề nghị anh kể lại. Anh bảo không biết bắt đầu từ đâu, kể sao cho tường tận, chỉ mong sao sẽ khắc họa được phần nào đôi nét về chân dung những con người làm công tác DS - KHHGĐ nơi bản xa.

...

Sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất vùng cao này nên anh Mai thấu hiểu hơn ai hết những bất cập trong công tác DS - KHHGĐ của địa phương. Xã Pù Nhi có 11 bản thì có tới 7 bản người Mông – họ vốn sống khép kín và rất khó thay đổi tư duy. Hệ quả của lối sống này dẫn đến tình trạng đại bộ phận dân tộc Mông có trình độ dân trí thấp, không biết chữ, không biết tiếng phổ thông và hầu như không có điều kiện tiếp cận nếp sống mới. Đặc biệt là phụ nữ - những nạn nhân trực tiếp của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Năm 1999, anh Mai được phân công đảm nhận công tác DS - KHHGĐ của xã Pù Nhi. Với sự nhiệt tình, tận tâm, hiểu biết của mình, anh đã kiên nhẫn giúp bà con thay đổi nhận thức, tiếp nhận nhiều kiến thức mới. “Thực hiện phương châm “mưa dầm thấm sâu”, tôi đến gõ cửa từng nhà, đôi khi chấp nhận cả những lời nói khó nghe, thậm chí bị đánh đuổi, chỉ mong sao bà con có thể thay đổi được tư duy để có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn” - anh Mai ngậm ngùi.

Phụ nữ làm công tác DS - KHHGĐ ở vùng cao đã khó, nam giới lại còn khó hơn gấp bội. Anh Mai chia sẻ, ban đầu nhận nhiệm vụ nhiều lúc anh cũng thấy bối rối và e ngại. Không những vậy, khi tư vấn tuyên truyền về vấn đề sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai..., nhiều chị em đã mạnh miệng trêu đùa khiến anh ngượng đỏ mặt. Nhưng với kiến thức đã được học ở trường về tâm lý giáo dục, được sự giúp đỡ của các cộng tác viên đi trước, dần dần anh cũng quen với công việc của mình. Theo anh Mai, hạn chế lớn nhất của nam giới khi làm công tác DS - KHHGĐ là phụ nữ ngại tiếp cận. Chính vì vậy, mỗi khi tuyên truyền cho chị em về các biện pháp tránh thai, anh thường xuyên phối hợp với hội phụ nữ và cán bộ trạm y tế của xã để tuyên truyền, tư vấn có hiệu quả hơn. Với anh, nếu không yêu nghề, không tâm huyết thì khó làm được việc này.

Đến nay, sau 21 năm gắn bó với công tác DS - KHHGĐ của địa phương, anh Mai ngoài làm tốt nhiệm vụ được giao, còn mạnh dạn xây dựng được đội ngũ cộng tác viên DS - KHHGĐ đông đảo; hỗ trợ nhau bám sát cơ sở, đến từng gia đình tư vấn, khuyên giải và hướng dẫn họ sử dụng các biện pháp KHHGĐ.

Dám dấn thân và mạnh dạn thay đổi

Cũng như anh Mai, chị Vi Thị Chít, xã Mường Chanh (Mường Lát) đảm trách công tác DS - KHHGĐ ở chính nơi mình sinh ra và lớn lên nên có phần am hiểu và chủ động. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, chị đã mạnh dạn đứng lên đòi quyền bình đẳng giới cho phụ nữ địa phương. Bởi hơn ai hết chị thấu hiểu người phụ nữ vùng cao phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc chăm lo sức khỏe, xây dựng hạnh phúc. “Đòi quyền bình đẳng cho chị em chính là yếu tố tiên quyết trong việc thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ của địa phương. Người phụ nữ có quyền bình đẳng rồi, họ sẽ chủ động hơn trong vấn đề hôn nhân, sinh sản và xây dựng hạnh phúc gia đình” - chị Chít quả quyết.

Dẫu mang tư tưởng tiến bộ như vậy, nhưng trong gần 10 năm làm cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ của xã Mường Chanh, chị Chít nhiều lần cũng đã rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” với nhiều kiểu lý sự: “Đông con nhà mới vui”, “Ông trời bắt đẻ ấy chứ, vợ chồng tôi có muốn đâu”, thậm chí có nhiều cặp vợ chồng còn chỉ thẳng mặt chị mà rằng: “Con tôi sinh ra, tôi nuôi, có ai nuôi giúp tôi đâu nên tôi sinh bao nhiêu đứa đó là quyền của tôi”;...

Chị kể, năm 2012, trong lần đi tuyên truyền cho một gia đình đông con nhưng sinh một bề con gái, chị đã gặp phải phản ứng dữ dội từ phía gia đình, mà đối tượng lại chính là người... vợ. Người vợ vì muốn chứng tỏ tình yêu với chồng nên bất chấp sức khỏe, khăng khăng đòi đẻ bằng được con trai. Một quan niệm tình yêu thật ngược đời, rằng đẻ con gái là tình cảm chưa được trọn vẹn. “Tôi phải kiên nhẫn giải thích, khuyên bảo mãi cô gái ấy mới chịu từ bỏ đi cái sự cố chấp, mù quáng của bản thân. May mà lần đó, tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền và chị em trong hội phụ nữ xã” - chị Chít nhớ lại.

Trong tất cả các trường hợp xảy đến, dù đôi lúc khiến bản thân nản lòng, nhưng sau tất cả, chị Chít vẫn luôn có những giải pháp tối ưu nhất để hoàn thành công việc của mình. Nhờ sự dấn thân không biết mệt mỏi của chị mà chất lượng dân số của xã Mường Chanh không ngừng được cải thiện và nâng cao với những con số khả quan: Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và công tác dân số luôn được quan tâm, số phụ nữ sau sinh được cán bộ y tế chăm sóc đạt trên 91%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 29,3% năm 2017 xuống còn 22,5% năm 2018; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 3,8%; tỷ suất tăng dân số tự nhiên giảm từ 42% năm 2017 xuống còn 15% năm 2018...

Ông Lê Quốc Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát chia sẻ: Nhờ những đóng góp thầm lặng, bền bỉ của đội ngũ cán bộ chuyên trách về DS - KHHGĐ, cộng tác viên dân số thôn, bản đã, đang xây dựng được một nếp sống mới, tư duy mới cho bà con; qua đó giúp đời sống của bà con không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Dẫu còn đó những khó khăn phía trước, đặc biệt là nạn tảo hôn vẫn chưa bị đẩy lùi, nhưng tôi tin, cùng với sự chung tay của toàn xã hội, nhất định chúng ta sẽ đi đến cùng của “cuộc chiến” này, với một cái kết đẹp, trọn vẹn.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]