(Baothanhhoa.vn) - Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên nhiều địa phương không thể áp dụng chung mức thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường (DVVSMT). Hiện phần lớn các địa phương đều phải đi thuê các HTX, các công ty để thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Một huyện thậm chí có đến 10 HTX, công ty tham gia làm các nhiệm vụ nói trên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại mức thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường: Nhiều bất cập

Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên nhiều địa phương không thể áp dụng chung mức thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường (DVVSMT). Hiện phần lớn các địa phương đều phải đi thuê các HTX, các công ty để thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Một huyện thậm chí có đến 10 HTX, công ty tham gia làm các nhiệm vụ nói trên.

Công nhân HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn thu gom rác thải.

Tuy nhiên, cũng có một số địa phương thành lập được các tổ thu gom rác do chính người dân trong thôn đi thu gom còn lại việc vận chuyển rác thì ký hợp đồng với công ty hoặc HTX.

Một trong những nguyên nhân khiến các địa phương phải tăng phí DVVSMT, đó là phần lớn do các địa phương không có lò đốt rác hoặc bãi chôn lấp rác tập trung hoặc nếu có thì cũng không đủ chỗ chứa do lượng rác quá lớn đành phải vận chuyển rác đến một địa điểm khác. Từ đó, chi phí vận chuyển sẽ phải cao hơn do cung đường xa, buộc HTX, doanh nghiệp cũng phải đề nghị để nâng mức phí DVVSMT. Tại huyện Đông Sơn, hiện 13/15 xã, thị trấn đang ký hợp đồng với HTX DVVSMT Tân Sơn, trong đó có những xã, người dân nộp phí dịch vụ vệ sinh môi trường là 30.000 - 35.000 đồng/hộ/tháng. Rác thải được đưa về bãi rác Đông Nam để xử lý, do đó có những xã ở huyện Đông Sơn phải đi mất khoảng 30 km mới về đến bãi rác này. Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng phòng Tài nguyên, Môi trường huyện Đông Sơn, cho biết: Tăng 30.000 đồng vẫn chưa bảo đảm được, huyện cũng đang xin tỉnh hỗ trợ chi phí xử lý rác. Năm 2017, phí xử lý tăng, huyện không có nguồn hỗ trợ nên phải dừng hỗ trợ cho các xã.

Tại huyện Quảng Xương, theo ông Mã Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên, Môi trường huyện này thì mức phí DVVSMT có những xã cao, xã thấp. Nguyên nhân cũng bắt đầu từ cung đường vận chuyển, theo đó xã vận chuyển rác gần thì mức thu phí ít hơn và ngược lại. Tại xã Quảng Lưu, từ mức thu phí ban đầu là 20.000 đồng/hộ/tháng, sau tăng lên 25.000 đồng và hiện tại là 30.000 đồng/hộ/tháng. Xã hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường xanh Thanh Hóa bằng hình thức giao khoán với 26 triệu đồng/tháng. Hiện công ty này đang đề nghị xã tăng mức thu phí lên 35.000 đồng/hộ/tháng để đủ trang trải trả phí cho công nhân và chi phí nhiên liệu... Tuy nhiên, vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương.

Còn tại Hoằng Hóa, nhiều xã đã thành lập được tổ thu gom rác thải, do đó xã chỉ phải ký hợp đồng với công ty hoặc HTX để vận chuyển rác. Thành lập được tổ thu gom rác đồng nghĩa với việc tạo công ăn việc làm cho chính người dân trong xã. Ngay tại xã Hoằng Lộc, người dân đóng 9.000 đồng/khẩu/tháng. Trong đó, 4.000 đồng/khẩu để trả tiền xã hợp đồng với Công ty CP Môi trường và Đô thị Thanh Hóa, còn 5.000 đồng/khẩu để trả lương cho công nhân thu gom rác.

Thực tế, với các HTX, doanh nghiệp, tăng mức thu phí DVVSMT không phải lúc nào cũng được sự đồng thuận của người dân. Nhưng nếu không tăng thì không bảo đảm các chi phí và quan trọng là sẽ không bảo đảm đồng lương cho công nhân nên việc các HTX, các doanh nghiệp phải thường xuyên thay đổi lao động âu cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, vẫn còn nhiều cái khó như phần lớn người dân chưa có ý thức phân loại rác nên đã gây khó trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý. Thêm một cái khó đó là thu phí DVVSMT trong dân. Bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc HTX DVVSMT Tân Sơn chia sẻ: Đã có những công nhân ngừng việc, phản đối không làm vì đường đi quá xa, điểm tập kết rác cũng quá xa, rồi nhiều nơi còn không thu được tiền phí của dân. Chúng tôi nhiều khi cũng rất nản nhưng vẫn phải kiên trì... Ông Nguyễn Danh Phong, Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường xanh Thanh Hóa cũng cho rằng: Tăng thu một đồng của bà con rất khó, có những xã công ty đề xuất đến 6 tháng mà chưa tăng được. Trong thời điểm này, công ty chỉ hòa hoặc rất ít lợi nhuận nhưng vẫn phải chấp nhận vì nếu làm mang tính chộp giật sẽ không được bền mà phải xác định lâu dài, cố gắng duy trì môi trường xanh cho các xã và tạo việc làm cho người lao động. Còn theo ông Lê Đình Thuận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và môi trường Hoằng Hóa: Đi thu ở các xã, đóng cao dân không đóng, thu phí cũng không dễ. Làm nghề này lợi nhuận tức thì thì không có, chủ yếu tạo công ăn việc làm cho công nhân...

Bên cạnh đó, với người dân ở vùng quê, để thu phí DVVSMT lại còn phải phụ thuộc vào mùa vụ. Do đó, có những HTX, doanh nghiệp phải đợi đến cả nửa năm trời mới thu được khoản tiền này. Ông Trần Văn Hùng, cán bộ phụ trách môi trường Công ty CP Xây dựng và quản lý giao thông Công Chính (Nông Cống) cho biết: Người dân 6 tháng mới thu được phí còn doanh nghiệp thì không thể trả lương cho công nhân 6 tháng 1 lần, lương hàng tháng vẫn phải trả đủ, bảo hiểm không được nợ. Nếu nói khó thì rất nhiều cái khó... Hiện tại, lương công nhân vệ sinh môi trường ở công ty này là từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng. Chỉ cần tính ở mức lương 3 triệu thì mỗi tháng công ty phải bỏ ra hơn 70 triệu đồng để trả lương cho công nhân VSMT, trong khi phí của người dân phải đến 6 tháng sau mới thu được.

Theo Quyết định 3355/2017/QĐ-UBND ngày 7-9-2017 của UBND tỉnh về việc ban hành đơn giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều địa phương đã có những thay đổi linh hoạt cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, mức thu phí DVVSMT cao hay thấp, tăng hay không, không thể tùy tiện điều chỉnh. Trong lúc gặp khó, nhiều HTX, doanh nghiệp đã phải cố gắng gồng mình để mang lại một môi trường xanh.

Để mức thu phí DVVSMT không quá chênh lệch giữa các vùng, miền, ngoài việc tính toán hợp lý của các HTX, doanh nghiệp, cần có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương và ngành chức năng trong việc quy hoạch khu xử lý rác thải, hỗ trợ trang thiết bị xử lý rác cũng như vận động thành lập tổ thu gom rác thải do người địa phương thực hiện như một số nơi đã làm.


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]