(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cẩm Thủy đã giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến với người dân, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguồn vốn tín dụng chính sách - “điểm tựa” cho hộ nghèo huyện Cẩm Thủy

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cẩm Thủy đã giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến với người dân, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Nguồn vốn tín dụng chính sách - “điểm tựa” cho hộ nghèo huyện Cẩm Thủy

Hộ bà Trương Thị Phượng, tổ dân phố Gia Dụ, thị trấn Phong Sơn thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH Cẩm Thủy để chăn nuôi lợn và trâu bò.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc NHCSXH huyện Cẩm Thủy, cho biết: Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, NHCSXH huyện Cẩm Thủy đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Theo đó nguồn vốn ưu đãi đã được đầu tư đúng hướng vào các mô hình kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, năm 2020 số hộ nghèo là 791 hộ, đến năm 2021 giảm xuống còn 350 hộ, với tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 1,19%.

Tính đến hết tháng 10-2021, NHCSXH Cẩm Thủy đã thực hiện 17 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đạt trên 443 tỷ đồng (tăng 28,206 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó ủy thác qua 65 tổ chức chính trị - xã hội tại 17 xã, thị trấn và ủy nhiệm thông qua 244 tổ tiết kiệm và vay vốn) cho 3.561 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó, tập trung chủ yếu vào chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Điển hình như hộ bà Trương Thị Phượng, tổ dân phố Gia Dụ, thị trấn Phong Sơn đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH. Bà Phượng phấn khởi cho biết: Từ năm 2018 trở về trước, gia đình bà luôn nằm trong danh sách hộ nghèo. Năm 2017, nhận thấy chăn nuôi trâu mang lại hiệu quả kinh tế, bằng nguồn vốn tích lũy và vay mượn người thân bà đầu tư xây dựng chuồng trại và mua trâu về nuôi nhốt. Cuối năm 2017, được sự giới thiệu, hướng dẫn của hội nông dân xã, bà được vay 70 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho hộ nghèo của NHCSXH Cẩm Thủy. Bằng nguồn vốn này, gia đình đầu tư mua 17 con lợn và 3 con trâu, kết hợp trồng 4 sào cỏ voi để chăn nuôi. Để đàn trâu phát triển tốt, bà Phượng luôn cho ăn đúng giờ, tiêm vắc-xin phòng bệnh, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ và được lắp quạt mát vào mùa hè. Đến cuối năm 2018, gia đình bà Phượng đã thoát nghèo và nay đã có của ăn của để.

Hay như hộ gia đình bà Cao Thị Chinh, thôn Tô, xã Cẩm Bình là một trong những hộ mới thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng của NHCSXH Cẩm Thủy. Năm 2013, gia đình bà được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo để chăn nuôi trâu bò. Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Năm 2019, gia đình bà đã thoát nghèo và tiếp tục được vay ưu đãi từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo với số tiền 100 triệu đồng. Đến nay, sau hơn 3 năm tiếp cận với nguồn vốn, gia đình bà xây được nhà và tiếp tục đầu tư vào nuôi 4 con trâu, 200 con dê. Bà Chinh chia sẻ: Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, tôi khó gây dựng được mô hình kinh tế ổn định như bây giờ. Thời gian tới, tôi sẽ vay thêm vốn để mở rộng quy mô chuồng trại.

Để thực hiện hiệu quả chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, thời gian qua, phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn về quy trình thủ tục cho vay và tổ chức bình xét đúng đối tượng, việc lập hồ sơ vay vốn kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện tại cơ sở, bảo đảm vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, mức vay, thời hạn cho vay phù hợp nhu cầu, phương án sản xuất, kinh doanh, người vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, vai trò và ý nghĩa của chương trình tín dụng để đối tượng có nhu cầu nắm được từ đó thực hiện vay vốn. Đặc biệt, từ khi triển khai Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” thì sự phối hợp giữa phòng giao dịch NHCSXH với cấp ủy, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Nguồn vốn ưu đãi đã được triển khai nhanh chóng đến tất cả các thôn, làng; các đối tượng thụ hưởng được bình xét, công khai, minh bạch, dân chủ; cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong các hoạt động như tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật lồng ghép với hoạt động cho vay. Từ đó phát huy được hiệu quả vốn vay, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Với phương thức cho vay ủy thác qua tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khá thuận lợi, tạo một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với Nhân dân và cấp ủy đảng, chính quyền. Đồng thời hoạt động của các tổ chức, đoàn thể nhận ủy thác cũng khởi sắc hơn, tổ tiết kiệm và vay vốn biết thực hành tiết kiệm, giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, thực hiện trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết với ngân hàng.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, thời gian tới NHCSXH Cẩm Thủy chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất để phát hiện các bất cập và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Phối hợp với các phòng, ban, đơn vị, tổ chức có liên quan thực hiện tốt việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê, xác nhận hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được vay vốn kịp thời, đúng mục đích.

Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân. Nguồn vốn này đã và đang kịp thời tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, mang lại cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng cho các đối tượng đang gặp khó khăn về vốn.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]