(Baothanhhoa.vn) - Trong 22 loại hình thiên tai, ngoại trừ sóng thần, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai còn lại. Thống kê từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, chỉ tính 5 năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã chịu 99 trận thiên tai các loại, riêng năm 2020 có tới 27 trận thiên tai, thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng, chưa kể về người. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thiên tai, bão lũ sẽ diễn biến phức tạp, cần sự chủ động cao trong phòng tránh, tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nỗi lo hiện hữu...

Mùa mưa bão, hiện hữu nhiều nỗi lo

Trong 22 loại hình thiên tai, ngoại trừ sóng thần, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai còn lại. Thống kê từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, chỉ tính 5 năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã chịu 99 trận thiên tai các loại, riêng năm 2020 có tới 27 trận thiên tai, thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng, chưa kể về người. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình thiên tai, bão lũ sẽ diễn biến phức tạp, cần sự chủ động cao trong phòng tránh, tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nỗi lo hiện hữu...

Mùa mưa bão, hiện hữu nhiều nỗi loNhiều hộ dân xã Nhi Sơn (Mường Lát) vẫn sinh sống trên các triền đồi, ven suối với nguy cơ sạt lở cao.

Tại huyện vùng biên Mường Lát, trong các năm 2018 và 2019, nhiều đợt mưa lũ gây sạt lở đất vô cùng nặng nề, mà đến nay, những hậu quả chưa thể khắc phục xong. Đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng của huyện rất dễ bị sạt lở do độ dốc lớn, đất đỏ ba zan khi mưa lâu ngày gây nhão, kết dính kém. Rà soát mới nhất từ UBND huyện vùng biên này, trên địa bàn hiện có 635 hộ, với 3.173 nhân khẩu đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất rất cao. Đặc biệt lo ngại là nhiều nơi đã có dấu hiệu sạt trượt nhưng chưa thể bố trí chỗ di dời vì nhiều nguyên nhân. Ngoài xây dựng một số phương án ứng cứu và tổ chức di dời tạm thời khi điều kiện không an toàn, thì huyện Mường Lát đã nhiều lần đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng các khu tái định cư.

Thuộc vùng miền núi thấp, nhưng huyện Như Thanh lại có nhiều hồ đập bậc nhất tỉnh. Theo ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh: “Toàn huyện hiện có 12 hồ đập không bảo đảm an toàn, trong tháng 5 vừa qua, huyện đã triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2021, trong đó chỉ đạo các phòng, ban liên quan và các xã xây dựng phương án phòng chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Ngoài ra, địa phương còn có 114 ngầm tràn giao thông, trong đó có 15 ngầm mất an toàn. Do đặc thù đồi núi nên cứ mưa 110mm trở lên là đi lại khó khăn, qua các tràn rất nguy hiểm cho tính mạng người dân. Nhiều trận mưa lớn vài năm gần đây, nhiều học sinh phải bỏ học, nhiều công nhân đi làm ca không thể qua tràn nên ảnh hưởng lớn đến công việc”. Cũng theo nguồn tin từ UBND huyện Như Thanh, hiện nay tại xã Xuân Khang có 4 hộ dân đang bị ảnh hưởng của tình trạng sạt lở núi nhưng đến đầu tháng 7-2021, chưa thể tổ chức di dời tái định cư do gặp những khó khăn trong đấu giá đất bố trí nơi ở mới cho các hộ. Tại xã Xuân Thái, hiện có 91 hộ dân sinh sống dưới cao trình an toàn của lòng hồ Sông Mực, nếu gặp mưa lũ lớn sẽ ngập lụt, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn.

Thọ Xuân có 22 km sông Chu chảy qua địa bàn, đến đầu mùa mưa bão 2021, huyện rà soát có 5 điểm sạt lở bãi sông thuộc 6 xã, ngoài mất đất sản xuất, nhiều điểm sạt còn tiến gần chân đê, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đê sông Hoạt qua huyện Nga Sơn hiện có nhiều đoạn chưa được kiên cố, nhỏ và khá thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai. Nhiều mùa mưa lũ trước đây, nước sông đã tràn qua đê gây ảnh hưởng đến các khu dân cư và đất nông nghiệp. Tương tự, đê hữu sông Càn qua hai xã Nga Phú, Nga Thái còn nhiều đoạn sơ khai, nhỏ hẹp, không bảo đảm an toàn. Tuy tuyến đê này đã được tỉnh quan tâm đưa vào danh sách các công trình xây dựng theo nguồn vốn đầu tư trung hạn, nhưng chưa được triển khai. Cũng trên địa bàn huyện, tuyến đê biển thi công dở dang từ nhiều năm trước, đến khu vực xã Nga Thủy thì tạm dừng. Đây là tuyến đê có vai trò quan trọng trong bảo vệ hơn 200 ha nuôi trồng thủy sản và nhiều khu dân cư của các xã Nga Tân, Nga Thủy của huyện. Với chiều dài khoảng 2,5 km chưa được thi công, gây tiềm ẩn rủi ro nếu xuất hiện mưa bão gây lũ lớn hoặc nước biển dâng cao.

Với các địa phương ven biển, công tác bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu thuyền được coi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong mùa mưa bão. Thanh Hóa hiện có hơn 6.800 phương tiện tàu thuyền các loại chuyên khai thác hải sản trên biển. Nhiều năm nay, vẫn có tình trạng tai nạn, gây thiệt hại về người và tài sản, nhất là trong mùa mưa bão. Qua tìm hiểu các kênh thông tin của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa và các địa phương, vẫn còn tình trạng chủ quan của một bộ phận không nhỏ ngư dân. Khi bão hoặc gió mùa gần đổ bộ, nhiều ngư dân và chủ tàu vẫn khai thác mà không theo các khuyến cáo cũng như kêu gọi vào tránh trú ngay của các lực lượng liên quan. Bởi lẽ, khi biển động, gió to sóng lớn, các loài hải sản thường “lộn” lên tầng trên nên sản lượng khai thác hải sản được nhiều hơn. Một số trường hợp đã gặp nạn bởi những tình huống bất trắc không lường trước, hoặc bão vào quá nhanh so với dự báo nên trở tay không kịp. Gần đây nhất, trong cơn bão số 2 vào trung tuần tháng 6–2021, 2 ngư dân ở phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn đã gặp nạn trên đường vào tránh trú khi mưa bão quá lớn khiến bè hư hỏng, máy không thể điều khiển. May thay, cả 2 ngư dân đều được các tàu cá công suất lớn các tỉnh bạn trên đường vào bờ gặp và cứu thành công.

Một nỗi lo khác là, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 bè mảng, không đậu vào bến và các luồng do lực lượng bộ đội biên phòng quản lý. Những phương tiện thô sơ này rất khó thông báo hay kêu gọi vào nơi tránh trú khi có bão hay thời tiết bất thuận. Trong phân cấp, thì bè mảng thuộc các địa phương quản lý, nhưng nhiều nơi vẫn còn khá lỏng lẻo trong kiểm soát, giám sát các phương tiện này. Việc đậu tràn lan bất cứ nơi nào trên các bãi biển, cửa sông của các bè cũng gây khó khăn cho việc kiểm đếm và điều tiết trong những tình huống cấp bách. Với những tàu thuyền lớn có chiều dài hơn 15m, theo quy định của Luật Thủy sản hiện nay là phải có thiết bị giám sát hành trình. Theo các quy định, đến đầu tháng 7–2021 là 100% phương tiện này phải hoàn thành lắp đặt giám sát hành trình, nhưng đến nay, toàn tỉnh mới có hơn 600 trong tổng số 1.268 phương tiện được lắp đặt. Điều này dấy lên lo ngại khó khăn trong kiểm soát, điều tiết các phương tiện khai thác hải sản xa bờ này.

Công tác dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn trong những năm gần đây cũng gây ra nhiều hoài nghi trong phòng chống thiên tai. Muốn có giải pháp phòng tránh an toàn, công tác dự báo yêu cầu phải chính xác. Gần đây nhất, trong cơn bão số 2 vừa qua, các bản tin đều dự báo khoảng 6 – 7 giờ sáng, tâm bão sẽ đổ bộ đất liền, nhưng khoảng 4 giờ 30 phút, tâm bão đã vào đất liền tỉnh Thanh Hóa. Một mối lo khác là công tác dự báo hiện nay mới gói gọn trong lãnh thổ Việt Nam nên các địa phương của Thanh Hóa thuộc vùng biên giáp nước bạn Lào thường “mù tịt” thông tin về lượng mưa, những diễn biến thời tiết bất lợi bên phía bạn có thể ảnh hưởng đến địa phương. Thảm họa lũ quét tại bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) vào tháng 8–2019 là do trước đó, bên phía nước bạn Lào mưa rất lớn gây lũ, đổ về phía huyện Quan Sơn bất ngờ nên chính quyền địa phương và người dân địa phương không hề có sự chuẩn bị.

Mùa mưa bão năm 2021 đã bắt đầu, dấy lên những mối lo cho các cấp chính quyền, các ngành liên quan và người dân. Ngoài những hạn chế nói trên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng chục điểm đê xung yếu, nhiều hồ đập mất an toàn, những hộ dân sống cheo leo trên các vùng núi với nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao... Ngày 15–6 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2021 với nhiều giải pháp được đưa ra. Từng địa phương, từng sở, ngành cấp tỉnh đều được giao triển khai những nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, cần trách nhiệm của từng người đứng đầu các đơn vị, trách nhiệm của toàn xã hội, sự chung tay của cả cộng đồng.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]