(Baothanhhoa.vn) - Khi những cơn mưa mùa hạ đổ trắng, tiếng ve râm ran cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị cho cuộc đi “săn” ve sầu sữa – một món đặc sản được ưa chuộng trong thời gian gần đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một buổi “săn” ve sầu

Khi những cơn mưa mùa hạ đổ trắng, tiếng ve râm ran cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị cho cuộc đi “săn” ve sầu sữa – một món đặc sản được ưa chuộng trong thời gian gần đây.

Một buổi “săn” ve sầu

Ấu trùng ve sau khi bắt xong phải cho ngay vào xô đựng nước đá pha muối.

Một ngày đầu hè, tôi lên nhà em gái họ lấy chồng ở xã Thọ Thế, huyện Triệu Sơn chơi. Có khách từ thành phố lên, anh em, họ hàng cũng kéo qua ngồi hàn huyên. Trong những câu chuyện không đầu không cuối, một người gợi ý đãi khách “đặc sản” ve sầu sữa. Theo lời người này, trước kia, dân ở đây không ai dám ăn ve sầu nhưng khoảng từ năm 2010, một số người lao động từ nơi khác đến bắt về một rổ ve sầu sữa đem chiên giòn làm mồi nhậu. Mọi người nếm thử thấy thơm, ngon, bùi và giòn nên từ đó “phong trào” bắt ve sầu làm mồi nhậu rộ lên. Có nhiều gia đình săn ve sầu về làm thức ăn trong mỗi bữa cơm. Nhiều người đi bắt về còn mang bán kiếm tiền. Tuy nhiên, món này chỉ có được trong 50 ngày không hơn không kém, bởi ve bắt đầu nở từ cuối tháng 3 đến tháng 5 là hết.

Lời gợi ý quá hấp dẫn nên trời vừa sẩm tối, tôi cùng em rể và mấy đứa trẻ trong nhà liền rủ nhau đi săn... “đặc sản”. Cơn mưa đầu mùa chiều hôm ấy như dìm bao nhiêu cái nóng, cái oi bức vào lòng đất. Trời mát dịu nhưng đi ra đường thì hơi từ dưới đất đưa ngược lên khiến đôi chân hâm hấp nóng. Đoàn Văn Tuyên, em rể tôi giải thích: “Phải có mưa, nhất là cơn mưa đầu mùa thì trứng ve mới nở và ve mới lên khỏi mặt đất”.

Men theo con đường mòn ngoằn ngoèo, chúng tôi leo lên đồi, cách khu dân cư chừng 3km, nơi có nhiều cây to, đất ẩm. Vừa đi, Tuyên vừa chia sẻ: “Lắng nghe âm thanh của ve, có thể biết được nơi nào chúng sống tập trung nhiều. Khi bắt ve, chủ yếu canh giai đoạn chúng vừa chui lên từ lòng đất, bò lên thân cây, bụi cỏ, bởi lúc này ve chưa bay được, thịt ve mềm, béo ngậy. Muốn bắt ve non hơn thì để ý những đụn đất nhỏ nơi ve còn nằm phía dưới”. Nói rồi, Tuyên lia một đường chiếc đèn pin quanh những thân cây. Tôi nhìn theo, quả nhiên có rất nhiều vỏ xác ve màu hổ phách vương vãi, bên cạnh chúng là những con ve non, màu trắng sữa đang bám vào thân cây. “Chờ chúng chui lên hoặc vừa lột xác xong thì “hốt” ngay chứ để sau 30 phút là coi như xong” - Tuyên nói.

Bắt ve sầu không khó, chỉ cần cầm đèn pin soi quanh gốc cây, phát hiện ấu trùng mới thì bắt thả vào xô đá có pha chút muối, ấu trùng nào lột xác lâu rồi thì bỏ qua. Tuyên lý giải: “Nếu bắt ve giữ trên tay chừng 5 phút, con ve từ dưới đất chui lên gặp không khí phát triển rất nhanh nên sẽ mọc cánh và già đi, lúc đó ve sẽ không còn thơm, ngon nên phải kịp thời ướp đá để giữ được nguyên chất. Còn muối pha trong nước là để bảo quản con ve non không bị thâm đen khi chết”.

Cũng trong buổi tối hôm ấy, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh ve sầu lột xác. Thật sự rất thú vị. Đầu tiên, ấu trùng ve chui lên từ hang dưới đất. Tùy vào khu vực sinh sống, ấu trùng ve sầu có thể trú ngụ sâu dưới đất từ 1 năm cho đến vài năm nhờ hút nhựa từ rễ cây. Sau khi chui lên mặt đất, ve sầu leo lên cây, bám chặt. Sau khoảng 10 phút, quá trình lột xác của ve sầu bắt đầu. Đầu tiên, lớp vỏ cứng bên ngoài phía lưng từ từ tách ra, chú ve non chào đời (đây là lúc chúng tôi bắt chú ve thả vào nước đá). Một lúc sau, đôi cánh của ve từ màu xanh lá cây, mềm, ướt, bắt đầu mở ra, dài và cứng dần, các tĩnh mạch nổi rõ, màu sắc toàn thân ve đậm hơn. Đây là lý do chúng không bao giờ lên khỏi mặt đất và lột xác nếu trời mưa. Toàn bộ quá trình từ “sinh” đến “trưởng thành” của ve sầu chỉ mất khoảng 30 phút đến 1 giờ. “Chị thấy chưa? Chỉ cần một khoảng thời gian ngắn là nó “đủ cánh” để bay lên cao, bắt đầu “cất tiếng ca” chào đời... Lúc nó trưởng thành, có bắt cũng chỉ để ngắm chơi thôi chứ có gì đâu mà ăn. Vì thế mới có câu “gầy xác ve” - Tuyên cười, giải thích.

Sau một buổi tối đi quẩn khắp các gốc cây to trong làng, ngoài đồi, lắm khi bị kiến cắn, gai cây cào rách quần, áo..., chúng tôi thu khoảng hơn 1kg ve sữa. Trên đường về nhà, chiếc đèn pin vẫn lia thấy rất nhiều chú ve non đang chui lên từ mặt đất để lột xác, nhưng chúng tôi quyết định “làm ngơ” để về cho kịp thời gian làm một “chầu” đặc sản trước khi trời sáng.

Trên đường trở về nhà, vừa đi tôi vừa hỏi: “Ve sữa có thể chế biến được những món gì?”. “Nhiều món lắm: Xào lá chanh, xào xả ớt, chiên bột, nấu cháo, nướng... đều rất ngon. Nhất là những chú ve bắt trong những giây đầu tiên vừa lột xong, hoặc còn dính xác bên ngoài, ăn cực béo”, nói tới đây, Tuyên nuốt nước miếng đánh “ực”, tay xoa bụng, cười: “Cái bụng nghe nhắc đến ăn, nó đang phản đối”.

Dường như đã quá quen với thứ đặc sản này, vợ Tuyên đổ tất cả ấu trùng béo mập vào nước rửa sạch, nhặt bỏ cánh từng con, trần qua nước sôi một lần rồi rửa sạch lần nữa, đợi ráo nước. Khi chảo dầu sôi già, vợ Tuyên đổ tất cả ấu trùng vào rồi tay thoăn thoắt đảo đều. Ve sữa gặp dầu sôi thân căng phồng, trông rất ngon mắt. Không chỉ có vậy, mùi thơm, beo béo từ chảo ve cũng cực kỳ lôi cuốn. Sau khi thân ve đã trở nên vàng ươm, vợ Tuyên bỏ thêm ít gia vị: Muối, hạt nêm và ớt cay. Khi dọn ra đĩa, vợ Tuyên rắc lên một ít lá chanh cho dậy mùi.

Cả nhà quây quần bên đĩa “đặc sản” thơm phức, ai cũng ăn rất ngon miệng. Riêng tôi, cảm thấy rất thèm nhưng cũng thấy rờn rợn. Tôi kể câu chuyện 4 người ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị ngộ độc sau khi ăn ve sầu, Tuyên chậc lưỡi: “Người dân ở đây đã nhiều năm bắt ve sầu ăn, có thấy ai bị sao đâu?”.

Không kiềm chế được cám dỗ, tôi quyết định ăn thử. Đúng là ngon thật, cái vị béo ngầy ngậy của ve sữa, cay cay của ớt và thơm thơm của lá chanh hòa quyện vào nhau thật quyến rũ. Tuy nhiên, bụng tôi rấm rứt khó chịu. Cảm thấy lo lắng, tôi gọi điện cho chú ruột, là bác sĩ ở Bệnh viện 108 để hỏi. Vừa nghe kể, chú cho hay: “Bản thân ấu trùng ve sầu không có độc tố gây chết người, ngược lại có rất nhiều đạm. Nhưng trong quá trình sống lâu năm dưới đất, thường có một loài nấm cực độc kí sinh trên thân ve sầu. Nếu không may ăn phải những con bị nhiễm loại nấm này nhẹ thì bị dị ứng, như: Nổi mày đay, mẩn ngứa khắp người, nặng thì sốc phản vệ (khó thở, nôn mửa, co giật...), thậm chí tử vong. Loài nấm này dù có nấu chín cũng không hết độc tố”.

Theo lời chú, tình trạng của tôi là do ăn vào ban đêm, bụng lại yếu nên có thể gây đau bụng nhẹ. Bởi, ve sầu sữa có tính hàn. Nếu bị dị ứng thì lấy những con ve đã lột xác đem nướng thành tro, sau đó hòa với nước uống. Tuy nhiên, cũng phải đề phòng, nếu có dấu hiệu nôn ói thì phải đến bệnh viện ngay.

Bài và ảnh: Đại Nghĩa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]