(Baothanhhoa.vn) - “Bói ra ma, quét nhà ra rác” dẫu rất nhiều người hiểu được điều này nhưng không hiểu sao cứ vào dịp đầu xuân năm mới, không ít người dân rủ nhau đi xem bói, rút thẻ... đoán vận mệnh trong một năm. Nhập vai khách hàng xem bói, chúng tôi chứng kiến những cảnh “cười ra nước mắt” của mấy thầy bói hành nghề mê tín dị đoan, với các thủ thuật nhằm vào niềm tin mù quáng của người nhẹ dạ để “móc túi”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Độc chiêu lừa đảo của “thánh cô, thánh cậu”

“Bói ra ma, quét nhà ra rác” dẫu rất nhiều người hiểu được điều này nhưng không hiểu sao cứ vào dịp đầu xuân năm mới, không ít người dân rủ nhau đi xem bói, rút thẻ... đoán vận mệnh trong một năm. Nhập vai khách hàng xem bói, chúng tôi chứng kiến những cảnh “cười ra nước mắt” của mấy thầy bói hành nghề mê tín dị đoan, với các thủ thuật nhằm vào niềm tin mù quáng của người nhẹ dạ để “móc túi”.

Tôi đi xem bói...

Người “định hướng cuộc đời” cho chúng tôi trong năm mới là bà Hoàng Thị Sáu, thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), theo lời của nhiều người thì bà thuộc hàng “nói đâu trúng đó”. Phải mất hơn 1 tiếng đi xe máy từ TP Thanh Hóa, qua cầu Bút Sơn theo Quốc lộ 10 và được sự hướng dẫn của một người bạn địa phương, chúng tôi mới có mặt tại nhà của bà Sáu. Căn nhà 3 tầng lúc nào cũng có vài người ngồi chờ. Trên tầng 2, với giọng sang sảng bà phán về những vận hạn, những gì nên hay không nên làm của mỗi người trong năm Kỷ Hợi.

Sau gần 1 tiếng chờ đợi, chúng tôi cũng được “diện kiến” “thánh cô”. Trước bàn thờ nghi ngút khói nhang, bà Sáu xuất hiện với gương mặt hồng hào, trán rộng, mắt đeo đôi kính lão nhìn giống... nhà khoa học. Căn “phòng hậu cung” của bà khá sạch sẽ, gọn gàng, trên bàn thờ đặt 5 bát hương, hai lọ hoa và treo một bức tranh thờ gắn đèn led. Sau khi tôi để 50.000 đồng vào đĩa, bà Sáu hỏi tên tuổi tôi và chồng (tôi đi cùng chồng) rồi thắp hương, miệng lầm rầm khấn vái ít phút. Tiếp đó, bà để hai đồng xu vào đĩa rồi xóc đi xóc lại vài ba lần. Lúc mở ra, thấy hai đồng xu đều ngửa, bà không nói câu nào và xóc lại lần nữa. Lần thứ hai mở ra, thấy một đồng sấp, đồng ngửa, bà Sáu nói với vợ chồng tôi: “Mệnh của hai cháu đẹp lắm”. Bà hỏi tôi tuổi gì, tôi bảo “cháu tuổi khỉ”. Bà hỏi đứng “can” gì, tôi nói “can Nhâm”. Bà nói luôn: “Nhâm là vua, nhâm thân là vua của loài khỉ”. Tôi nói lại: “Cháu được tiếng là đứng can “Nhâm”, nhưng thực ra chẳng có tài cán gì, so với bạn bè thì thấp kém đủ đường”. Bà hỏi tiếp: “Thế cháu đang làm gì?” “Dạ, cháu ở nhà buôn bán”. “Đấy, tôi phán mấy khi sai đâu. Làm chủ là “hơn người” rồi. Cháu ngày xưa học tốt, nhưng con đường công danh sự nghiệp không thông dòng bén giọt là vì nhà có một “bà cô chết trẻ” mà không chịu thờ”. Nghe thế, tôi ngạc nhiên vì cô ruột tôi năm nay mới gần 40 tuổi, vẫn đang trẻ và sống rất khỏe mạnh. Tôi nói: “Gia đình cháu không có người cô nào chết trẻ đâu ạ”. Bà Sáu giọng gắt gỏng: “Sao mày cứ nói chen ngang thế: Đấy là tôi nói cái cô chết trẻ cách đây mấy đời rồi”. Chồng tôi liếc mắt ra điều nhắc nhở vợ “hạn chế nói” và tôi hiểu ý nên ngồi im lặng.

Rất nhanh chóng, bà Sáu chuyển chủ đề, hỏi: “Vợ chồng đã có con chưa?”. Tôi trả lời: “Vợ chồng cháu có một bé gái rồi” (thực tế, vợ chồng tôi mới cưới vẫn chưa có con). Bà Sáu nói tiếp: “Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng. Nhà cháu có phúc “to lắm” mới sinh được con gái đầu lòng đấy. Nhưng đứa thứ hai nhất định là con trai”. Rồi bà Sáu tiếp tục “thao thao bất tuyệt” nói rằng: Thời bé tôi đã từng bị ngã một đôi lần, lúc mới mua xe máy tôi cũng bị ngã sớt sát chân tay, trong quan hệ ứng xử cũng có khi chưa làm hài lòng ai đó, trong công việc có lúc cũng có sơ suất nhỏ, trong cuộc sống “có điều mình mong muốn” song chưa thành hiện thực... Tuy nhiên, vợ chồng tôi ăn ở với nhau rất hòa hợp, vì hai người đã có “duyên định mệnh từ kiếp trước”; hiện tại dù cuộc sống gia đình còn khó khăn về kinh tế, nhưng dần dần sẽ ổn định; tôi sẽ ngày càng “buôn may bán đắt” trong tương lai gần. Cuối cùng, bà “phán” một câu xanh rờn: “Các con muốn trong ấm ngoài êm, “buôn chín, bán mười” phải lập bàn thờ hương khói, bà sẽ đến cúng bái cho”.

Nói mãi, cuối cùng tôi cũng biết được đôi điều về “thánh cô” này: Bà Sáu năm nay 57 tuổi, sinh được 5 người con đều theo nghiệp biển, không biết chữ, sau một lần bị bệnh đi chữa trị ở bệnh viện không khỏi, bà về lập bàn thờ cúng bái và tự nhiên... khỏi bệnh. Bà khẳng định: “Tôi không biết chữ, nhưng tôi là “Đồng nổi” - giàu một bó, khó một nén”, chứ không phải là “Đồng học” - sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Nghĩa là, bà “nổi đồng” là do may mắn được ăn “Lộc Trời”, ai đến xem bói đưa bà bao nhiêu tiền làm lễ bà cũng “phán” cho đến nơi đến chốn, chứ không phải như những người “Nổi đồng biết chữ” là chỉ dựa vào “số tiền làm lễ” mới “phán xét”... nặng hay nhẹ.

Rời nhà bà Sáu, vợ chồng tôi đến nhà cô đồng Tuyết, cách đó chừng 3km. Cô Tuyết tuổi chỉ mới ngoài 30 nhưng khi lên đồng, dù những em gái nhỏ tuổi hay những quý cô đã quá nửa đời người vẫn xưng cô, gọi dạ. Trong bộ trang phục áo lam phật tử, cô Tuyết ngồi xếp chân trên ghế, niệm vài câu thần chú, xoa xoa bàn tay đỏ hoe rồi gọi từng người vào xem. Hầu hết những người đến gặp cô đều được cô xem chi tiết trong tháng, ngày nào sẽ gặp may mắn, ngày nào xui xẻo, không nên làm gì trong những ngày này. Rồi từ tháng sau cho đến hết năm, thầy sẽ coi tháng nào là tháng xui, tháng hên. Tuy nhiên, tất cả đều chung chung theo kiểu: Người mong công danh thì “năm nay công việc tốt, cẩn thận vạ miệng” hay “công việc tốt, chỉ có kiêng cữ với đồng nghiệp nữ... xuống đây cô làm cái lễ giải cho thì không sao cả”. Còn đa số những bạn nữ cầu duyên thì “cô có duyên âm. Phải cắt mới có chồng được”...

30 phút chờ đợi mới đến lượt vợ chồng tôi, vẫn đồng 50.000 đặt vào đĩa, cô Tuyết chỉ liếc mắt vào lọ cao sao vàng và cặp chân gà tôi mang đến rồi hỏi “muốn xem gì?”. “Xem công việc cô ạ”. “Tuổi gì?”. “Dạ Nhâm Thân. 1992”. Nghe xong, cô Tuyết liền phán: “Công việc tốt, chỉ đề phòng vạ miệng. Không sao. Để cô cho con cái lộc, cất vào ví”. “Còn muốn hỏi gì nữa không?” – cô Tuyết giục. Một số vấn đề về tình duyên, sức khỏe được nhanh chóng phán. Lộc mà cô Tuyết nói chỉ là một tờ giấy vàng mã, viết vài chữ đỏ, xếp lại làm 8 lần, cô Tuyết niệm vài câu “thần chú” nhưng người xem phải giữ cẩn thận, nguyên vẹn một năm. Như thế thì sẽ làm ăn khấm khá.

Tiết lộ mánh khóe trong nghề

Thực ra, trong gia đình tôi cũng có một người bác làm nghề đồng cốt. Chính vì thế, việc gọi hồn, nhập vong, bác nắm trong lòng bàn tay. Thấy tôi bày tỏ ý nguyện tìm hiểu về chuyện tâm linh, bác có vẻ lưỡng lự. “Bác bỏ nghề lâu rồi” - bác lắc đầu từ chối. Tôi phải nhờ mẹ nói giúp, cuối cùng bác cũng bằng lòng tiết lộ những bí quyết về nghề. Bác bảo ở Thanh Hóa có đền Sòng, đền Hàn; ở Nghệ An có đền thờ Ông Hoàng Mười.. là linh thiêng nhất. Thế nào khi có người nhà mất đi, các thầy, cô đều quy cho người ấy sẽ về các khu đền mà mọi người đều biết. Điều này có tác dụng “phủ đầu” lên tâm lý tín ngưỡng của những người còn sống rằng người thân của họ đã vượt qua được cõi âm để được đi theo hầu những bậc thần thánh. Chí ít người thân dưới âm cũng có chức tước, địa vị. Về sau, những người này chắc chắn sẽ có thể hỗ trợ con cháu trong nhà.

Bác bảo, những người “thầy” thường dự đoán được trong dòng họ mỗi người, từ ba đến năm đời chắc chắn cũng sẽ có một vài người chết trẻ. Đặc biệt nếu tính thời gian đời ông, đời cụ trước kia thì tỉ lệ chết trẻ thường cao hơn so với bây giờ do điều kiện sống khó khăn, bệnh tật. Thậm chí, những hài nhi chết trong bụng mẹ cũng có thể được tính là bà cô, ông cậu. Theo quan niệm của dân gian, những bà cô, ông cậu tuy trẻ tuổi nhưng lại có uy quyền có thể cất nhắc được mọi chuyện trong họ, bao gồm những người âm đi theo phù con cháu nào. Đặc biệt, những người làm “thầy, cô” thường khá tinh vi tới từng cử chỉ. Giả sử gọi hồn một ông vùng biển, “cô, cậu” thường phải lên giọng sao cho đúng với âm điệu, kể cả chỉ một âm tiết để định vị như “l” và “n”. Đàn ông vùng biển thì thường thích uống rượu, người già đứng ngồi cũng không được thẳng, ngay ngắn như người trẻ. Người nhà chỉ cần thấy những tín hiệu đặc trưng đó thì không tự phản ứng được. Những người mới bắt đầu làm nghề, thường khách ít nhưng càng về sau thì càng đông. Đến một lúc nào đó, khi khách đến đông sẽ tới giai đoạn các “cô”, “thầy” không còn kiểm soát được các thông tin của mình nữa. Họ lại “định hướng” dư luận như: “Thánh không cho ăn lộc nữa”.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phân tích: “Khi trò chuyện với thầy bói, cô đồng, mọi người thường mang tâm lý tò mò, có cảm giác muốn biết trước những gì xảy ra trong tương lai. Người tin thì tin đến cùng, người không tin thì cho rằng đó là mê tín dị đoan. Nếu như loại bỏ các trường hợp về tâm linh (khoa học cũng chưa giải thích hết được), sẽ nhận ra: Thầy bói phán gì cũng đúng! Sở dĩ có rất nhiều thầy bói “giỏi” như vậy là nhờ một thủ thuật tâm lý cực kỳ hay, đó là “đọc nguội” - cold reading. Đọc nguội là một chuỗi các thủ thuật tâm lý khác nhau, được áp dụng lên một hoặc nhiều đối tượng để họ tin rằng ta cực kỳ hiểu về họ (nhưng thực ra không phải như thế). Thông tin của đối tượng lại do chính đối tượng cung cấp mà họ không nhận ra. Chỉ dựa trên quan sát và lời nói, cử chỉ, “đọc nguội” có thể biết được rất nhiều thông tin từ đối tượng dù trước đó chưa từng gặp mặt. Đây cũng là lý do vì sao các nhà thôi miên và tâm lý học đều cực kỳ am hiểu thủ thuật này...”.

Cuộc đời của mỗi người phần nhỏ đã được định sẵn bởi số mệnh. Nhưng phần lớn là do quá trình lao động, sinh sống, làm việc của con người tạo nên. Chẳng có một thầy bói nào lại có thể tiên đoán được những cái ngẫu nhiên trong cuộc sống của con người. Có chăng, đó chỉ là những lời phán đã được định sẵn bởi những cuốn sách của các nhà nghiên cứu. Hoặc may mắn hơn, nhiều thầy bói “đoán bừa” nhưng lại “đánh trúng” vào tâm lý của một số đối tượng cả tin. Ma lực của sự u mê đã điều khiển khiến con người không thể làm chủ, kiểm soát được mình và hành động theo bản năng. Vì thế, đã có nhiều hậu quả nặng nề xảy ra khi tin vào bói toán.

Mặc dù các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng đã tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều nhưng một bộ phận người dân vẫn tin vào những lời thầy bói phán. Lực lượng công an, chính quyền địa phương đã thường xuyên vận động và thậm chí xử phạt những người làm nghề này nhưng vì lợi nhuận, kiếm tiền dễ dàng nên các đối tượng này vẫn lén lút hành nghề. “Nếu người ta chỉ cần bỏ ra 100.000 đến 200.000 đồng mà có người nói trước cho vận hạn, chỉ cho đường đi nước bước trong cuộc sống đã là điều vô lý không tưởng rồi. Do vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác trước các thủ thuật lừa gạt của các đối tượng hành nghề bói toán”, một vị lãnh đạo Công an tỉnh khuyến cáo.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài Và Ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]