(Baothanhhoa.vn) - Đã có không ít vụ hỏa hoạn xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về tài sản trên phạm vi cả nước. Thế nhưng, vẫn có không ít người dân và cả chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn còn xem nhẹ mối nguy này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đề phòng "bà hỏa"

Đã có không ít vụ hỏa hoạn xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về tài sản trên phạm vi cả nước. Thế nhưng, vẫn có không ít người dân và cả chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn còn xem nhẹ mối nguy này.

Đề phòng “bà hỏa”

Ảnh minh họa.

Hỏa hoạn vốn là tai nạn khó lường, gây hậu quả rất thảm khốc. Người xưa đã liệt nó vào “tam tai” (thủy - hỏa - đạo tặc), để nhắc nhở thảm họa và đề cao ý thức cảnh giác.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), trong tháng 5-2021, trên phạm vi cả nước tăng 52 vụ cháy và sự cố cháy, tăng 10 người chết so với tháng 4-2021. Tính chung trong 2 tháng, đã xảy ra 952 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 27 người, thiệt hại tài sản ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm hecta rừng. Có vụ cháy làm 8 người chết thương tâm, trong đó có cả người già, phụ nữ mang thai và con trẻ.

Tại Thanh Hóa, qua những vụ được thông tin, thì từ đầu năm đến trung tuần tháng 6 có tới 6 vụ cháy. Hỏa hoạn đã xảy ra ở nhà dân, ở chợ, trên tàu cá, thậm chí cả ở những nhà máy có đông công nhân...

Thế mới biết, “bà hỏa” có thể đến bất cứ lúc nào, ở đâu và không loại trừ một ai.

Vẫn biết, trước những vụ hỏa hoạn, đã có nhiều biện pháp đề phòng được chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng thực hiện. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy được đẩy mạnh. Nhiều lớp tập huấn thực địa về phòng cháy chữa cháy được mở tận khu dân cư, chợ, ở các nhà máy, xí nghiệp, trên tàu,... Ý thức phòng cháy, kỹ năng chữa cháy đã được nâng lên một bước không chỉ trong phạm vi nơi tập huấn.

Thế nhưng, những biện pháp hình như vẫn chưa đủ sức cải tạo tư duy coi thường tính mạng và của cải ở một bộ phận người dân, chủ doanh nghiệp. Thậm chí, có những chủ doanh nghiệp bị xử phạt vì vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, nhưng đã tái phạm không lâu sau đó. Và có không ít cơ quan, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy chỉ mang tính chiếu lệ, đối phó là chính.

Đó là những cách làm chạy theo lợi ích nhỏ trước mắt, coi thường tính mạng, tài sản của chính mình và những người xung quanh.

Thanh Hóa đã bước vào mùa nắng nóng gay gắt, là cơ hội cho “bà hỏa” tác oai, tác quái. Cùng với đó, việc sử dụng điện tăng, nhiều thiết bị điện hoạt động hết công suất cũng dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, chập cháy, làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ.

Còn rất nhiều nguyên nhân làm cho tình hình cháy nổ ngày càng phức tạp với thiệt hại lớn. Nhưng chỉ có một nguyên nhân chính đáng báo động, là ý thức chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ bị xem nhẹ, chủ quan, thậm chí là buông lỏng ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Và nhiều người dân vẫn lơ là, bất cẩn với “bà hỏa”.

Dân gian có câu “Phòng hỏa hơn cứu hỏa”. Làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ ban đầu thì chắc chắn sẽ kềm chân không để “bà hỏa” đến thăm, hoặc nếu có cũng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra. Và việc phòng hỏa hãy bắt đầu từ ý thức của mỗi người.

Nâng cao ý thức, tổ chức tốt phòng cháy chữa cháy chính là hành động thiết thực nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình, những người xung quanh và rộng hơn là góp phần bảo vệ thành quả của xã hội.

Đồng Thành


Đồng Thành

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]