(Baothanhhoa.vn) - Trang phục của phụ nữ dân tộc Mông được xem là một trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Việt Nam. Trong đó, trang phục của phụ nữ Mông trắng được đánh giá là đầu tư nhiều công sức nhất.

Đặc sắc trang phục phụ nữ dân tộc Mông

Trang phục của phụ nữ dân tộc Mông được xem là một trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Việt Nam. Trong đó, trang phục của phụ nữ Mông trắng được đánh giá là đầu tư nhiều công sức nhất.

Đặc sắc trang phục phụ nữ dân tộc MôngLâu Thị Thu trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông khi đi chợ phiên.

Lâu Thị Thu là người dân tộc Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Chỉ vài ngày nữa Thu sẽ bước sang tuổi 19. Ðể mừng sự kiện này, chú của Thu là anh Ly Ly Pó quyết định ngày 15 dương lịch sẽ cho cô đi chợ phiên Nhi Sơn, xã Nhi Sơn. Càng gần ngày xuống chợ, trái tim Thu càng đập mạnh hơn. Thu biết, ở dưới chợ có các bạn gái đang đợi mình và cũng có chàng trai mà cô muốn gặp.

Đúng ngày, Thu dậy từ lúc trời còn tối mịt, mặc bộ quần áo đẹp nhất mà cô đã tự làm suốt mấy tháng nay và dĩ nhiên không thể thiếu đồ trang sức gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn. Mỗi bước chân Thu đi, phần chân váy dập dìu như một bông hoa trong gió, kèm theo đó là tiếng lẻng xẻng vui tai của những món đồ trang sức bằng bạc va vào nhau.

Đặc sắc trang phục phụ nữ dân tộc MôngChị Thao Thị Dua, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Xuống chợ phiên diện đồ đẹp không phải chỉ vì muốn mình đẹp mà còn là cách để các cô gái “khoe” sự khéo tay của mình với các chàng trai cũng như chị em. Bộ trang phục càng cầu kỳ, càng có nhiều hoa văn hay chi tiết lạ mắt có nghĩa là cô gái đó tương lai sẽ là một người vợ tốt, biết chăm lo, vun vén cho gia đình.

Đặc sắc trang phục phụ nữ dân tộc MôngCác cô gái dân tộc Mông đều được các bà, các mẹ dạy dệt vải, thêu thùa, may vá từ nhỏ.

Trước kia phụ nữ Mông trắng thường dùng vải lanh tự tay dệt để làm những bộ váy áo cho mình và chồng con vì vải lanh có độ bền cao, mặc mùa hè mát, mùa đông thì giữ được ấm. Nay có vải công nghiệp, chị em không mất nhiều thời gian dệt vải. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều bộ trang phục áo váy của chị em với các mặt hàng vải màu cắt may sẵn rất đẹp bày bán, nhưng chất lượng, độ bền không thể bằng cách may truyền thống. Vì thế, nhiều chị em vẫn muốn tự tay lựa chọn và may cho mình bộ trang phục ưng ý.

Đặc sắc trang phục phụ nữ dân tộc MôngNhóm các chị em phụ nữ ở xã Pù Nhi thêu thùa để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

“Với đồng bào dân tộc Mông chúng tôi, người phụ nữ giỏi may vá, thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Trước khi đi làm dâu, cô gái Mông được mẹ đẻ tặng 1 - 2 bộ váy áo như của hồi môn. Bởi vậy, váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ, cũng vì thế đối với thiếu nữ, việc học thêu thùa là một bổn phận như phải lo cái mặc cho gia đình. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, phụ nữ Mông vẫn tiếp tục thêu in nhiều mẫu hoa văn, lo cho chồng con mặc đẹp”, chị Thao Thị Dua, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi chia sẻ.

Đặc sắc trang phục phụ nữ dân tộc MôngCô gái ít tuổi nhưng kĩ thuật thêu rất tốt vì được dạy từ nhỏ.

Điểm nhấn nổi bật nhất của bộ trang phục phụ nữ Mông trắng là chiếc dây lưng với họa tiết rực rỡ. Chị Dua chia sẻ: “Người Mông sống dựa vào thiên nhiên là chủ yếu nên các hoa văn trên trang phục đều mô phỏng cảnh sắc thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động. Mỗi hoa văn lại chứa đựng một ý nghĩa khác nhau, nhưng chung quy lại đều thể hiện mong muốn về cuộc sống bình yên, ước vọng về gia đình hạnh phúc và mùa màng bội thu”.

Đặc sắc trang phục phụ nữ dân tộc MôngCác bé gái dân tộc Mông trong trang phục truyền thống.

Áo của phụ nữ Mông trắng được thiết kế cầu kỳ với màu sắc sặc sỡ, nổi bật gam màu xanh nước biển hoặc xanh cốm và đính các hạt cườm óng ánh. Áo thường hở cổ khá rộng và được cài lại bằng một nút duy nhất thấp ở tầm bụng, tạo thành hình chữ V, viền cổ áo thì được thêu hoặc ghép vải khác màu nên người phụ nữ Mông thường mặc thêm áo trắng bên trong. Sau vai gáy còn có một cái yếm cũng được thêu rất cầu kỳ với những hoa văn có màu sắc rực rỡ. Vào các dịp đặc biệt như cưới hỏi, lễ, tết, phụ nữ Mông trắng sẽ mặc váy lanh màu trắng. Điểm đặc biệt của chiếc váy là có hình nón cụt, phần eo hông bó sát, phần thân váy xòe rộng do kỹ thuật xếp nếp sóng váy độc đáo, thân váy được trang trí bằng hoa văn vẽ từ sáp ong, ghép vải màu với những họa tiết bậc thang, đan chéo...

“Một bộ trang phục của đồng bào dân tộc Mông khá đắt tiền, dao động từ 1 đến 2 triệu đồng. So với các mặt hàng khác, việc buôn bán trang phục của đồng bào dân tộc Mông cho thu nhập cao hơn. Chưa kể, sản phẩm làm xong sẽ có người đến tận nhà lấy hàng, vì vậy cũng tiện lợi cho phụ nữ trong bản tham gia. Nếu có hướng phát triển phù hợp, nhiều hộ trong xã sẽ có kinh tế ổn định từ việc buôn bán mặt hàng này", ông Lâu Văn Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Pù Nhi cho biết.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]