(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khi hàng ngày phải tiếp xúc với đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều căn bệnh xã hội nguy hiểm, như: AIDS, lao phổi, bệnh mãn tính (viêm gan B, đái tháo đường...). Song với bản lĩnh, ý chí kiên định và tinh thần “lương y như từ mẫu”, những y, bác sĩ của Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 đã vượt qua khó khăn, giúp học viên có sức khỏe, nghị lực vươn lên, vượt qua nỗi sợ hãi, mang đến cơ hội làm lại cuộc đời cho những người cai nghiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công việc thầm lặng của các bác sĩ trong cơ sở cai nghiện

Không chỉ làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khi hàng ngày phải tiếp xúc với đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều căn bệnh xã hội nguy hiểm, như: AIDS, lao phổi, bệnh mãn tính (viêm gan B, đái tháo đường...). Song với bản lĩnh, ý chí kiên định và tinh thần “lương y như từ mẫu”, những y, bác sĩ của Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 đã vượt qua khó khăn, giúp học viên có sức khỏe, nghị lực vươn lên, vượt qua nỗi sợ hãi, mang đến cơ hội làm lại cuộc đời cho những người cai nghiện.

Công việc thầm lặng của các bác sĩ trong cơ sở cai nghiện

Các học viên tại cơ sở được khám bệnh định kỳ.

Cuộc chiến với cám dỗ

Chúng tôi đến Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1, thôn Kim Sơn, xã Hoàng Giang (Nông Cống), vào một ngày đầu thu. Nép mình sau những bức tường kiên cố, các học viên cai nghiện ma túy vẫn từng ngày đấu tranh với bản thân để thoát khỏi sự hành hạ của cơn nghiện và cố gắng học nghề để sau này có thể trở thành người có ích cho xã hội. Đang dạo bước cùng anh Hoàng Duy Xuyên, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1, tôi giật mình bởi tiếng đập cửa và la hét của một học viên. Từ trong phòng trực, bác sĩ Trần Văn Đức chạy vội qua hỗ trợ các y sĩ khác. Theo bác sĩ Đức, bệnh nhân này mới được đưa vào cơ sở điều trị vài ngày và đang vật vã trong cơn nghiện nên rất hung hăng, sẵn sàng tấn công bất cứ ai đến gần. Sau một hồi vất vả, bác sĩ Đức và nhân viên y tế ở đây mới đưa bệnh nhân về giường bệnh để tiêm thuốc. Xử trí cho bệnh nhân xong, bác sĩ Đức ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn tươi cười chia sẻ: “Đây là công việc thường ngày, mọi người ở đây quen rồi. Nhiều học viên trong cơn vật vã còn đuổi đánh cả bác sĩ và nhân viên y tế nên khi làm việc phải luôn nhẹ nhàng, hướng dẫn cặn kẽ và phải luôn động viên tinh thần bệnh nhân”.

Theo lời bác sĩ Đức, nhiều học viên khi vào cơ sở không nhận được sự quan tâm của gia đình hoặc bị gia đình bắt đi cai nghiện... nên thường rất bức xúc về tâm lý, thậm chí là có tư tưởng bỏ trốn, tự hủy hoại bản thân hoặc có các hành vi tiêu cực khác. Những y, bác sĩ sẽ là người đầu tiên tiếp xúc kiểm tra sức khỏe, phân loại đối tượng, xác định bệnh lý... để có hướng điều trị cho mỗi học viên. Rồi cũng chính những thầy thuốc từ từ tư vấn, cảm hóa, giúp học viên qua “cơn đau” của quá trình cắt cơn và tiếp tục theo dõi sức khỏe của họ suốt quá trình ở cơ sở. “Cắt cơn nghiện là giai đoạn khó khăn nhất đối với học viên về cả thể xác lẫn tinh thần. Trước đây, họ quen sống tự do, giờ phải ở trong phòng khiến họ vốn đã bứt rứt vì thiếu thuốc, đôi khi khiến các học viên trở nên hung hãn, ảo tưởng. Họ dùng tất cả những thứ trong tầm tay mình để tấn công y, bác sĩ chăm sóc. Với một học viên có độ tuổi trung bình từ 20 - 30, sức khỏe bình thường, tay chân lành lặn thì phải có 3 - 4 cán bộ cùng nhân viên y tế mới giữ chặt được tay chân khi họ lên cơn thèm thuốc”, bác sĩ Đức nói và tiết lộ thêm rằng, chỉ sau 7 - 10 ngày tỉnh táo lại, họ lại hối hận, tìm gặp bác sĩ để nói lời xin lỗi. Bởi thế mà anh luôn tin bản tính lương thiện vẫn còn tồn tại trong mỗi con người, chỉ là nhất thời họ bị “nàng tiên nâu” chi phối mà thôi.

Điều khó nhất hiện nay khi chữa bệnh cho người nghiện chính là việc một người có thể sử dụng nhiều loại ma túy từ heroin, ma túy tổng hợp, cỏ Mỹ, bóng cười thậm chí là những chất ma túy tự chế rất độc hại như keo “con chó”... Việc điều trị vì thế mà phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. “Trước khi chữa bệnh, chúng tôi thường phải kiểm tra rất kỹ người bệnh sử dụng những loại ma túy nào để có phác đồ điều trị phù hợp. Có nhiều học viên thường nói dối, đòi hỏi chúng tôi phải thật gần gũi, tâm sự họ mới nói thật, nếu không điều trị sẽ không hiệu quả”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Chỉ cho chúng tôi xem một học viên đang ngồi trên giường với những biểu hiện khá ngáo ngơ, chân không ngừng giơ lên, đạp xuống một cách vô thức, anh Đức bảo: “Khi mới vào, học viên có biểu hiện ngáo, ảo tưởng thì dễ gây nguy hiểm cho người khác. Khi điều trị cắt cơn tạm ổn định, họ có thể nhận biết thì lại phát sinh tâm lý chán chường. Không ít học viên lúc này sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết. Do đó, chỉ cần cán bộ trực lơ là thì không biết hậu quả sẽ như thế nào?”.

Ngoài công tác chuyên môn thì các y, bác sĩ nơi đây còn cần phải đồng cảm, chia sẻ với học viên, bởi chữa bệnh cho học viên cai nghiện là chữa bệnh ở tâm. “Đối mặt với khó khăn, tôi vẫn tự nhủ làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện không chỉ đơn thuần là khám bệnh, kê thuốc mà phải quan tâm cả về môi trường sinh hoạt, ăn uống, vật chất, tinh thần, động viên, giải thích những vấn đề họ chưa hiểu. Có sự quan tâm toàn diện như vậy, họ mới mau hồi phục. Bên cạnh đó là tinh thần trách nhiệm của người bác sĩ đối với bệnh nhân, chúng tôi xem họ như người thân của mình”, bác sĩ Đức nói.

Vững vàng trên trận tuyến thầm lặng

Ngồi chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời, đối với bác sĩ Đức việc anh gắn bó với người nghiện như một cái duyên. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, ngành y sĩ đa khoa, anh được tuyển dụng vào làm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát. Năm 2004, anh xin về Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1. Thời gian đầu, chàng y sĩ trẻ Trần Văn Đức khá bỡ ngỡ trước môi trường mới với những bóng dáng vật vờ của học viên cai nghiện ma túy “kiêm” bệnh nhân do bị suy kiệt, thiếu thốn thuốc men... Thời gian trôi qua, thấu hiểu nơi mình đang công tác như một thế giới khác so với các bệnh viện, cơ sở y tế thông thường. Không ít lần ý nghĩ ra đi vừa lóe lên thì anh lại phải chứng kiến bao cái chết lẻ loi của những người có HIV. “Môi trường này mới quen thì sợ nhưng lâu rồi thấy nặng lòng lắm” – nghĩ đơn giản như thế nên anh cứ gắn bó với người nghiện như cái nghiệp. Năm 2012, anh Đức được cơ quan cử đi học chuyên tu ở Đại học Y dược Hải Phòng, ngành bác sĩ đa khoa và năm 2016 tốt nghiệp, chính thức “lên chức” bác sĩ. “Lên chức” đồng nghĩa với việc gánh trên vai trọng trách lớn hơn, 5/7 ngày túc trực ở cơ sở, thời gian ở cơ quan nhiều hơn ở nhà khiến quỹ thời gian anh Đức dành cho gia đình bị hạn chế. Con cái còn nhỏ nhưng anh Đức may mắn có một người vợ hiền thảo, hiểu, cảm thông, chia sẻ với những vất vả của anh. Anh luôn thầm cảm ơn người vợ đã thay chồng chăm sóc và nuôi dạy con cái, trở thành bước đệm giúp anh an tâm lao động, công tác.

Những ngày thường, thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái của các y, bác sĩ Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 đã ít, vào dịp lễ, tết lại càng hiếm hoi hơn. Bởi đặc thù của Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 là càng vào dịp lễ, tết công việc của đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ y tế nói riêng càng căng thẳng, vất vả gấp nhiều lần so với ngày thường. Mặt khác, học viên khi ấy hay có tâm lý dễ nổi loạn, gây mất trật tự, dễ dẫn đến xô xát, gây thương tích cho nhau. Vì thế, bên cạnh tăng cường lực lượng xuống từng phòng theo dõi tình hình, thì các y, bác sĩ cũng sẵn sàng dụng cụ y tế và cơ số thuốc ứng cứu khi cần thiết.

Khi được hỏi về thành tích của bản thân nói riêng và thành tích của tập thể cán bộ y tế Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 nói chung, bác sĩ Đức chỉ mỉm cười cho rằng bản thân không có thành tích gì đặc biệt. Mà thành tích lớn nhất với anh là hơn 90% quân số học viên luôn khỏe mạnh, đủ điều kiện sức khỏe để học tập, lao động. Dù chỉ 13 cán bộ y tế song phải làm nhiệm vụ thăm khám, sơ cứu, băng bó, thậm chí bón thuốc... cho gần 600 học viên và cán bộ nhưng từ đầu năm đến nay, cơ sở không có hiện tượng học viên nào bị tai biến hay tử vong. Có thể nói đó vừa là nghĩa vụ, vừa là tâm nguyện của người bác sĩ của trung tâm cai nghiện, mà phải có lòng yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết với công việc thì mới có thể làm được.

Dù bao khó khăn, áp lực và muôn vàn hiểm nguy nhưng chưa lúc nào các y, bác sĩ Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 nản lòng, chùn bước. Họ vẫn luôn vững vàng trên trận tuyến thầm lặng của người thầy thuốc trong môi trường đặc thù. Các y, bác sĩ nơi đây đang lặng lẽ viết lên bài ca đẹp về tình người, cách đối xử nhân văn với những người nghiện ma túy đang từng ngày chiến đấu với cơn nghiện; giúp đỡ họ sửa mình, khỏe mạnh trở về đoàn tụ với gia đình, người thân, hòa nhập với cộng đồng, xã hội...

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài Và Ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]