(Baothanhhoa.vn) - Chập choạng tối, dọc Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa, nhìn dãy hàng quán hai bên đường đông nghịt người ra vào, lòng tôi chợt trùng xuống với những xúc cảm hỗn độn. Chẳng biết nên vui trước cảnh hưởng thụ hay phải buồn vì một nỗi lo bia, rượu lên ngôi. Bên trong, tiếng hò dô, tiếng leng keng của cốc, chén chạm nhau vang vọng cả góc phố. Người nói, kẻ cười, khua tay, múa chân loạn xị. Tôi tự ngẫm trong hàng trăm, hàng nghìn con người đang ngồi trong kia, bao nhiêu đã có vợ, bao nhiêu đã có con, bao nhiêu còn độc thân trong vòng tay che chở của cha mẹ... Và trong số họ, mấy người nâng cốc bia, ly rượu lên mà nghĩ được ở nhà người mẹ, người vợ, người con của mình đang mòn mỏi, ngóng trông. Mấy người trong hơi men chếnh choáng của bia, rượu mà vẫn tự dằn lòng mình phải uống có trách nhiệm. “Trách nhiệm” với chính bản thân, với gia đình và với xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chúc rượu - nét văn hóa đẹp đang dần bị biến tướng

Chập choạng tối, dọc Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa, nhìn dãy hàng quán hai bên đường đông nghịt người ra vào, lòng tôi chợt trùng xuống với những xúc cảm hỗn độn. Chẳng biết nên vui trước cảnh hưởng thụ hay phải buồn vì một nỗi lo bia, rượu lên ngôi. Bên trong, tiếng hò dô, tiếng leng keng của cốc, chén chạm nhau vang vọng cả góc phố. Người nói, kẻ cười, khua tay, múa chân loạn xị. Tôi tự ngẫm trong hàng trăm, hàng nghìn con người đang ngồi trong kia, bao nhiêu đã có vợ, bao nhiêu đã có con, bao nhiêu còn độc thân trong vòng tay che chở của cha mẹ... Và trong số họ, mấy người nâng cốc bia, ly rượu lên mà nghĩ được ở nhà người mẹ, người vợ, người con của mình đang mòn mỏi, ngóng trông. Mấy người trong hơi men chếnh choáng của bia, rượu mà vẫn tự dằn lòng mình phải uống có trách nhiệm. “Trách nhiệm” với chính bản thân, với gia đình và với xã hội.

Chúc rượu - nét văn hóa đẹp đang dần bị biến tướng

Ảnh minh họa.

Tôi chẳng biết rượu có từ bao giờ và cũng chả rõ tự bao giờ rượu đã trở thành chất xúc tác cho mọi cuộc vui, buồn: Tiệc tùng, ma chay, cưới hỏi... Thậm chí không vui, không buồn họ cũng đến tìm rượu để lắc lư. Rõ ràng, nếu nhìn nhận một cách đa chiều, sâu rộng, uống rượu cũng được xem là nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Chẳng thế mà dân gian có câu: “Đán nhật thanh tâm trà ngũ trản, ngọ thời thích chí tửu tam bôi”, nghĩa là buổi sáng uống năm chén trà thấy lòng thanh thản, buổi trưa uống ba chén rượu thấy thích chí. Theo khoa học thì uống một lượng rượu vừa phải sẽ có tác dụng kích thích tiêu hóa; rượu được ngâm với các loại dược phẩm còn có tác dụng chữa bệnh, bồi bổ cơ thể. Nhưng điều gì cũng có hai mặt, việc sử dụng đúng cách thì uống và chúc rượu là một ứng xử văn hóa, nhưng lạm dụng thì nó trở thành tai hại. Thực tiễn trong xã hội hiện nay, uống bia, rượu đã, đang dần bị biến tướng, trở thành thói quen xấu trong xã hội.

“Không uống với anh là chú không coi anh ra gì”, “Không cạn hết ly là chú không nể anh”, “Cả bàn uống, mỗi ông không uống mất hết cả vui”, “Cứ hết mình đi, say thì tôi đưa về”, “Đàn ông mà uống nước ngọt thì khác gì đàn bà”, “Chỉ có những thằng sợ vợ mới không dám uống”... - chắc hẳn, dân nhậu chẳng ai còn xa lạ với mấy câu kiểu này! Hình như nó còn lịch sự chán so với nhiều câu thô thiển, tục tĩu khác mà dân nhậu thường thách nhau trong mâm rượu. Bị khích vài câu, động đến cái tôi to như ông trời, hầu hết các anh đều mặt mũi phừng phừng, giơ cao chén rượu tuyên bố “Uốngggg! bố tuyệt đối không để thằng nào coi thường”. Và thế là uống đến khi say. Say tới mức hôm sau vẫn chưa hiểu mình đã cầm lái đâm chết người thế nào. Là đảng viên, công dân gương mẫu, người đàn ông thành đạt; người chồng, người cha tốt. Vì dăm ba chén rượu mà đánh mất mình, thậm chí vào vòng lao lý, danh dự không sao lấy lại được.

Rượu, bia đã trở thành “thủ phạm” gây nên hàng loạt những sự việc đáng tiếc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người mà rộng hơn nữa là ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hồ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, năm 2018 bệnh viện đã tiếp nhận 618 bệnh nhân nhập viện với triệu chứng loạn thần do rượu kèm theo các bệnh lý có liên quan do rượu gây ra, như: Xơ gan, dạ dày, máu mỡ, viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm tụy, tăng huyết áp, đái tháo đường, gây độc cho máu...; tính riêng 4 tháng đầu năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận 219 bệnh nhân nhập viện do rượu. Đa phần bệnh nhân khi nhập viện đều ở trong tình trạng bệnh nặng, nên quá trình điều trị phải kéo dài và khó khăn.

Thế nhưng, dường như những con số, những lời cảnh báo đó chỉ giống như “nước đổ lá khoai”, bởi hiện nay tại các nhà hàng, quán ăn, các bữa liên hoan gia đình, ở bất kỳ thời điểm nào con người đều có thể uống bia, rượu hay các chất có cồn khác.

Việt Nam là một trong các nước có mức độ tiêu thụ uống bia, rượu cao nhất thế giới. Mặc dù người Việt rất thích uống rượu, bia nhưng lại cẩu thả, tùy tiện trong văn hóa bia, rượu, họ uống không có giờ có giấc, uống không đúng cách, uống không biết kiềm chế. Bên cạnh đó, bia, rượu đang ngày càng tác động xấu đến một lực lượng những người lao động trẻ. Các bạn trẻ hiện nay đang có xu hướng tiến hành tất cả các cuộc giao dịch, đối thoại, làm ăn thông qua tiệc rượu. Họ lấy bia, rượu là một phương thức để duy trì các cuộc đối thoại. Và đó là một cảnh báo vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ ảnh hưởng về mặt sức khỏe mà còn dẫn đến rối loạn nhân cách con người. Ngoài ra, sinh mạng của con người còn dễ bị tước đoạt bởi thú vui của bia, rượu, do một số loại bia, rượu không đảm bảo chất lượng, chứa nhiều methanol.

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tài xế vi phạm nồng độ cồn. Tại TP Hà Nội, đêm 22-4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên, 49 tuổi, sau khi uống nhiều cốc bia đã lái xe ô tô 7 chỗ tông vào chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng. Tài xế Tuyên sau đó tiếp tục đâm vào một xe máy và chiếc Mercedes. Vụ tai nạn khiến chị Hà tử vong tại chỗ, người đi xe máy bị thương. Tài xế bỏ chạy về đường Láng Hạ được vài km thì người dân chặn lại. Nhà chức trách cho biết nồng độ cồn trong khí thở của tài xế Tuyên ở mức 1,041 mg/lít khí thở, cao gấp gần ba lần mức phạt cao nhất (0,4 mg/lít) theo quy định của pháp luật. Với hành vi lái xe trong người có nồng độ cồn, gây hậu quả nghiêm trọng, Công an Quận Đống Đa đã ra quyết định tạm giữ tài xế Tuyên để điều tra. Trước đó, trưa 11-4, tại tỉnh Bình Định, khoảng 10 người trong Đội dịch vụ tang lễ Văn Thứ ngồi chờ khiêng hòm đám tang ở đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn thì bị xe Lexus 7 chỗ do tài xế Nguyễn Đức Huyện, 60 tuổi lao thẳng vào khiến 4 người chết và 6 người bị thương. Chiếc xe gây tai nạn chạy đi khoảng 100m mới dừng lại. Kết quả, đo nồng độ cồn với tài xế Huyện sau khi gây tai nạn là 0,315 mg/lít khí thở. Trong khi đó theo quy định của pháp luật, người lái ôtô bị cấm uống rượu bia. 8 ngày sau khi xảy ra tai nạn, tài xế Huyện bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015.

Theo số liệu mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I-2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu, bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ). Cũng trong quý I, cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó có 814 tài xế ôtô.

Trung bình mỗi ngày, có 23 người Việt ra đường rồi mãi mãi không trở về. Cũng có nghĩa là hàng trăm người ở lại đau buồn day dứt khôn nguôi. 40% tai nạn chết người vì bia, rượu, nghĩa là mỗi ngày có xấp xỉ 10 người chết hoặc bị giết bởi rượu, bia. Tai nạn giao thông, là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho bao gia đình. Những cái chết đớn đau, oan trái. Những cái chết không báo trước. Chết cay đắng dọc đường mưu sinh tìm nguồn sống...

Nhìn lại những con số bệnh nhân phải nhập viện do bia, rượu, số nạn nhân chẳng may gặp tai nạn giao thông cũng vì bia, rượu. Tôi thật sự giật mình nghĩ về một thời ăn nhậu bạt mạng. Tôi tin, làm một người đàn ông, ai cũng từng có lúc về nhà mà say tới mức không biết về bằng cách nào. Chúng ta sĩ diện hão, ép nhau từng ly bia, cốc rượu để phô trương bản lĩnh. Không hề nghĩ rằng thứ bản lĩnh anh hùng rơm đó có thể đánh đổi cả cuộc đời của chúng ta. Có thể kèm thêm một hoặc nhiều cuộc đời khác. Họ cũng thiện lương như chúng ta, cũng có ai đó đang đợi ở nhà. Chúng ta làm đàn ông, có thể tranh nhau trả tiền cuộc nhậu vài triệu đồng nhưng lại không màng đến việc chi vài trăm nghìn tiền taxi hoặc vài chục nghìn tiền xe ôm để về nhà. Sĩ diện hão huyền ấy chính là mầm tai hoạ. Bia, rượu uống là để vui, để thân tình chứ nào phải để hơn thua. Phía sau tay lái là nhân mạng. Cuộc nhậu thì có rất nhiều nhưng cuộc đời chỉ một. Đừng ép nhau uống đến bã người. Đừng lái xe khi trong người có bia, rượu. Uống bớt lại một chút, để nhiều người cùng được về nhà. Hãy uống như người có trách nhiệm.

Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]