(Baothanhhoa.vn) - Hầu như không cần phải qua “trường lớp”, đầu tư trang thiết bị không quá nhiều và dễ kiếm tiền chính là những yếu tố đem đến sự hấp dẫn của nghề chụp ảnh của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh sự sôi động, là cả một cuộc cạnh tranh mưu sinh của các thợ ảnh trẻ ở Thanh Hóa hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu chuyện “mưu sinh” của những thợ ảnh trẻ

Hầu như không cần phải qua “trường lớp”, đầu tư trang thiết bị không quá nhiều và dễ kiếm tiền chính là những yếu tố đem đến sự hấp dẫn của nghề chụp ảnh của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh sự sôi động, là cả một cuộc cạnh tranh mưu sinh của các thợ ảnh trẻ ở Thanh Hóa hiện nay.

Câu chuyện “mưu sinh” của những thợ ảnh trẻ

Ngày càng có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với nghề chụp ảnh.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, ngày nay nhu cầu chụp ảnh đẹp, ảnh nghệ thuật đã trở nên khá phổ biến. Điều này hoàn toàn được khẳng định bằng việc ngày càng có nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau “đổ xô” đi chụp ảnh, chọn những địa điểm đẹp để chụp ảnh như: hội chợ hoa, nơi bán các loại cây cảnh, hoa dịp Tết Nguyên đán, tại các đầm, hồ sen vào dịp hè; vườn hoa cải vàng vào mùa đông; hay với những cây phượng cháy rực mùa hè và những vườn hoa đẹp được tạo ra để phục vụ nhu cầu chụp ảnh; một số danh lam, thắng cảnh, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh... Để thỏa mãn đam mê chụp ảnh, thay vì tìm đến những nhà ảnh, studio lớn, những người có nhu cầu thường tìm đến những thợ ảnh trẻ.

Đón đầu xu thế trên, hàng trăm “thợ ảnh trẻ” đã ra đời và hoạt động khá sôi nổi. Gọi là “thợ ảnh trẻ” là bởi những người này tìm đến với nghề khá sớm và cũng không cần phải trải qua “trường lớp” chính quy nào. Nhiều thanh niên chỉ mới tốt nghiệp THPT, thậm chí vẫn đang còn là học sinh nhưng đã sớm khởi nghiệp bằng nghề chụp ảnh. Xuất phát từ đam mê, bằng những mối quan hệ, những thanh niên này đã tìm đến các bậc đàn anh đi trước và có nhiều kinh nghiệm trong nghề để “tầm sư học đạo”. Bằng cách truyền nghề chủ yếu là thực hành, bao gồm cách sử dụng máy ảnh, thiết bị, dụng cụ kèm theo (ống kính, chân máy, đèn flash...); kỹ thuật chụp ảnh chân dung, phong cảnh, sự kiện; cách hậu kỳ, chỉnh sửa ảnh bằng các phần mềm... Những thợ ảnh trẻ không chỉ nhanh chóng tiếp cận với nghề, mà đã bắt tay vào nghề luôn.

Theo tìm hiểu, vốn khởi nghiệp của các thợ ảnh trẻ cũng không cần phải quá lớn, tùy thuộc vào điều kiện của từng người. Với những người điều kiện kinh phí eo hẹp thì đầu tư một bộ máy ảnh, thiết bị, dụng cụ ở mức tối thiểu từ 20 đến 30 triệu đồng là hoàn toàn có thể hành nghề được. Việc mua sắm máy ảnh, thiết bị thường có 2 khuynh hướng là mua sắm máy mới và máy cũ. Tuy nhiên, phương án mua lại các máy ảnh cũ còn sử dụng tốt là phương án mà nhiều thợ ảnh trẻ đã chọn. Phần lớn các máy ảnh cũ đều là của những thợ ảnh đã có kinh nghiệm, thời gian hành nghề lâu năm, có nhu cầu đổi, lên đời máy. Cách thức đầu tư ban đầu nói trên được xem là khá hiệu quả, phù hợp với điều kiện của các thợ ảnh trẻ bởi họ vừa phải trau dồi thường xuyên chuyên môn, kinh nghiệm chụp ảnh, làm ảnh, lại vừa phải mưu sinh, tích lũy để đầu tư “lên đời”, mua sắm những bộ máy ảnh mới cao cấp hơn. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ thông tin cũng giúp các thợ ảnh trẻ tiếp cận nhanh và bắt tay làm nghề, mưu sinh sau một thời gian ngắn “cắp tráp” đi theo các bậc đàn anh, tiền bối.

Xu thế chụp ảnh theo mùa chính là điều kiện để các thợ ảnh trẻ được làm nghề khá sôi động. Những năm gần đây, cũng như tại các thành phố lớn khác, phong trào chụp ảnh của người dân đã phát triển khá sôi động cho dù trong tay mỗi người đều có smart phone. Nhu cầu làm đẹp, lưu giữ những khoảnh khắc, hình ảnh đẹp bên cây đào, cây quất, những khuôn viên, vườn hoa đẹp vào dịp Tết Nguyên đán; những đầm sen, gốc phượng mùa hạ... đã trở thành xu thế. Thay vì rửa từng tấm ảnh như trước kia, các thợ ảnh trẻ hiện nay chủ yếu là chụp ảnh – trả file. Điều này có nghĩa là các thợ ảnh sau khi chụp ảnh xong, tiếp tục chỉnh sửa bằng phần mềm theo yêu cầu của khách, sau khi hoàn chỉnh sẽ gửi các file ảnh. Khách hàng sau khi nhận được ảnh có thể sử dụng để đăng lên mạng xã hội (facebook) hoặc phóng to, rửa ảnh để treo... Theo tìm hiểu, kinh phí cho mỗi show chụp ảnh cá nhân nói trên mà các thợ ảnh trẻ thu được là từ 500.000 đồng trở lên. Mức giá có thể cao hơn tùy thuộc vào yêu cầu, tính công phu của mỗi show chụp ảnh. Nếu có thêm phần “dã ngoại” đi xa tới các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, số lượng ảnh lớn, show chụp ảnh này có thể lên đến vài triệu đồng. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao tay nghề, các thợ ảnh trẻ còn phải đáp ứng nhu cầu trang điểm, thuê trang phục trước khi chụp ảnh cho khách. Vì vậy, đã hình thành nên các ê kíp chụp ảnh, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân hiện nay. Ê kíp hay thợ ảnh nào có uy tín, chụp ảnh đẹp sẽ được khách hàng yêu mến, thường xuyên đặt hàng chụp ảnh. Thu nhập của các thợ ảnh trẻ này không chỉ ổn định, mà còn được nâng cao hơn nhờ việc đều.

Một xu thế làm ăn mới của các thợ ảnh trẻ hiện nay đó là chụp ảnh sự kiện, kỷ yếu. Trong đó, chụp kỷ yếu được xem là mối làm ăn “béo bở” đối với các thợ ảnh trẻ. Không chỉ chụp kỷ yếu cho học sinh, các thợ ảnh trẻ còn chụp ảnh cho các sự kiện họp lớp, họp khóa, kỷ niệm trường... Các thợ ảnh trẻ còn đảm nhiệm luôn việc thuê xe, chọn địa điểm đẹp để chụp ảnh. Kết thúc show, các thợ ảnh xử lý, chỉnh sửa, hậu kỳ ảnh và gửi cho khách... Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hàng trăm thợ ảnh trẻ hoạt động, làm nghề khá sôi động. Thợ ảnh trẻ dù mới vào nghề nhưng trong khoảng thời gian ngắn phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ thuật chụp ảnh; tự mua sắm máy ảnh, thiết bị, dụng cụ. Trong điều kiện có “nhiều đất diễn” như hiện nay, thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi thợ ảnh trẻ đều đạt mức từ 10 triệu đồng trở lên. Các thợ ảnh đã tạo được tiếng tăm, có mối quan hệ xã hội tốt có thể đạt mức thu nhập cao hơn, 20 - 30 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, cuộc cạnh tranh giữa các thợ ảnh cũng ngày càng trở nên khốc liệt hơn và được ví như là một cuộc đua thực sự. Muốn có những bức ảnh đẹp, làm hài lòng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, các thợ ảnh phải đua nhau nâng cấp máy móc, thiết bị. Thay vì những bộ máy có giá 20 - 30 triệu, các thợ ảnh sẽ nâng cấp lên mức 60 - 70 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Bên cạnh đó, kỹ thuật chỉnh sửa, hậu kỳ ảnh bằng phần mềm cũng liên tục được nâng cao, có ê kíp trang điểm, trang phục tốt... để đáp ứng sự cạnh tranh về chất lượng ảnh.

Sự phát triển sôi động của phong trào chụp ảnh, ngày càng có nhiều những thợ ảnh trẻ làm nghề, mưu sinh đã góp phần làm phong phú, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Một ngành nghề khá “hot” đã ra đời và có chỗ đứng trong xã hội. Mỗi thợ ảnh đều có những điểm mạnh, ưu thế của mình để tồn tại, mưu sinh và họ cũng được xem là những bông hoa luôn làm đẹp cho đời. Dẫu cuộc chiến mưu sinh sẽ còn khốc liệt hơn nữa nhưng với niềm đam mê, sự kiên trì, nỗ lực từng ngày, những thợ ảnh trẻ xứng đáng nhận được sự tôn trọng, yêu mến của xã hội.

Bài và ảnh: Khánh Hưng


Bài Và Ảnh: Khánh Hưng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]