(Baothanhhoa.vn) - Xuất phát từ cửa Lạch Hới (sông Mã) đến gót chân dải Trường Lệ đổ ra Vụng Ngọc dưới chân đền Cô Tiên, dòng sông Đơ điểm xuyết thêm cho thành phố biển Sầm Sơn xinh đẹp một nét vẽ mềm mại, duyên dáng. Trải qua thăng trầm lịch sử, biến thiên của thời gian, từ một con sông tưởng như đang dần bị quên lãng nay dần được hồi sinh, thổi bừng sức sống mới nhờ sự xuất hiện của các dự án bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng... 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bên dòng sông Đơ

Xuất phát từ cửa Lạch Hới (sông Mã) đến gót chân dải Trường Lệ đổ ra Vụng Ngọc dưới chân đền Cô Tiên, dòng sông Đơ điểm xuyết thêm cho thành phố biển Sầm Sơn xinh đẹp một nét vẽ mềm mại, duyên dáng. Trải qua thăng trầm lịch sử, biến thiên của thời gian, từ một con sông tưởng như đang dần bị quên lãng nay dần được hồi sinh, thổi bừng sức sống mới nhờ sự xuất hiện của các dự án bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng...

Bên dòng sông ĐơCông viên Hòa Bình (nằm ngay cạnh dòng sông Đơ) đã trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng lý tưởng của người dân nơi đây. Ảnh: Thảo Linh

Nhớ cái thời Sầm Sơn còn là thị xã, dòng sông Đơ vốn là chỉ giới hành chính giữa vùng đất biển xinh đẹp này và huyện Quảng Xương, khiến nơi đây giống như một bán đảo. Dấu mốc, danh giới kết nối Sầm Sơn với đất liền là chiếc cầu nhỏ Bình Hòa trên Quốc lộ 47. Lần tìm lại lịch sử của dòng sông, cốt mong sao tái hiện lại chân thực, sinh động nhất những thăng trầm, biến ảo trong số phận của đất và người dọc hai bên bờ sông. Tuy nhiên, thời gian vô tình chảy trôi, nào có nhẫn nại đợi ký ức lưu dấu. Cuộc sống con người cũng vậy, thế hệ này nối tiếp thế kia theo vòng xoay của quy luật sinh tử, mang theo những ký ức, kỷ niệm của riêng mình. Thử hỏi, nếu như không có những con người nặng lòng với những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương, xứ sở như nhà nghiên cứu Hoàng Thăng Ngói thì liệu mấy ai biết được rằng, dòng sông Đơ đã hình thành và song hành với sự phát triển của Sầm Sơn như thế.

Trong bài viết “Tìm lại dòng sông”, ông Hoàng Thăng Ngói đã dụng công đưa ra rất nhiều cứ liệu lịch sử nhằm minh chứng sinh động cho số phận của dòng sông Đơ qua các thời kỳ gắn với từng tên gọi khác nhau. Theo ông, dòng sông này vốn có nguồn gốc từ con sông nhà Lê. Đây là một hệ thống sông cổ được đào từ thời vua Lê Đại Hành để vận tải quân lương về phía Nam Đại Cồ Việt nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phát triển kinh tế nông nghiệp nước nhà.

Nằm ở phía Đông huyện Quảng Xương, chạy ven theo bờ biển dài 22km nối từ cửa Lạch Hới (sông Mã) đổ ra cửa Ghép (sông Yên) thuộc phía Tây xã Quảng Nham, con sông này lọt vào dải đất trũng phía nội đồng, sát doi đất cao liền kề cồn cát dài ven biển theo hướng Tây Nam qua các xã: Quảng Tiến, Quảng Tường, Quảng Vinh, Quảng Châu, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Lưu, Quảng Lợi, Quảng Nham... thuộc TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương ngày nay. Trên địa bàn TP Sầm Sơn, ngay tại cửa Lạch Hới, con sông này chảy vòng qua trước mặt đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu (làng Điều Hòa – nay là Bình Hòa, phường Quảng Châu). Người dân lấy tên của làng đặt tên cho đoạn sông chảy qua, thường gọi là sông Điều. Trải qua biết bao đổi thay của cuộc sống, dòng sông Điều xưa kia đã “thay tên đổi họ” để ngày hôm nay đây, tồn tại trên bản đồ địa giới – hành chính của Sầm Sơn chỉ còn lại dòng sông Đơ êm đềm nước chảy.

Ngoài mục đích chính là phòng ngự tuyến bờ biển, về sau này, dòng sông Đơ còn là nhiệm vụ giao thông và phục vụ việc phát triển nông nghiệp. “Một điều vô cùng quan trọng và đáng khâm phục của các vị tiền nhân mà chúng ta ít người nghĩ đến đó là chiến lược “quy hoạch khu tái định cư cho dân” dọc hai bờ sông Đơ trong lịch sử” – ông Hoàng Thăng Ngói nhận định. Ngay từ thời nhà Lê, dọc theo con sông này, triều đình đã áp dụng chính sách “ngụ binh ư nông”, mở các đồn điền cho binh lính và gia đình cùng đến ở, chiêu tập dân ly tán xây làng, lập ấp để vừa sinh hoạt, sản xuất vừa làm nhiệm vụ phòng vệ tuyến bờ biển. Do đó, hàng loạt các khu dân cư được hình thành tại dọc con sông xưa như: Du Vịnh sở (Quảng Vinh), làng Mỹ Lâm, Phú Xá (Quảng Đại), Xuân Phượng (Quảng Châu), Kiều Đại (Quảng Châu), làng Bình Tân, làng Trấp (xã Quảng Tiến), làng Giữa (xã Quảng Tường)... Các triều đại đều cử các quan tài giỏi, liêm khiết, chính trực về cai quản, khuyến khích, kêu gọi và chiêu tập dân ly tán tựu trung về đây lập nên xóm nên làng. Công lao, đóng góp của các vị quan triều đình được người dân ghi nhớ, lập đền thờ, tôn làm Thành hoàng làng, ví như ngài Phạm Công Tự Huệ Giác, thần hoàng làng Mỹ Lâm (xã Quảng Đại)...

Một con sông có lịch sử, có “đời sống” phong phú như thế, chỉ tiếc rằng, theo thời gian, cùng với sự thu hẹp về công năng, giá trị sử dụng, nó đã không còn giữ được dáng vẻ ban đầu, dần bị lãng quên trên chính quê hương của mình. Tưởng như số phận của dòng sông Đơ cứ thế lập lờ, quẩn quanh như những cánh bèo trôi trên mặt nước, lặng lẽ, âm thầm cho đến ngày hoàn toàn bị xâm lấn, “xóa sổ” trong ký ức đất và người Sầm Sơn. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, thông qua các dự án, quy hoạch được triển khai, thực hiện, khu vực dọc hai bên bờ sông Đơ bỗng trở nên sôi động, phát triển.

Nằm ngay ở khu vực cửa ngõ TP Sầm Sơn, thuộc địa giới hành chính của các phường: Trường Sơn, Quảng Châu, Quảng Vinh, cách bãi biển Sầm Sơn khoảng 1,2km và trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 13km, Dự án Khu đô thị (KĐT) sinh thái dọc hai bờ sông Đơ do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4 làm chủ đầu tư có vị trí đắc địa “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, giao thoa giữa các huyết mạch giao thông quan trọng, thuận tiện cho việc di chuyển giữa các vùng, khu vực kinh tế, văn hóa trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Với quy mô diện tích là 68,68 ha (trong đó, đất xây dựng nhà ở chiếm 35%) được quy hoạch đồng bộ, văn minh, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, cảnh quan kiến trúc đa dạng, phong phú; khu vực công cộng, cây xanh, mặt nước với công viên xanh nằm trải dọc hai bờ sông Đơ hiền hòa tạo nên một không gian sống lý tưởng. Được biết, đây là một trong những dự án KĐT sinh thái đầu tiên của khu vực TP Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Anh Nguyễn Ngọc Phong (phường Trường Sơn) chia sẻ: “Trước đây, mỗi dịp đi qua cầu Bình Hòa, nhìn con sông Đơ lững thững bèo trôi vẫn thầm cảm thán, tiếc nuối. Nhiều khi chúng ta mải miết, thỏa mãn với biển lớn bao la mà vô tình, hời hợt lãng quên đi giá trị của dòng sông nhỏ. Kể từ khi các dự án về đây, sông Đơ giống như được hồi sinh cả về diện mạo, sức sống. Nhộn nhịp nhất là thời điểm chiều chiều, nhiều người dân, gia đình, các bạn trẻ đến Công viên Hòa Bình (ngay bên cạnh dòng sông Đơ - PV) vui chơi, đi bộ, tập thể dục...”.

Đâu chỉ có Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4, chính nét đẹp dịu dàng cùng vị trí địa lý “đắc địa” của dòng sông đã “lọt vào mắt xanh” của nhiều nhà hoạch định chiến lược, các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Bất động sản Đông Á... Do đó, từ một dòng sông âm thầm, lặng lẽ chảy trôi theo năm tháng, giờ đây, sông Đơ đã mang một diện mạo mới trước sự vui mừng, hào hứng xen lẫn khấp khởi hy vọng của người dân địa phương.

Mừng đấy, vui đấy nhưng rồi cũng không tránh khỏi những suy tư, trăn trở. Bởi lẽ, dự án về, ngoài câu chuyện về sự đổi thay, phát triển thì vẫn còn đó biết bao điều bị tác động, ảnh hưởng, nhất là cuộc sống người dân. Dự án cần tiến độ mà người dân cũng cần thời gian để nghĩ ngợi, cân nhắc, thích nghi. Ví như bấy lâu nay, người dân phố Vinh Sơn (phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn) vẫn thấp thỏm ngóng trông, bàn tán về khu tái định cư cho mình nếu chấp nhận rời nơi chốn đã bao đời ăn ở, gắn bó. Ông Phan Viết Bảo, Bí thư Chi bộ phố Vinh Sơn chia sẻ: “Dự án vào là điều rất tốt và người dân chúng tôi luôn sẵn sàng đổi mới. Tuy nhiên, khi quy hoạch khu tái định cư, rất mong các cấp, ban, ngành của thành phố, của tỉnh cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán hợp lý để vừa phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển vừa đảm bảo sinh kế, đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của người dân”.

Thảo Linh

** Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Linh tích Sầm Sơn” của tác giả Hoàng Thăng Ngói, NXB Thanh Hóa – 2020).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]