(Baothanhhoa.vn) - Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học sinh phải nghỉ hè sớm để phòng tránh dịch. Thế là thời gian giải trí của các em phần lớn ở trong nhà và “chìm đắm” với các thiết bị công nghệ, như: Ipad, máy tính, tivi. Tuy nhiên, nỗi băn khoăn, lo lắng chung của nhiều phụ huynh hiện nay đó là các kênh giải trí dành cho trẻ em có nhiều video với nội dung nhảm nhí, không phù hợp với trẻ em.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ trẻ em trước “ma trận” video nhảm nhí trên mạng

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học sinh phải nghỉ hè sớm để phòng tránh dịch. Thế là thời gian giải trí của các em phần lớn ở trong nhà và “chìm đắm” với các thiết bị công nghệ, như: Ipad, máy tính, tivi. Tuy nhiên, nỗi băn khoăn, lo lắng chung của nhiều phụ huynh hiện nay đó là các kênh giải trí dành cho trẻ em có nhiều video với nội dung nhảm nhí, không phù hợp với trẻ em.

Bảo vệ trẻ em trước “ma trận” video nhảm nhí trên mạng

Những video có nội dung nhảm nhí trên mạng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

Gia đình chị Lê Thị Vân, ở huyện Hoằng Hóa có hai bạn nhỏ đang độ tuổi mầm non. Mỗi ngày, chị cho con xem tivi từ 1 - 2 giờ đồng hồ. Với lời giới thiệu là kênh giải trí dành cho các bạn nhỏ, có nội dung chính về đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, làm đồ chơi handmade..., các con của chị Vân thường xuyên theo dõi kênh YouTube của Hà Sam, Thơ Nguyễn... Chúng có vẻ rất thích thú và thường gọi các nhân vật trên với cái tên thân mật chị Hà Sam, chị Thơ Nguyễn. Thế nhưng, mới đây khi đọc tin tức trên báo, chị giật mình khi biết thông tin kênh YouTube của Thơ Nguyễn tung clip xin “vía” học giỏi từ búp bê ma và bị làn sóng giận dữ, chỉ trích từ phía các bậc phụ huynh. Ngay lập tức, chị vào mạng tìm hiểu về kênh YouTube có hơn 8,7 triệu lượt đăng ký theo dõi này và biết ngoài những nội dung giải trí, trải nghiệm của nhân vật cũng có không ít các thông tin nhảm nhí, không phù hợp với trẻ em... Sau lần tìm hiểu đó, chị Vân không cho con xem các kênh video như thế nữa mà chọn lọc một số nội dung, chương trình hoạt hình phù hợp với lứa tuổi để mở cho con xem trong những ngày hè.

Gia đình chị Nguyễn Thùy Dung, sinh sống tại Khu đô thị mới ven sông Hạc, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) có 2 con trai đang học lớp 7 và lớp 2. Nghỉ hè, bố mẹ vẫn phải đi làm nên hai anh em tự ở nhà trông nhau. Trò tiêu khiển mà chúng vui nhất có lẽ là xem các video trên kênh YouTube. Chị Dung cho biết: Hai đứa trẻ đã lớn, mỗi lần được bố mẹ cho mượn điện thoại thì chúng thường mở những video của YouTube để xem. Bố mẹ bận rộn nên cũng không mấy quan tâm đến nội dung mà chúng xem hằng ngày, cho chúng thoải mái lựa chọn. Tuy nhiên, sau vài lần ngồi xem cùng con, chị nhận thấy nhiều video được dựng với nội dung rất nhảm, thiếu tính giáo dục đối với trẻ em, thậm chí là có những video với những câu nói chơi khăm, chửi thề hoặc hành động đi ngược lại với những điều xảy ra trong thực tế. Có video quay cảnh nấu cháo bằng cả con gà nguyên lông, có video lại nói về việc nhân vật chui vào sống 24h trong bãi rác, hay quay cảnh trèo lan can, ban công ở tầng cao... Những nội dung như thế thiếu tính giáo dục, không hề phù hợp với lứa tuổi đang phát triển về tính cách của trẻ em nhưng lại gây sự tò mò, chú ý đối với lũ trẻ, khiến chúng xem một cách hào hứng, xem đi xem lại nhiều lần, thậm chí là bắt chước theo những câu nói trong video. “Tôi chỉ e sợ nếu những điều phản cảm ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, trẻ xem đi xem lại nhiều lần sẽ khiến trẻ cho rằng đó là bình thường và không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, hoặc có thể bắt chước làm theo, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn thương tích” - chị Dung chia sẻ quan điểm.

Tác hại của những video chứa thông tin nhảm nhí, xấu, độc đối với trẻ em đã hiện hữu trong thực tế đời sống khi đã có không ít trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm, thậm chí là tử vong do học theo những video trên mạng. Vụ việc bé gái 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh tử vong hồi tháng 10-2020 là một ví dụ rất thương tâm. Chỉ một vài phút người lớn không để ý, cháu bé đã học theo trò chơi trên YouTube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình. Khi được người nhà phát hiện, bé đã rơi vào trạng thái bất tỉnh, dù được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Vụ việc xảy ra hồi cuối năm 2019 tại huyện Triệu Sơn cũng là một trường hợp đáng tiếc. Cháu Ph.X.L. (13 tuổi) sau khi lên mạng xã hội xem hướng dẫn cách chế pháo nổ đã dùng 50 bao diêm làm thuốc pháo. Trong khi nhồi pháo ở tư thế kẹp quả pháo trong đùi thì quả pháo bất ngờ phát nổ khiến cháu bị dập nát bàn tay phải, tổn thương nặng phần mềm 2 bên đùi, bỏng vùng ngực và 2 bên mắt... Sau vụ tai nạn thương tích ấy, L. mất đi một bàn tay và nhiều tổn thương khác trên cơ thể không thể nào khắc phục được.

Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển, đa số các hộ gia đình đều có tivi, điện thoại thông minh kết nối mạng internet, không chỉ ở khu vực thành thị mà ở nhiều vùng nông thôn. Cũng từ đó, các kênh mạng xã hội trở nên phổ biến và quen thuộc với nhiều người, trong đó có cả trẻ em. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng/ngày. Tác dụng của internet là không thể phủ nhận, song mặt trái của nó khiến trẻ em - lứa tuổi chưa hoàn thiện về nhân cách tiếp cận sớm với đa dạng các loại thông tin nhảm, giật gân, xấu, độc, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Những vụ việc thương tâm trên chính là những minh chứng để cảnh tỉnh các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa đến chăm sóc, quản lý, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ các em trước những “ma trận” thông tin, video nhảm nhí trên mạng. Đó là việc chủ động dành nhiều thời gian xem tivi cùng con, hướng dẫn, kiểm soát những kênh thông tin, trang mạng xã hội mà con mình sử dụng, ngăn chặn những trang có thông tin độc hại, phản cảm, nội dung nhảm nhí. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để giúp cho mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng.

Bài và ảnh: Minh Hiền


Bài và ảnh: Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]