(Baothanhhoa.vn) - Cơ sở hạ tầng còn yếu, kinh phí đầu tư để nâng cấp hệ thống lưới điện hạn chế... khiến một số đơn vị cung cấp dịch vụ điện không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện trong nhân dân. Trước những hạn chế đó, việc bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý là phương án cần thiết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bất cập trong chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn

Bài 2: Vướng hồ sơ, thủ tục

Cơ sở hạ tầng còn yếu, kinh phí đầu tư để nâng cấp hệ thống lưới điện hạn chế... khiến một số đơn vị cung cấp dịch vụ điện không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện trong nhân dân. Trước những hạn chế đó, việc bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý là phương án cần thiết.

Bài 2: Vướng hồ sơ, thủ tục

Một góc xã Xuân Sơn (Thọ Xuân).

Tin liên quan:
  • Bài 2: Vướng hồ sơ, thủ tục
    Bài 1: Dịch vụ nhiều hạn chế, đầu tư thiếu đồng bộ

    Thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý để đảm bảo tính đồng bộ trong vận hành, duy tu bảo dưỡng và phát triển mạng lưới điện phục vụ người dân. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, việc cung cấp dịch vụ điện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh theo mô hình HTX dịch vụ điện năng hay ở các mặt bằng quy hoạch dân cư mới trên địa bàn TP Thanh Hóa vẫn còn nhiều bất cập... nhưng vẫn chưa thể bàn giao về cho ngành điện.

Không đủ chứng từ hợp lệ

Những năm trước đây, khi chưa chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, hầu hết các địa phương trong cả nước đều giao cho các HTX quản lý và kinh doanh điện năng ở khu vực nông thôn. Mặc dù trong quá trình quản lý, vận hành các HTX dịch vụ điện năng đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng lưới điện phục vụ nhân dân, song do hệ thống điện nông thôn đa phần được đầu tư xây dựng cách đây hàng chục năm, lại ít được đầu tư sửa chữa lớn nên đã bộc lộ nhiều bất cập.

Ngày 10-7-2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 854/QĐ-TTg đã yêu cầu: “Đến năm 2015, EVN bán điện trực tiếp đến tất cả các khách hàng sử dụng điện”. Cùng với đó ngày 4-12-2013, Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 32/TTLT/BCT-BTC hướng dẫn việc giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện nông thôn để các bên tổ chức thực hiện. Thực hiện chủ trương trên, Thanh Hóa đã tiến hành chuyển giao HTX dịch vụ điện năng cho ngành điện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 mô hình quản lý kinh doanh điện, gồm: Công ty Điện lực Thanh Hóa (398/573 xã); các công ty khác ngoài ngành điện (122 xã) và HTX dịch vụ điện năng (66 xã).

Trong 66 xã do các HTX dịch vụ điện năng quản lý có 13 xã đang bán chung với Công ty Điện lực Thanh Hóa và các công ty cổ phần, TNHH, còn 53 HTX dịch vụ điện năng đang bán điện trực tiếp cho toàn bộ xã. Tuy nhiên một số HTX dịch vụ điện năng còn tồn tại nhiều hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện cho người dân như: Chất lượng đường dây truyền tải điện kém, trình độ quản lý, vận hành yếu... đã khiến nhiều địa phương có văn bản đề nghị chuyển giao lại cho điện lực quản lý.

Ông Đỗ Ngọc Thạo, Giám đốc HTX dịch vụ điện năng Xuân Sơn, xã Xuân Sơn (Thọ Xuân), cho biết: “Một số khu vực trên địa bàn xã do cách xa trạm biến áp nên đường điện quá xa trong khi đó nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng cao, nhất là vào mùa hè, vì vậy đã xảy ra tình trạng điện yếu vào những giờ cao điểm. Hiện chúng tôi vừa được phê duyệt đầu tư thêm 1 trạm biến áp mới ở thôn Ngọc Lạp, dự kiến sẽ hoàn thiện vào quý I-2020. Trong thời gian tới để khắc phục tạm thời HTX sẽ tiến hành nâng cấp đường dây nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng điện của người dân”.

Theo ông Thạo, trước đó UBND tỉnh đã có chủ trương về việc chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, tuy nhiên, việc bàn giao còn vướng mắc ở hồ sơ, giấy tờ, thủ tục. Trong quá trình tiếp nhận quản lý, HTX dịch vụ điện năng Xuân Sơn đã từng bước đầu tư để nâng cấp mạng lưới điện (hệ thống dây điện, biến áp...) với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng trong quá trình mua vật tư HTX lại không lưu trữ hóa đơn, chứng từ nên không có cơ sở chứng minh tài sản để chuyển giao lại cho ngành điện.

“Chúng tôi phải huy động anh em, bạn bè đóng góp cổ phần vào HTX dịch vụ điện năng để đầu tư, nâng cấp đảm bảo điều kiện bán điện cho khách hàng. Nếu trường hợp chuyển giao cho ngành điện mà không có hồ sơ, hóa đơn, chứng từ chứng minh giá trị tài sản của HTX thì chúng tôi sẽ trắng tay. HTX sẵn sàng chuyển giao nhưng chỉ mong Nhà nước có hướng giải quyết phù hợp, tiếp nhận trên cơ sở giá trị tài sản thực tế của HTX để chúng tôi đỡ chịu thiệt thòi”, ông Thạo bộc bạch.

Không chỉ riêng ông Thạo mà đây là tâm trạng chung của nhiều HTX dịch vụ điện năng khi phải chuyển giao cho ngành điện quản lý.

Cần có giải pháp cụ thể?!

Trước những vướng mắc, một số đơn vị thiếu điều kiện để kinh doanh dịch vụ điện nhưng vẫn chưa thể chuyển giao cho ngành điện quản lý, ông Nguyễn Đức Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) xác nhận: “HTX dịch vụ điện năng xã Hoằng Hải là đơn vị cung cấp điện cho nhân dân trên địa bàn xã nhưng cho đến nay HTX dịch vụ điện năng ít đầu tư, nâng cấp mạng lưới điện, vì vậy ảnh hưởng đến việc cung cấp điện và quyền lợi của khách hàng... Từ những bất cập đó, UBND xã Hoằng Hải đã có tờ trình gửi các sở, ban, ngành chức năng đề nghị bàn giao HTX dịch vụ điện năng xã Hoằng Hải cho ngành điện quản lý nhưng việc chuyển giao còn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục. Trước đó, ngành chức năng đã về làm việc, kiểm kê tài sản của HTX nhưng do thiếu hồ sơ, chứng từ trong quá trình đầu tư, nâng cấp mạng lưới điện nên chưa thể giải quyết”.

Ông Lê Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn (Thọ Xuân) cũng chia sẻ: “Trong thời gian tiếp nhận và quản lý, HTX dịch vụ điện năng Xuân Sơn cũng đã đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện. Cũng do vướng mắc trong hồ sơ nên nhiều năm nay vẫn chưa thể chuyển giao cho ngành điện. Để giảm bớt thiệt thòi cho HTX, ngành chức năng cần có những giải pháp hợp lý hơn vì dù sao đây cũng là tài sản mà cả tập thể phải nỗ lực cố gắng mới gây dựng được. Trong thời gian chưa thể chuyển giao, UBND xã cũng đã yêu cầu HTX phải nâng cấp đường dây, đầu tư lắp đặt thêm trạm biến áp để đảm bảo nguồn điện cho người dân sử dụng”.

Tương tự, tại một số mặt bằng quy hoạch khu dân cư mới, mặc dù người dân nhiều lần đề nghị, UBND tỉnh cũng có chỉ đạo nhưng việc chuyển giao cho ngành điện quản lý vẫn gặp khó khăn vì vướng mắc hồ sơ, định giá tài sản. Khi cơ quan chức năng chưa có hướng giải quyết dứt điểm, thì người dân vẫn phải chịu thiệt thòi, bỏ tiền túi ra nhưng mua về sự bức xúc.

Nói về vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Huy, Trưởng Phòng Quản lý Điện năng, Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Thực hiện Quyết định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thanh Hóa đã tiến hành chuyển giao HTX dịch vụ điện năng cho điện lực quản lý. Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 53 xã do HTX dịch vụ điện năng bán điện trọn gói cho người dân. Hầu hết các HTX đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, còn một số HTX cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhưng gặp khó trong việc chuyển giao về cho ngành điện.

“Việc các HTX dịch vụ điện năng chưa chuyển giao được cho ngành điện quản lý là do các HTX này không có hồ sơ, chứng từ, hóa đơn để định giá tài sản khi chuyển giao. Các HTX dịch vụ điện năng muốn duy trì mô hình thì phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp để đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh điện theo quy định Nhà nước còn không sẽ phải bàn giao cho một tổ chức khác hoạt động tốt hơn. Còn các mặt bằng khu dân cư mới ở TP Thanh Hóa, thực trạng người dân đang phải trả tiền điện giá cao là chính xác. Ngành chức năng cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị chuyển giao cho ngành điện quản lý, yêu cầu thu giá điện đúng quy định, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số mặt bằng chưa chuyển giao được. Nguyên nhân cũng do vướng mắc trong hồ sơ, chứng từ định giá tài sản của đơn vị chủ đầu tư” - ông Huy nói.

Được biết, ngày 28-6-2019, UBND TP Thanh Hóa đã có Công văn số 3106/UBND-KT về việc thực hiện bán giá điện theo đúng quy định tại Thông tư số 25/2018/TT-BCT ngày 12-9-2018 của Bộ Công Thương yêu cầu các chủ đầu tư mặt bằng trên địa bàn thành phố thực hiện giá bán điện theo đúng quy định của Nhà nước; đề nghị chủ đầu tư làm việc với điện lực thành phố, trên cơ sở hiện trạng lưới điện đã được đầu tư lắp đặt, tiếp nhận tạm thời để bán điện cho các hộ dân tại các mặt bằng.

Trước đó, ngày 20-6-2019 Sở Công Thương cũng đã có Công văn số 1300 gửi UBND TP Thanh Hóa, Công ty Điện lực Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư mặt bằng trên địa bàn TP Thanh Hóa thực hiện giá bán điện theo Thông tư 25 ngày 12-9-2018, đồng thời yêu cầu Công ty Điện lực Thanh Hóa tiến hành rà soát lại hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư mặt bằng trên địa bàn TP Thanh Hóa; thỏa thuận với chủ đầu tư tỷ lệ sản lượng điện áp dụng giá bán lẻ điện cho các mục đích ngoài mục đích sinh hoạt (sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp) theo đúng quy định tại Thông tư 25/2018 của Bộ Công Thương.

Hoài Thu - Hoàng Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]