(Baothanhhoa.vn) - Trong khi chờ đợi để có đủ nguồn lực đầu tư đổi mới cho hạ tầng mạng lưới đường sắt cũng như các thiết bị an toàn tại các đường ngang dân sinh, thì việc nâng cao ý thức chấp hành của người dân là điều cần thiết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để những chuyến tàu bình yên

Để những chuyến tàu bình yên

Đường ngang dân sinh đoạn qua xã Hoằng Quý (Hoằng Hóa).

Trong khi chờ đợi để có đủ nguồn lực đầu tư đổi mới cho hạ tầng mạng lưới đường sắt cũng như các thiết bị an toàn tại các đường ngang dân sinh, thì việc nâng cao ý thức chấp hành của người dân là điều cần thiết.

Trên địa phận tỉnh ta có 2 tuyến đường sắt với tổng chiều dài trên 100km chạy qua, gồm: Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (chiều dài 101,2 km bắt đầu từ Km137+300 thuộc địa bàn phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn; điểm cuối là Km 238+500 thuộc địa bàn xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia). Tuyến đường sắt xi măng Bỉm Sơn (dài 4,5 km thuộc địa phận thị xã Bỉm Sơn). Trên 2 tuyến đường sắt này chỉ có 70 đường ngang hợp pháp và có tới 106 lối đi dân sinh tồn tại lâu năm do nhân dân hai bên đường sắt tự mở, phục vụ nhu cầu đi lại của chính họ. Hầu hết tuyến đường sắt chạy song song với đường bộ, nhiều đoạn liền sát khu dân cư hay đi qua khu đô thị như thị xã Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các thị trấn huyện.

Thực hiện quy chế phối hợp để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại các đường ngang dân sinh, lối đi tự mở, Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn đường sắt. Riêng trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, đã mở rộng 4 nút giao đường ngang bảo đảm ATGT (tại Km 145+550, Km 147+950, Km 161+500, Km 164+545); đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng 7 đường ngang có cần chắn tự động (tại Km 180+420, Km 186+850; Km 201+750; Km 203+260; Km 210+100; Km 218+100; Km 225+612). Đồng thời, rào đóng được 14 lối đi tự mở, cương quyết không để phát sinh các lối đi tự mở, xóa bỏ các lối đi bất hợp pháp khi đã được xây dựng hệ thống hàng rào, đường gom bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Công ty còn tổ chức chốt gác tại 10 vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra trạng thái kỹ thuật các đường ngang giao cắt với đường sắt và đường bộ, cắm biển báo đầy đủ, kẻ vạch dừng, các trang thiết bị tín hiệu phòng vệ bảo đảm ATGT trên các đường ngang theo đúng quy định. Xây dựng gờ giảm tốc tại 12 đường ngang; kịp thời phát hiện, sửa chữa các hư hỏng bất thường xảy ra trên đường ngang. Tăng cường công tác kiểm tra các lối đi tự mở, tổ chức sửa chữa bề mặt giao cắt, phát quang tầm nhìn cho cả hai phía đường sắt và đường bộ, cắm đủ biển báo “Chú ý tàu hỏa” tại các lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Lập hồ sơ quản lý đường ngang, lối đi tự mở, hành lang ATGT đường sắt, bàn giao với chính quyền địa phương để cùng quản lý theo quy định...

Thế nhưng, thực tế vẫn còn rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, như: Tại một số lối đi dân sinh tầm nhìn bị hạn chế, nhân dân cố tình mở rộng lối đi đã có. Tại các điểm giao cắt vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông cố tình vượt qua đường sắt khi đèn đỏ đã bật sáng... Thực tế cho thấy, nguyên nhân xảy ra tai nạn đường sắt tại các đường ngang dân sinh, lối đi tự mở chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện khi đi qua các điểm giao cắt với đường sắt.

Theo số liệu thống kê của ngành đường sắt, 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ở các lối đi tự mở, đường ngang dân sinh – đó là con số ám ảnh đối với nhiều người dân trong khu vực có đường sắt chạy qua khi mà tai nạn có thể ụp xuống bất cứ lúc nào nếu chủ các phương tiện chỉ một giây bất cẩn, thiếu tập trung... Trên địa bàn tỉnh ta, trong năm 2018, đã xảy ra 20 vụ tai nạn đường sắt, khiến 13 người chết, 19 người bị thương. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, đã xảy ra 5 vụ tai nạn trên đường sắt, làm 1 người chết, 2 người bị thương. Điều đáng nói là cả 5 vụ đều xảy ra tại các điểm giao cắt với đường bộ khi tàu hỏa va vào ô tô và xe máy vượt đường sắt. Đơn cử như vào trưa ngày 25-1-2019, tàu AH1 đến Km199+429 (nơi có đường ngang biển báo) khu gian Minh Khôi - Thị Long (xã Minh Khôi, huyện Nông Cống) va phải xe ô tô chở đá vượt đường sắt. Xe ô tô bị hất văng ra khỏi khổ giới hạn, lái xe bị thương được người dân đưa đi cấp cứu, đầu máy tàu bị hỏng, làm chậm tàu 234 phút. Hay ở lối đi tự mở tại Km162+200 khu gian Nghĩa Trang - Thanh Hóa (xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa), tàu SE11 va phải một người đàn ông đi xe máy chở theo 2 người vượt qua đường sắt. Lái xe bị thương đã được tổ tàu đưa đi cấp cứu. Vụ tai nạn cũng làm chậm tàu 26 phút.

Tại Điều 25, Luật Giao thông đường bộ đã quy định rất rõ ràng: “Trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước...”. Các quy định này là một trong những câu hỏi, bài thực hành quan trọng trong các chương trình thi sát hạch cấp bằng lái xe mô tô, ô tô. Thế nhưng, việc áp dụng quy định vào thực tiễn dường như vẫn chưa trở thành ý thức, trách nhiệm của nhiều người khi tham gia giao thông.

“Nhanh một phút, chậm cả đời”, đó là khẩu hiệu, cũng là chân lý, vì thế, thay vì vội vàng, hãy dành vài giây thôi để ngó nghiêng đầy đủ và băng qua đường sắt khi đã chắc chắn mọi thứ an toàn. Đó là cách đơn giản nhất để tự bảo vệ mình trước hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đó cũng là hành động để góp phần cho những chuyến tàu được bình yên!

Theo Điều 16, Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017, đến năm 2020, các đơn vị quản lý đường sắt phải hoàn thành hồ sơ và tổ chức quản lý các vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt, lối đi tự mở; tập trung xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao, các lối đi tự mở có vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt; thu hẹp chiều rộng xuống dưới 3m đối với toàn bộ các lối đi tự mở có chiều rộng từ 3m trở lên. Đến năm 2025, phải xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại trên các tuyến đường sắt.

Minh Hiền


Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]