(Baothanhhoa.vn) - Vừa qua, Báo Thanh Hóa nhận được phản ánh của một số người dân ở làng Ngọc Tích, xã Đông Thanh (Đông Sơn) về việc một số hộ gia đình muốn mai táng, cải táng người thân ở nghĩa trang nhân dân của làng phải nộp tiền cho làng với mức cao, khiến một số gia đình bức xúc.

Có hay không việc thu tiền để được chôn cất tại Nghĩa trang làng Ngọc Tích, xã Đông Thanh?

Vừa qua, Báo Thanh Hóa nhận được phản ánh của một số người dân ở làng Ngọc Tích, xã Đông Thanh (Đông Sơn) về việc một số hộ gia đình muốn mai táng, cải táng người thân ở nghĩa trang nhân dân của làng phải nộp tiền cho làng với mức cao, khiến một số gia đình bức xúc.

Để tìm hiểu sự việc, phóng viên đã tìm đến làng Ngọc Tích. Được biết, làng Ngọc Tích (gồm thôn 8 và thôn 9), với khoảng 260 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Nghĩa trang nhân dân làng Ngọc Tích có diện tích khoảng 3 ha và mới được xây dựng, sửa chữa năm 2016 với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng từ nguồn huy động đóng góp của con em xa quê và nhân dân trong làng.

Ông Nguyễn Văn Bê, bí thư chi bộ thôn 8 cho biết: Trước đây, việc chôn cất tại khu Nghĩa trang làng Ngọc Tích khá lộn xộn, tùy tiện, không có quy hoạch. Vì vậy, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ban vận động làng Ngọc Tích đã tổ chức hội nghị nhân dân thôn 8, 9 thông qua nội quy, quy ước của làng về nhiều nội dung, trong đó có quy định về quản lý, sử dụng Nghĩa trang làng Ngọc Tích, bảo đảm mỹ quan môi trường, tránh lãng phí đất đai. Đối với việc thu các mức đóng góp để mai táng tại nghĩa trang, chỉ áp dụng đối với những trường hợp là người làng Ngọc Tích nhưng đã chuyển khẩu đi nơi khác sinh sống, nay có nguyện vọng về nghĩa trang quê nhà. Quy định này để bảo đảm sự công bằng đối với nhân dân trong làng đã phải đóng góp để xây dựng nghĩa trang nên được nhân dân trong làng thống nhất, được sự nhất trí của UBND xã Đông Thanh và được công khai ngay tại nhà văn hóa thôn hay cổng vào nghĩa trang. Quy định này mới được thực hiện từ năm 2017.

Theo văn bản về một số quy định cơ bản của nhân dân làng Ngọc Tích hay nội quy quản lý và sử dụng Nghĩa trang làng Ngọc Tích do cán bộ thôn cung cấp cho phóng viên có ghi rõ: Những gia đình, cá nhân không có khẩu tại làng, không đóng góp, xây dựng, nay có nhu cầu an táng, cải táng thì phải được sự đồng ý của ban vận động làng mới được đưa về chôn cất. Khi ban vận động đã nhất trí, chế độ hưởng thụ như mọi công dân trong làng nhưng phải chịu khoản lệ phí 4 triệu đồng trước khi đưa quan tài về nghĩa trang. Đối với hình thức hỏa táng hoặc đưa hài cốt nơi khác về, thì phải đóng khoản lệ phí 1,5 triệu đồng. Tất cả các khoản tiền thu được đưa vào quỹ làng để hàng năm tu sửa công trình xuống cấp. Đối với những trường hợp là lão thành cách mạng, bộ đội, công an nhân dân đang nằm lại ở nghĩa trang khác, nay gia đình có nguyện vọng đưa về nghĩa trang quê nhà, làng không thu bất kỳ một khoản nào... Các văn bản này đều có đóng dấu xác nhận của UBND xã Đông Thanh.

Đồng chí Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Đông Thanh, cho biết: Đối với vấn đề này, một số cử tri trong xã đã phản ánh tại kỳ họp HĐND xã ngày 30-7-2018. Chủ tịch UBND xã đã được lắng nghe giải thích của thôn về việc thống nhất các khoản thu của nhân dân để tiếp tục tu sửa, nâng cấp tuyến đường, trồng cây xanh, bảo vệ khu nghĩa trang... Sau khi nắm bắt tình hình, UBND xã đã có chỉ đạo chấn chỉnh các thôn, làng trên địa bàn xã về việc huy động xã hội hóa các khoản đóng góp xây dựng, chỉnh trang nghĩa trang. Đặc biệt, việc huy động này phải được thống nhất toàn dân trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với điều kiện địa phương, nghiêm cấm áp đặt các khoản thu trái quy định của pháp luật. Các thôn, làng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình không có hộ khẩu tại địa phương được thực hiện việc chôn cất người thân theo đúng phong tục truyền thống của địa phương, phấn đấu xây dựng hình ảnh thân thiện của con người Đông Sơn.

Như vậy, việc phản ánh các khoản thu để được chôn cất tại Nghĩa trang nhân dân làng Ngọc Tích là có cơ sở nhưng chỉ áp dụng đối với những trường hợp không có khẩu trong làng. Thực tế, việc đóng góp các khoản tiền để có kinh phí trông coi, duy tu, bảo vệ để nghĩa trang nhân dân thêm văn minh, sạch đẹp là điều nên làm. Tuy nhiên, để các khoản huy động này tạo được sự đồng tình đối với tất cả người dân, tránh gây những dư luận không tốt tại địa phương, chính quyền xã Đông Thanh cần tuyên truyền, hướng dẫn để cán bộ các thôn, làng có cách làm phù hợp, đúng quy định của pháp luật.


Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]