Đi chợ 4.0
Hình thức đi chợ mua bán không dùng tiền mặt đang là xu hướng và là nét văn hóa mới của người dân. Tại một số chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa, mô hình chợ 4.0 đã phát huy được hiệu quả tích cực, qua đó giúp người dân tiếp cận và trải nghiệm các phương thức mua sắm hiện đại, từng bước xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn.
Người dân thanh toán qua hình thức quét mã QR tại chợ Đông Thành, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa).
Để bắt nhịp với xu hướng chung trên toàn thế giới, ngày 12/4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND về triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đề án, nhiều UBND phường đã phối hợp triển khai mô hình chợ 4.0 nhằm hình hành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt và xây dựng các công dân số, góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đến nay mô hình đã được nhân rộng tại các chợ trên địa bàn các phường Điện Biên, Trường Thi, Đông Vệ, Đông Sơn, Quảng Thắng..., giúp người dân trải nghiệm những dịch vụ thanh toán vượt trội, thu hẹp dần khoảng cách giữa chợ truyền thống và hiện đại, đem lại sự an toàn cho người dùng trong hoạt động giao dịch tài chính. Với mô hình chợ 4.0, tiểu thương và người dân sẽ mua bán qua hình thức quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số tài khoản, số điện thoại trên ứng dụng của các ngân hàng đã có. Cách thức để tham gia mô hình chợ 4.0 vô cùng đơn giản, các tiểu thương chỉ cần căn cước công dân, số điện thoại chính chủ sẽ có nhân viên của các nhà mạng, ngân hàng đến hỗ trợ tạo tài khoản cũng như hướng dẫn cách thức giao dịch.
Là một trong những trung tâm buôn bán sầm uất tại thành phố, chợ Điện Biên là đơn vị tiên phong trong việc triển khai mô hình chợ 4.0. Từ cuối tháng 3/2023, ngoài tăng cường các công tác tuyên truyền như lắp đặt pano, băng zôn, khẩu hiệu, ban quản lý chợ đã phối hợp với các đơn vị viễn thông và ngân hàng để triển khai hướng dẫn cách cài đặt, sử dụng mã QR thanh toán không dùng tiền mặt cho các tiểu thương. Đến nay, đã có hơn 80% tiểu thương tại chợ Điện Biên có tài khoản ngân hàng hoặc mã QR để thanh toán, giúp giao dịch mua bán tại chợ thuận lợi, an toàn hơn.
Nói về sự tiện lợi của việc thanh toán không dùng tiền mặt, chị Lê Thị Mai - tiểu thương tại chợ Điện Biên cho biết: "Mới đầu khi mô hình được triển khai, tôi cảm thấy hơi bất tiện vì bản thân đã buôn bán theo hình thức truyền thống gần 20 năm nay. Để thích nghi với cái mới quả thật có chút khó khăn. Tuy nhiên sau khi được ban quản lý chợ động viên và hướng dẫn, tôi đã có thể tự giao dịch mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của con cái. Với hình thức này, tôi dễ dàng tra soát được giao dịch tiền vào tài khoản, tránh rủi ro, nhầm lẫn khi trả lại tiền thừa cho khách hàng".
Không chỉ riêng người bán, mà người mua cũng có những trải nghiệm thú vị khi đi chợ 4.0. Chị Phạm Thu Thảo, người dân tại phường Điện Biên chia sẻ: "Trước đây, mỗi khi đi chợ tôi đều phải đem theo tiền mặt hoặc có lúc quên vẫn phải ra cây ATM để rút tiền, khá mất thời gian. Giờ đây, nhờ sự phát triển hiện đại của công nghệ số, ngoài việc mua bán tại chợ, tôi có thể thanh toán nhiều hóa đơn khác như tiền điện, nước, cước điện thoại...".
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Điện Biên: "Hiện nay, chợ đã tuyên truyền đến toàn thể các tiểu thương kinh doanh và người dân về việc thực hiện xây dựng mô hình chợ 4.0 tại địa phương. Với mô hình này, chợ sẽ đăng ký thực hiện sử dụng các loại hóa đơn, biên lai bằng hình thức điện tử; thực hiện thu các khoản thu (phí điện, thuê vị trí...) và chi trả lương cho cán bộ, nhân viên bằng hình thức không dùng tiền mặt".
Tại chợ Đông Thành, phường Đông Sơn, các hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng phát huy hiệu quả. Ngay sau khi mô hình chợ 4.0 được triển khai, các tiểu thương đều hưởng ứng tích cực và nhận thấy rõ được những lợi ích mà hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. Ngoài hỗ trợ các tiểu thương mua bán qua quét mã QR tại quầy, chợ còn triển khai hình thức thanh toán tiền hàng và các loại phí dịch vụ sử dụng bằng chuyển khoản ngân hàng hoặc tài khoản Viettel Money. Theo ông Lê Huy Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Sơn: "Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phường tiếp tục tuyên truyền trên loa truyền thanh; đồng thời phối hợp với VNPT, ngân hàng, đoàn thanh niên và ban quản lý chợ để hướng dẫn cho người đã sử dụng và chưa sử dụng hiểu cặn kẽ về lợi ích thiết thực của việc thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. Từ đó góp phần thực hiện xây dựng xã hội số, chính quyền số trên địa bàn".
Nhờ những nỗ lực của UBND TP Thanh Hóa cùng các đơn vị liên quan, năm 2023 đã có tới 90% các tiểu thương bán hàng, các hộ kinh doanh và người dân mua bán hàng hóa tại các chợ 4.0 trên địa bàn sử dụng thành thạo công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Bài và ảnh: Chi Phạm
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-01-27 16:50:00
Còn lỏng lẻo trong liên kết sản xuất nông nghiệp
Khi làng nghề bắt nhịp kinh tế thị trường
Thu hút các doanh nghiệp chế biến lâm sản
Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng mới
Bản tin tài chính sáng 27/1: Giá vàng tăng, dầu và USD đi xuống
Liên minh HTX tỉnh tặng quà cho thành viên có hoàn cảnh khó khăn
Thanh Hoá có thêm 17 xã được công nhận NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu
Nguồn vốn Quỹ TDND Thống Nhất tăng hơn 49 tỷ đồng sau một nhiệm kỳ
Thực hiện các biện pháp phòng chống rét trong nuôi trồng thủy sản
Đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp tết