(Baothanhhoa.vn) - Chuyến tuần tra trên biển vào ngày cuối cùng trong năm của tiểu đội chúng tôi diễn ra trong không khí có phần chộn rộn hơn ngày thường một chút. Bởi từ khi đặt chân lên hòn đảo nổi nhỏ nhất trong quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam giữa trùng khơi, chúng tôi đã dần quen với nếp sinh hoạt khắc khổ nơi này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đêm giao thừa muộn

Chuyến tuần tra trên biển vào ngày cuối cùng trong năm của tiểu đội chúng tôi diễn ra trong không khí có phần chộn rộn hơn ngày thường một chút. Bởi từ khi đặt chân lên hòn đảo nổi nhỏ nhất trong quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam giữa trùng khơi, chúng tôi đã dần quen với nếp sinh hoạt khắc khổ nơi này.

Đêm giao thừa muộn

Minh họa của Hoàng Hân

Thực phẩm cho bữa ăn chủ yếu là cá do anh em đánh bắt. Thịt hộp để dành phòng khi gió bão dài ngày. Thiếu thốn nhất không thể nào khắc phục là nước ngọt và rau xanh. Trong ngày, mỗi người chỉ được cấp một lít nước ngọt dùng để uống. Số quả bí đỏ ít ỏi chở từ đất liền ra phải dành dụm cho những dịp lễ, tết hoặc cho người ốm chút ít gọi là cho có hơi rau tươi mát. Nỗi thèm khát rau xanh dần trở thành thường trực trong tất cả mọi người lính. Công việc của chúng tôi là huấn luyện các phương án tác chiến bảo vệ đảo và vùng biển đã được phân công. Công việc nặng nề đã hút phần lớn thời gian song cũng không thể làm khuây đi nỗi nhớ đất liền, nỗi nhớ nhà, nhất là mỗi khi tết đến, xuân về. Tôi được phân công vào tổ làm báo tường. Lính đảo xa, bao niềm thương, nỗi nhớ đều dốc bầu với nhau hàng ngày. Chỉ việc chọn lọc lại, tu chỉnh là xong. Công việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán nhanh chóng được hoàn tất. Chỉ còn chuyến tuần tra vùng đảo chìm là kết thúc công việc của năm. Chuyến tuần tra khởi hành lúc một giờ chiều, dự kiến khoảng năm giờ quay về đảo để chuẩn bị cho lễ đón giao thừa.

Tiểu đội tôi đi trên hai chiếc xuồng, chia thành hai hướng, chiếc xuồng nhôm đi theo hướng Đông Nam, tổ ba người của tôi đi trên chiếc xuồng cao su theo hướng Đông Bắc đảo. Cả ba đứa trong tổ đều cùng quê nhưng ở ba làng khác nhau. Tính nết ba đứa cũng có phần khác nhau. Tôi ngờ nghệch, vô tư; Thanh khều cao lêu đêu nhưng chậm chạp; Hà “dành dành” khỏe mạnh, tháo vát nhất trong tổ. Bố của Hà có nghề đi bè. Học hết lớp bảy Hà nghỉ học theo bố ngược rừng rồi chèo chống đưa các bè luồng, bè gỗ về xuôi. Vì thế Hà rất thạo nghề sông nước. Lại cũng bởi những năm tháng ăn cơm tứ chiếng nên Hà khá lõi đời. Được cái, Hà cũng rất tận tình giúp đỡ bạn bè, đồng đội trong những công việc nặng nhọc, khó khăn nên anh em cùng tuổi, cùng đợt nhập ngũ trong đơn vị coi Hà như người anh cả. Trong ba đứa chúng tôi, chỉ Hà là đã có người yêu nên khi ở đảo, Hà là đứa siêng viết thư nhất. Dù là viết xong cất vào ba lô, thi thoảng đem đọc cho nhau nghe chứ mà đợi có tàu ra đảo, gửi thư về đất liền ngót chừng phải chờ đợi cả năm.

Người yêu của Hà quê ở một làng biển. Hai người biết nhau trong cái lần đơn vị làm nhiệm vụ đắp lại con đê biển mới bị cơn bão số sáu đánh vỡ ở một huyện cách nơi đóng quân gần trăm cây số. Đến nơi, đơn vị chia nhau ở trong nhà dân. Cả tiểu đội của tôi ở trong ngôi nhà ngói năm gian của chú Toàn, cách công trường chừng hơn ba trăm mét. Chị cán bộ địa phương dẫn chúng tôi đến nhà chú Toàn giới thiệu: Chú Toàn ngoài bốn mươi tuổi, là thầy thuốc đông y, con trai của chú là bộ đội, hiện đang ở chiến trường, ở nhà với chú có cô con gái tên là Xuyến Chi, đang học lớp mười. Nghe nói đến cô con gái lại có cái tên như của một loài hoa, cánh lính trẻ háo hức ra mặt, nhiều cặp mắt lập tức quét nhanh khắp cả khu nhà trên, nhà dưới và cả khu vườn rộng rất hiếm thấy ở các làng ven biển, tìm kiếm. Chị cán bộ như thấu hiểu, cười nhẹ: Giờ này chắc em nó đi học chưa về. Mờ sáng hôm sau chúng tôi ăn cơm sớm rồi ra công trường. Trưa ăn cơm tại chỗ. Chiều về, ăn cơm xong thì trời tối hẳn. Dịp này, đơn vị cũng hạn chế các sinh hoạt đại đội, trung đội buổi tối cho lính nghỉ dưỡng sức. Tôi ngủ thả phanh. Phần do công việc thổ mộc nặng nhọc chưa quen với cậu học trò ở nhà được bố mẹ chiều chuộng như tôi, phần vì bản tính nhút nhát nên nếu không ngủ thì tôi lôi mấy cuốn sách mang theo từ khi nhập ngũ ra tranh thủ đọc chứ không đi chơi theo mấy cậu lính trong tiểu đội. Mươi ngày sau tôi mới lững thững đi xuống nhà bếp thấy Hà đang ngồi đạp cái thứ lạ mắt mà sau này tôi mới biết là cái thuyền tán, thứ dụng cụ chuyên dụng của các thầy thuốc dùng để tán các củ, rễ cây thành bột. Cạnh đó, một cô gái đang dùng một đôi đũa to khuấy đảo các thứ trong chiếc chảo to đặt trên bếp lửa. Khuôn mặt thanh tú của cô hồng rực lên trong ánh lửa. Thấy tôi, Hà nhanh nhảu:

- Ông không đi chơi với bọn nó à? Hay ông ở đây sao, tán thuốc với bọn này đi.

- Chuyện thuốc thang thì tôi mù tịt. Chịu thôi. Tôi giãy lên, từ chối.

- Học nghề thuốc thì khó chứ việc thái, việc tán cây thuốc này không khó lắm đâu. Xuyến Chi chỉ vẽ cho vài bữa là làm được thôi. Như tôi đây này. Thấy không?

- Thì ra đây là Xuyến Chi. Vừa lúc, cô gái đứng dậy, bê chiếc chảo ra khỏi bếp lửa, cất tiếng, giọng miền biển nằng nặng nhưng thanh âm thì trong trẻo vô cùng:

- Em chào anh ạ. Anh là anh Hoàng ạ!

- Chào Xuyến Chi. Tôi bối rối rồi bật một câu hỏi rất vô thưởng vô phạt, nói xong có chút ngượng ngùng, tự trách:

- Tối nào Xuyến Chi cũng phải làm thuốc thế này à?

Xuyến Chi bê một chiếc ghế đặt gần chỗ Hà:

- Anh Hoàng ngồi chơi với bọn em ạ. Thầy em bận công việc ở bệnh xá xã suốt nên em cũng phải tranh thủ làm thuốc giúp thầy một chút rồi mới học bài.

- Hai bạn làm việc tiếp đi. Tôi ra vườn dạo một chút cho thư giãn – vốn nhút nhát nên tôi không biết phải “góp vui” như thế nào nên tìm cớ né tránh.

- Vâng. Anh đi cẩn thận, ngoài vườn tối lắm.

Tôi lững thững ra ngoài. Vườn, ngõ tối om, đành quay vào nhà giở cuốn truyện ra đọc tiếp nhưng đọc không vào, lại cứ lẩn thẩn nghĩ: Cái lão Hà tài thật mà hắn cũng tốt số thật. Trừ mình vô tâm ra, tám thằng kia lẽ nào lại cùng lúc bỏ đi chơi để nhường người con gái trẻ, đẹp đầy dịu dàng, chu đáo cho hắn. Âu cũng là mừng cho hắn.

Sau một tháng lao động cật lực của cả quân đội và dân công, công trình hoàn thành. Chúng tôi trở về doanh trại rồi được nghỉ phép mười ngày để đi chiến trường. Ngày thứ sáu của kỳ phép, tôi gặp mẹ Hà ở HTX mua bán của xã, bà bảo tôi:

- Thằng Hà nó đi từ sáng qua. Thế cháu chưa đi à?

Tôi ngạc nhiên rồi chợt nhớ, chắc cu cậu mò đến chỗ Xuyến Chi rồi. Liệu có nên nói cho bà cụ mừng không? Rồi tôi lại ngần ngừ, chưa biết cụ thể thế nào. Việc của nó ắt nó phải báo với gia đình. Mình cầm đèn chạy trước, nhỡ ra... Tôi đành quấy quá qua chuyện:

- Cháu cũng còn dở chút việc nên đi sau một chút. Tôi cảm thấy có chút áy náy khi nói dối nhưng cũng không còn cách nào khác.

Hà trả phép đúng hạn nhưng là người đến đơn vị sau cùng, vào phút chót. Hắn đưa cho tôi một lọ to đựng đầy những viên thuốc tễ màu nâu:

- Thuốc tăng lực của Xuyến Chi gửi tặng đồng hương đây. Khi nào thấy mỏi mệt, kiệt sức thì nhai mười viên. Nhớ giữ cẩn thận nhá.

Tôi kể cho Hà nghe chuyện gặp mẹ Hà. Hắn bần thần một hồi lâu rồi lúc lắc đầu:

- Đành vậy. Dù sao thì mình cũng dành cho gia đình năm ngày, năm ngày cho người yêu, thế là toại nguyện. Còn hơn có những đồng đội của chúng ta vì nhiệm vụ mà chỉ qua nhà được mươi phút.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thư từ đi lại thông thoáng hẳn. Cánh quân bưu của đơn vị phát ghen với Hà ra mặt. Mỗi ngày Hà nhận được một lá thư. Thư của Xuyến Chi. Cộng với thư của gia đình, có ngày hai lá. Hà lâng lâng trong niềm sung sướng, hạnh phúc. Hà mừng như phát điên khi Xuyến Chi báo tin cô đã thi đậu vào đại học y và rằng cô sẽ xin học khoa y học dân tộc để có điều kiện phát huy và nâng cao vốn y học gia truyền của gia đình. Cô bày tỏ tâm tư, mong Hà hiểu, ủng hộ mà chờ đợi cô cho đến khi cô tốt nghiệp. Hà cười ha hả: Trời đất, chỉ có người ở hậu phương chờ đợi người ra trận, còn mình lại được đợi người mình thương. Dẫu có đợi cả cuộc đời mình cũng đợi, huống hồ chỉ sáu năm. Hà tranh thủ mọi lúc được ra khỏi doanh trại, mày mò tìm những nhà thuốc đông y, những sách thuốc, gửi ra trường cho người yêu đọc. Âm thầm đợi ngày được về phép. Rồi đơn vị được lệnh ra đảo.

****

Đang giữa mùa khô, bầu trời trong xanh, cao vời vợi nhưng gió đông bắc thổi mạnh nên sóng tương đối lớn, vì thế việc quan sát cũng khá căng. Mọi việc có vẻ ổn, không có dấu hiệu bất thường. Chỉ còn điểm cắm lá cờ chủ quyền cuối cùng, cách xa đảo nhất mà ổn nữa là có thể yên tâm quay về. Đã xế chiều, gió chừng như mạnh hơn, thủy triều bắt đầu lên, cả ba chúng tôi đều giật thột khi phát hiện lá cờ chủ quyền đang lung lay, có lúc như rạp ngay trên đầu ngọn sóng. Không ai bảo ai, cả ba cùng hối hả chèo. Hà chèo lái cho xuồng dựa vào sức đẩy của sóng triều mà lao tới. Chỉ còn khoảng hai con sóng nữa là đến mốc thì chợt nghe mặt biển ran ran như tiếng nước reo, một con sóng lớn vấp phải những khối san hô đã bị chìm trong nước triều làm cho nó chừng như mạnh thêm. Cả một khối nước lớn hung dữ vọt cao xô chiếc xuồng bay lên, hất tung cả ba xuống biển. Sóng cuộn chúng tôi xoay tròn, dìm xuống, kéo trượt người qua đá san hô sắc lẹm. Vừa mới dùng hết sức đạp nước nhô lên, chưa kịp thở thì con sóng khác lại đổ ập lên đầu.

Tôi lờ mờ cảm thấy như có tiếng động gì đó chập chờn, mông lung. Cũng không biết bao lần như thế xảy ra rồi tôi mới mở mắt nhìn lên cả một vùng ánh sáng rồi lại lịm đi. Khi tôi tỉnh hẳn là lúc tôi nhận ra Hà đang lay mình. Cơ thể tôi đông cứng lại. Lâu sau tôi mới cựa quậy được và cũng mới nhận biết là mình đã bị sóng cuốn đi và hắt lên một bãi đá ngầm nào đó giữa trùng khơi với một nửa người đã gần như tê dại vì bị ngâm quá lâu trong sóng nước. Thanh tỉnh lại sau tôi. Cả ba mừng rỡ vì còn sống. Không bị sóng cuốn lạc nhau vì may mắn sợi dây võng dù kết nối cả ba buộc vào mình từ lúc lên xuồng không bị đá cứa đứt. Rồi lập tức nhận ra hoàn cảnh éo le của mình. Kiệt sức và điều đáng sợ là không thể nhận biết được bãi đá này nằm ở vị trí nào trên bản đồ. Chỉ thấy tít tận đường chân trời là trùng trùng bốn bề con sóng.

Đến lúc không còn ý thức được là mình đã nằm trên bãi đá này bao lâu chỉ biết cổ họng khô rát, bỏng cháy vì khát nước ngọt. Thanh đánh liều vục xuống húp một ngụm nước biển. Cũng ngay lập tức nôn phì ra, rồi quằn quại nôn khan. Đến khi thủy triều xuống cạn trơ ra vô số các con hàu thì Hà mừng rỡ thều thào: Sống rồi. Cũng may dù quần áo bị đánh rách tơi tả nhưng dao găm của chúng tôi gài móc vào xanh tuya rông không bị rơi. Vận dụng chút sức lực còn lại chúng tôi chọc dao vào đá, tách những con hàu ra. Máu của con hàu là nước ngọt. Những miếng thịt hàu mềm ngọt trôi qua miệng, xuống đến đâu mát, tỉnh người đến đấy.

Giải quyết được vấn đề sống còn trước mắt thì vấn đề khác lại trồi ra. Làm thế nào để thoát ra khỏi bãi đá này khi không thể xác định được mình đang ở đâu. Đã một ngày từ khi tỉnh lại trên bãi đá này rồi, thủy triều lại đang lên,

(Xem tiếp trang 7)

(Tiếp theo trang 24)

màn đêm ập xuống, lại cái cảnh nửa người phơi gió sương, nửa mình ngâm nước biển. Chẳng lẽ cứ sống thoi thóp như thế cho đến khi chết khô? Rồi biết đâu những cơn điên cuồng của biển cả như hôm đi tuần tra lại tái diễn. Tuy không ai nói ra nhưng ai cũng bị giằng xé đến muốn phát khùng. Hà là người tỉnh táo hơn cả. Trong những năm tháng theo cha chống bè qua cả trăm thác ghềnh của con sông hung giữ như ngựa vía, đã không ít lần chịu cảnh bè vỡ, bè trôi nên Hà có chút bản lĩnh. Trước hai đứa đồng đội đang tuyệt vọng, thi thoảng Hà lại kể một câu chuyện về những phút giây thoát chết trong gang tấc của dân đi bè. Quả thật, trong tình huống bế tắc thế này của ba đứa cũng không còn cách bấu víu nào khác ngoài những câu chuyện ấy và cố gắng đợi chờ một phép nhiệm màu nào đó sẽ đến, cứu ba con người ra khỏi hoàn cảnh éo le này.

Sau nhiều lần đấu tranh, chống cự, giành giật sự sống trong cơn bĩ cực, phép nhiệm màu đã đến thật. Ngày thứ bảy kể từ khi bị sóng biển đánh dạt vào bãi đá này, đơn vị đã tìm được và đưa cả ba đứa về trong tình trạng thoi thóp.

Cả ba được đưa về đảo chỉ huy chăm sóc chờ tàu ở đất liền ra đón. Ở đảo chỉ huy đến ngày thứ ba thì chúng tôi đã đi lại được. Đến lúc ấy tôi mới được biết, ngay trong cái đêm giao thừa ấy, cả đảo không ngủ, không ai còn lòng dạ nào mà mừng năm mới nữa. Tất cả chỉ mong trời sáng để lao ra biển tìm kiếm chúng tôi. Sức trẻ cộng với niềm vui trước tấm lòng của đồng đội đã làm cho chỉ đến ngày thứ mười thì sức khỏe của cả ba anh em đều hồi phục hoàn toàn. Chúng tôi thống nhất với nhau xin được trở về đảo cũ. Chính trị viên băn khoăn hỏi Hà:

- Tớ nghe nói cậu đang rất mong được về phép vì có cô sinh viên đang chờ cậu ở hậu phương kia mà. Sao cậu lại đòi ở lại với đảo.

Hà xoa tay:

- Báo cáo chính trị viên em và cô ấy đã thống nhất với nhau là em sẽ chờ cô ấy ở ngoài đảo, nơi mà nhờ tình đồng chí, đồng đội, em đã được cứu sống.

- Chính trị viên phì cười: Thật hết biết với mấy cái cậu này.

- Hà tớn tở: Mấy cái thằng đại vương của biển cả dìm không chết chứ ạ.

- Thôi được rồi, sẵn có tàu câu cá ngừ của dân đi qua, tớ sẽ gửi các cậu quá giang.

Cả đảo nhỏ ào ra đón chúng tôi. Đảo trưởng tuyên bố:

- Đảo ta hôm nay sẽ đón giao thừa.

Truyện ngắn của Hoàng Trọng Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]