(Baothanhhoa.vn) - Làng Giáp (xưa thuộc xã Cổ Định, tổng Cổ Định, huyện Nông Cống, nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn) là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử - văn hóa và là vùng đất học của xứ Thanh, nơi sinh ra nhiều người đỗ đạt thành danh, cống hiến tài năng, trí tuệ, phụng sự đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó có võ quan Tào Sơn Hầu Lê Mạnh.

Dấu ấn Võ quan Tào sơn Hầu trên đất Ngàn Nưa

Làng Giáp (xưa thuộc xã Cổ Định, tổng Cổ Định, huyện Nông Cống, nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn) là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử - văn hóa và là vùng đất học của xứ Thanh, nơi sinh ra nhiều người đỗ đạt thành danh, cống hiến tài năng, trí tuệ, phụng sự đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó có võ quan Tào Sơn Hầu Lê Mạnh.

Dấu ấn Võ quan Tào sơn Hầu trên đất Ngàn NưaDi tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ Tào Sơn Hầu. Ảnh: khắc công

Theo sử sách ghi lại, Tào Sơn Hầu Lê Mạnh người làng Giáp, xã Cổ Định. Ông họ Lê, húy là Mạnh, tự Trọng Dũng, ông có vóc người to cao. Theo phò vua Lê đánh giặc, vốn thông minh lại khỏe mạnh ông lập được nhiều công lớn nên được vua phong tới tước Tào Sơn Hầu. Sau khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông lánh về quê ở ẩn. Thời gian này, ông đi rừng bắt được một con hổ con lạc mẹ, ông đem về nhà nuôi thuần dưỡng như nuôi chó trong nhà, ông và hổ quấn quýt với nhau nửa bước cũng không rời.

Sau này, Nguyễn Kim tìm được con cháu nhà Lê là Duy Ninh - tôn lên làm vua, hiệu là Trang Tông, đóng đô ở An Trường (còn gọi là Yên Trường), định kế diệt Mạc, thu phục lại giang sơn. Khi kinh đô về Vạn Lại - Yên Trường, ông quay lại phò vua Lê và đem theo chú hổ đã trưởng thành. Ông là võ quan nhà Lê, là bạn thân thiết của Chiêu Huân công Nguyễn Kim (người ở huyện Tống Sơn, thuộc huyện Hà Trung ngày nay). Vốn tư chất thông minh, khỏe mạnh, ông lập nhiều công lớn và được vua Lê ban nhiều tước sắc và bổng lộc.

Sau khi Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết năm 1545. Hai con của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng chưa cáng đáng nổi cuộc trung hưng, vua Lê bèn phong cho con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm là Thái sư Lạng Quốc Công nắm giữ toàn bộ binh quyền lo việc tổ chức diệt Mạc. Để nắm trọn quyền hành, Trịnh Kiểm tìm mọi cách loại trừ những tướng lĩnh thân cận của Nguyễn Kim, trước hết giết Nguyễn Uông con trai Nguyễn Kim. Nguyễn Hoàng - người con trai thứ 2 vô cùng lo lắng. Được sự gợi ý của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng nhờ chị cả là vợ của Trịnh Kiểm xin cho vào trấn thủ đất Thuận - Quảng.

Trong bối cảnh loạn lạc ấy, Tào Sơn Hầu Lê Mạnh vẫn một lòng phò tá vua Lê thực hiện công cuộc trung hưng. Vua Lê rất yêu quý và phong cho ông chức vụ Tả Hữu điện tiền đô chỉ huy sứ cai quản một vạn cấm binh giữ kinh đô An Trường, bảo vệ nhà vua. Lúc ấy, Trịnh Kiểm có ý đồ muốn xây dựng cơ nghiệp riêng cho nhà Chúa, ngầm cho người tới dụ Lê Mạnh theo để lật đổ nhà Lê, nhưng ông kiên quyết chối từ, vì vậy Trịnh Kiểm sai người dùng thuốc hạ độc ông. Sau khi ông mất, vua Lê thương tiếc phong tặng ông là Tào Sơn Hầu (một tước đứng hàng thứ hai trong ngũ tước) làm phúc thần của 10 thôn, thuộc xã Cổ Định hồi bấy giờ và cho xây dựng đền thờ ông tại đây.

Đền thờ ông Tào Sơn Hầu quy mô không lớn lắm, bao gồm nhà tiền đường 3 gian và 2 gian chánh tẩm bố cục theo kiểu chữ “Đinh”. Miếu dựng theo hướng Nam, phía trước là sông Nhơm, phía sau là khu dân cư. Đối với võ quan Tào Sơn Hầu không chỉ có làng Giáp phụng thờ mà tất cả làng ở Cổ Định đều thờ ông và ông được coi là vị thần hoàng của làng. Tại đền thờ Tào Sơn Hầu vẫn còn đôi câu đối: “Tướng tiết anh linh thiên cổ miếu; Tào Sơn chính khí thập thôn thần”. Cùng với dòng chảy thời gian, lịch sử, đền thờ Tào Sơn Hầu trải qua nhiều biến động, các đền thờ và di tích lịch sử ở các làng đều bị phá hủy, duy nhất chỉ còn là đền thờ Tào Sơn Hầu ở tổ dân phố số 2, thị trấn Nưa, Triệu Sơn còn giữ được vẻ vẹn nguyên và luôn được chính quyền cũng như người dân nơi đây quan tâm đầu tư, tôn tạo.

Năm 1993, đền thờ Tào Sơn Hầu đã được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và nằm trong cụm di tích và thắng cảnh Cổ Định. Nối tiếp truyền thống đó, ngày nay các thế hệ người con của quê hương Cổ Định xưa luôn phát huy truyền thống cần cù sáng tạo, truyền thống văn hóa hiếu học, tinh thần yêu nước nồng nàn. Đó là niềm tự hào lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của các thế hệ trong việc khôi phục, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]