(Baothanhhoa.vn) - Việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông cơ bản đã hoàn thành. Còn Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025”; Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn đang trong quá trình triển khai, thực hiện. Những khó khăn, thách thức liên tục đặt ra. Phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa linh hoạt, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục lan tỏa sâu rộng, nhân lên hơn nữa các quyết sách vì dân.

“Dân thụ hưởng” ở xứ Thanh (bài 3): Nhân lên các quyết sách vì dân

Việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông cơ bản đã hoàn thành. Còn Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025”; Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn đang trong quá trình triển khai, thực hiện. Những khó khăn, thách thức liên tục đặt ra. Phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa linh hoạt, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục lan tỏa sâu rộng, nhân lên hơn nữa các quyết sách vì dân.

“Dân thụ hưởng” ở xứ Thanh (bài 3): Nhân lên các quyết sách vì dân

Huyện Triệu Sơn bàn giao ngôi nhà được xây dựng theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho người dân. Ảnh: Hương Thảo

Trăn trở tính bền vững các quyết sách “vì dân” ...

Mỗi một đề án, chương trình, cuộc vận động khi triển khai vào thực tế đều có những khó khăn, vướng mắc riêng. Ví như, việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành, song, trên địa bàn các huyện và TP Thanh Hóa vẫn còn những hộ mưu sinh trên sông có hoàn cảnh khó khăn; đối với các hộ đã được định cư lên bờ nhưng chưa chuyển đổi được nghề, thu nhập không ổn định; vẫn còn hộ trong diện được hỗ trợ về đất ở, nhà ở nhưng không nhận hỗ trợ... Bởi vậy, việc tạo sinh kế lâu dài cho người dân; xóa bỏ tâm lí tự ti, e dè; khích lệ tinh thần, ý chí vươn lên của đồng bào sinh sống trên sông đã ổn cư vẫn là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội trong thời gian tới.

Đối với công tác an cư theo Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, nhìn chung, tỷ lệ đạt được vẫn còn ở mức thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thiếu quỹ đất; nguồn kinh phí; một số địa phương phải chờ điều chỉnh quy hoạch; mô hình sản xuất còn hạn chế... Do đó, UBND tỉnh cần sớm phê duyệt điều chỉnh đề án để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác của Nhân dân với những diễn biến bất thường của thời tiết; vận động, kêu gọi quyên góp, ủng hộ để hỗ trợ các hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai đã thực hiện di chuyển đến nơi ở mới nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định đời sống...

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn trong công tác rà soát, phân loại, bình xét, phê duyệt các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở; việc xác định các hộ thuộc nhóm ưu tiên hỗ trợ còn lúng túng. Công tác vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ cuộc vận động còn hạn chế, do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Việc vận động quyên góp ủng hộ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa có cách làm linh hoạt, sáng tạo, do đó hiệu quả chưa cao. Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí vận động ủng hộ tại các xã, phường, thị trấn có những bất cập, khó khăn, nhất là trong việc quản lý, sử dụng, quyết toán nguồn kinh phí từ cuộc vận động...

Từ thực tế ấy, phát huy những kết quả đã đạt được, bên cạnh giải quyết các vấn đề nội tại trong quá trình triển khai, thực hiện từng đề án, cuộc vận động, tỉnh Thanh Hóa linh hoạt, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực nhân lên các quyết sách “vì dân”.

Huy động tối đa nguồn lực, giảm “áp lực” ngân sách

Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục huy động toàn dân, phát động toàn diện, trong đó nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người “đứng đầu” cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị... Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân chung tay, góp sức, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, cuộc vận động.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh: Quá trình vận động cần linh hoạt, sáng tạo, trên nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó tạo sự đồng thuận cao của người ủng hộ, tuyệt đối không được ép buộc, tránh chồng chéo, trùng lắp địa bàn, đối tượng; “không để ai bị bỏ lại phía sau” nhưng cũng kiên quyết không để xảy ra tình trạng hỗ trợ không đúng đối tượng, trục lợi chính sách. Chú trọng việc huy động mọi nguồn lực từ xã hội, vận động các hộ gia đình, bà con trong dòng họ, trong khu dân cư, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, con em Thanh Hóa đang sinh sống, học tập, công tác ở tỉnh ngoài, nước ngoài tích cực tham gia đóng góp nhân lực, vật lực xây dựng quê hương, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội sớm được an cư, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Song song với huy động nguồn lực xã hội, quá trình xây dựng, thực hiện các quyết sách an sinh xã hội nói chung cần linh hoạt, sáng tạo, giảm “áp lực” cho ngân sách, huy động tối đa các nguồn lực, gắn cuộc vận động với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

“Kích cầu” tinh thần

Trong quá trình huy động toàn dân, phát động toàn diện, các địa phương cần xây dựng điển hình, mô hình huy động nguồn lực và công tác biểu dương, khen thưởng thông qua phát động phong trào thi đua, tạo động lực phấn đấu. Ông Lê Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn chia sẻ: “Quan trọng là phải tổ chức được thi đua, nếu không thi đua thì không đẩy phong trào lan tỏa sâu rộng, sôi nổi, hăng hái được”.

Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Sơn đã ban hành Kế hoạch số 248-KH/HU về phát động đợt thi đua cao điểm trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân chào mừng 60 năm Ngày thành lập huyện Triệu Sơn (25/2/1965 – 25/2/2025). Trong đó, việc thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một trong những nội dung quan trọng của đợt thi đua cao điểm. Qua rà soát, thống kê toàn huyện còn 107 hộ khó khăn về nhà ở, trong đó có 78 nhà làm mới, 29 nhà sửa chữa. Đến giữa tháng 9/2024, toàn huyện đã vận động được 4,5 tỷ đồng; khởi công xây dựng 36 nhà; hoàn thành và bàn giao 12 ngôi nhà cho các hộ.

Trong những bước phát triển, huyện Triệu Sơn vẫn luôn chăm lo, làm tốt công tác an sinh xã hội nên từ trước khi thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên địa bàn huyện đã không còn hộ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở. Triệu Sơn cũng là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào hiến đất mở đường của tỉnh. Có được kết quả đó, bên cạnh việc tổ chức, phát động các phong trào thi đua, huyện Triệu Sơn cũng có những sáng tạo, linh hoạt trong việc huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực cho công tác an sinh xã hội nói riêng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn Lê Văn Tuấn bật mí: “Chúng ta hay nhắc đến khái niệm nội lực. Nội lực ấy là gì? Trước nhất đó là con người – con người là nguồn tài nguyên đặc biệt, là nguồn lực của mọi nguồn lực. Triệu Sơn may mắn, thuận lợi là mảnh đất có nhiều con em thành đạt. Để đáp từ tình cảm, đóng góp lớn lao ấy, những năm qua, huyện Triệu Sơn đều tổ chức gặp mặt con em của huyện đang sinh sống, làm việc trên khắp mọi miền Tổ quốc; vinh danh các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương”. Đây là một trong những cách làm hay, sáng tạo của huyện Triệu Sơn trong triển khai nhiệm vụ nói chung, thực hiện công tác an sinh xã hội nói riêng. Sự “kích cầu”, động viên tinh thần con em xa quê thành đạt có ý nghĩa sâu sắc, đạt được hiệu quả rõ rệt, kết nối và lan tỏa nhiều giá trị. Trong 2 năm (2023-2024), con em quê hương Triệu Sơn đã ủng hộ gần 120 tỷ đồng xây dựng trường học, đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, cổng làng, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các di tích lịch sử văn hóa, đường điện chiếu sáng, cây xanh, các trang thiết bị y tế, công sở làm việc và ủng hộ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo...

Tăng trưởng kinh tế bền vững - cốt lõi giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội

Các vấn đề đặt ra về nguồn lực, cách thức triển khai thực hiện, tính nhân văn, thiết thực... trong công tác an sinh xã hội đưa chúng ta liên tưởng đến một câu nói súc tích mà đa nghĩa: “Nước nổi thì thuyền nổi”. Đặt trong trường hợp cụ thể này, câu nói biểu thị về sự song hành.

Một xã hội càng phát triển càng có nhiều điều kiện, nguồn lực để quan tâm, chăm lo cho công tác an sinh xã hội, “đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế”, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Tỉnh Thanh Hóa ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” sản xuất phát triển, thì đời sống vật chất, tinh thần của người dân càng được nâng cao.

Bởi vậy, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, mỗi người dân cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc cải thiện và làm chủ cuộc sống của mình, để thụ hưởng và cống hiến cùng đan cài, tỏa rạng trong từng việc làm, kết quả cụ thể, nâng bước khát vọng xứ Thanh.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 9,69% (đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước). Quy mô GRDP năm 2023 đạt hơn 279.000 tỷ đồng (đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ). Tổng thu ngân sách Nhà nước 3 năm (2021-2023) đạt hơn 132.400 tỷ đồng; trong đó, năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước. Thanh Hóa là một trong những “điểm sáng” trong cả nước về giảm nghèo bền vững.

Từ sự bứt phá mạnh mẽ về kinh tế - xã hội sẽ là động lực, nền tảng vững chắc để trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chăm lo, dành nguồn lực lớn hơn cho các hoạt động an sinh xã hội, nhân lên các quyết sách vì dân.

Thùy Dương – Hương Thảo

Tin liên quan:
  • “Dân thụ hưởng” ở xứ Thanh (bài 3): Nhân lên các quyết sách vì dân
    “Dân thụ hưởng” ở xứ Thanh (bài 2): Bàn làm, không bàn lùi

    Ban hành được các quyết sách giải quyết vấn đề an sinh xã hội đã khó, việc triển khai, thực hiện như thế nào để đảm bảo giá trị bền vững, lan tỏa thông điệp “vì cộng đồng”, “để không ai bị bỏ lại phía sau” là điều không hề dễ. Với tinh thần “bàn làm, không bàn lùi”, quyết tâm trong ý chí, vừa quyết liệt vừa linh hoạt, sáng tạo trong hành động, đoàn kết - thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở, nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện hiệu quả các quyết sách an cư cho người dân.

  • “Dân thụ hưởng” ở xứ Thanh (bài 3): Nhân lên các quyết sách vì dân
    “Dân thụ hưởng” ở xứ Thanh (bài 1): Gỡ “nút thắt” an cư

    Dịp Tết Giáp Thìn 2024, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã dự chương trình “Ngày hội công nhân - Đón chào xuân mới 2024” và tặng quà cho đại diện các gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, Thủ tướng đã ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được của Thanh Hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, an sinh xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn nêu cao quan điểm coi con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển; không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đến công tác an sinh xã hội để người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]