(Baothanhhoa.vn) - Việt Nam là đất nước của những cuộc chiến giành, giữ nền độc lập. Trải qua các cuộc trường kỳ kháng chiến cùng cả nước, vùng đất xứ Thanh anh hùng luôn xuất hiện những tấm gương dũng cảm, can trường, sẵn sàng “Quyết đánh” và “Quyết thắng”. Hòa bình lập lại, những con người từng viết nên những bản anh hùng ca thời chiến vẫn tiếp tục “tỏa sáng” cùng quê hương xứ Thanh không ngừng tiến bước.

Cựu chiến binh Thanh Hóa “Dũng cảm trong chiến đấu, gương mẫu giữa đời thường”

Việt Nam là đất nước của những cuộc chiến giành, giữ nền độc lập. Trải qua các cuộc trường kỳ kháng chiến cùng cả nước, vùng đất xứ Thanh anh hùng luôn xuất hiện những tấm gương dũng cảm, can trường, sẵn sàng “Quyết đánh” và “Quyết thắng”. Hòa bình lập lại, những con người từng viết nên những bản anh hùng ca thời chiến vẫn tiếp tục “tỏa sáng” cùng quê hương xứ Thanh không ngừng tiến bước.

Cựu chiến binh Thanh Hóa “Dũng cảm trong chiến đấu, gương mẫu giữa đời thường”

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng của CCB Nguyễn Văn Minh, xã Thiệu Chính (Thiệu Hóa) cho thu nhập cao. Ảnh: Thu Vui

Nêu cao tinh thần “Quyết đánh” và “Quyết thắng”

Thanh Hóa luôn tự hào là địa phương đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945–1954), Thanh Hóa có 56.792 thanh niên là con em các dân tộc lên đường nhập ngũ. Cựu chiến binh (CCB) Hoàng Tiến Lực, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) ghi tên mình trong danh sách khi cùng Đại đội 506, Trung đoàn 174 hành quân lên Tây Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày ấy, CCB Hoàng Tiến Lực ở đơn vị tải thương nên lúc nào cũng theo sát đơn vị chiến đấu. Do Điện Biên Phủ có vị trí vô cùng quan trọng nên quân địch bố trí lực lượng rất mạnh để cố giữ, còn quân ta thì quyết chiếm cho bằng được nên trận chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, đơn vị CCB Hoàng Tiến Lực cùng với các đơn vị bạn đã dồn hết sức người, sức của bẻ gãy những cuộc phản kích của địch. Trong chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu” có sự đóng góp rất lớn của quân và dân Thanh Hóa.

Nối tiếp chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, từ năm 1954-1964, Thanh Hóa có 31.229 thanh niên ưu tú ra nhập quân đội để chi viện cho chiến trường miền Nam và nước bạn Lào. Không chỉ chi viện cho các chiến trường, trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng năm 1965, quân và dân Thanh Hóa đã chiến đấu anh dũng, sẵn sàng “Quyết tử cho cầu Hàm Rồng đứng vững”. Giữa lúc bom đạn của địch dội xuống dày đặc, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vẫn băng qua làn bom đạn, vác hai thùng đạn nặng 98kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể để tiếp tế cho bộ đội; nữ dân quân Nguyễn Thị Hiền dẫn đầu 7 cô gái làng Yên Vực quả cảm chở hàng trăm lượt thuyền đạn vượt sông Mã chi viện cho bộ đội ta đánh giặc; Khu đội trưởng dân quân Nam Ngạn Nguyễn Thị Hằng bị thương vẫn không rời vị trí chỉ huy...

Sau thắng lợi giòn dã của chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, tin chiến thắng liên tiếp vang dội trên các chiến trường đã dấy lên phong trào “Tòng quân chi viện” giải phóng miền Nam sôi động khắp tỉnh Thanh Hóa. Riêng tháng 2-1975, Thanh Hóa có 17.959 tân binh lên đường tòng quân. Thực hiện mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, từng đoàn xe cơ giới hành quân rầm rập không kể ngày đêm vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vinh dự là người được giao nhiệm vụ cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy, CCB Trần Đình Ất, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) tự hào kể: Sau khi nhận nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy, tôi là chính trị viên đại diện cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5,Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B nhận lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” để cắm lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy. 8 giờ 30 phút ngày 30-4, Đại đội 5 là mũi chủ công đi đầu đã đánh vào đường Võ Tánh và tiến tràn vào Bộ Tổng tham mưu, đánh chiếm và chốt giữ các khu vực tại đây. Tổ cắm cờ gồm Đại đội trưởng Lại Đức Lưu, tôi và 3 đồng chí khác đã tiến lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Mỗi người một nhiệm vụ, người hạ cờ của quân địch, người lồng cờ vào cán, người tung cờ, chỉ trong chốc lát, lá cờ của quân giải phóng đã tung bay trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy lúc 10 giờ 30 phút, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, trở về cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa vẫn tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiên phong, gương mẫu đóng góp công sức, trí tuệ trên mặt trận mới – mặt trận chống đói nghèo, xây dựng và phát triển quê hương. CCB Nguyễn Hữu Lựu, xã Hà Long (Hà Trung) đã cho chúng tôi cảm nhận sâu sắc về điều đó. Sau khi rời quân ngũ, CCB Nguyễn Hữu Lựu trải qua một vài công việc khác nhau. Đến năm 2010, ông bắt tay vào làm kinh tế và thành lập Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng do ông làm giám đốc. Bám vào cái gốc rễ nông nghiệp từ ngàn đời đã nuôi lớn dân tộc Việt, CCB Nguyễn Hữu Lựu bắt đầu khởi nghiệp từ chính đồng đất địa phương. Và ông đã sớm tìm được hướng đi mới khi phục tráng thành công giống lúa nếp cái hoa vàng Tiến Vua có từ xa xưa, đồng thời thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang canh tác, chăm sóc bằng công nghệ VietGAP. Ngoài ra, công ty ông còn phối hợp với Hội Nông dân huyện Hà Trung xây dựng thành công các mô hình như trồng cây dứa, lúa nếp cái hoa vàng năng suất, chất lượng, sử dụng đồng bộ theo công nghệ VietGAP tại xã Hà Long; mô hình trồng lúa trên cánh đồng chua trũng (độ PH thấp) tại xã Hoạt Giang và Hà Hải; trồng cây ăn trái có múi... Sự kết hợp giữa nhà khoa học, nhà phân phối, người nông dân và nhà tiêu thụ là hướng đi đúng, tạo ra chuỗi liên kết khép kín được chính quyền địa phương và người dân ủng hộ rất cao. Vì vậy mà doanh thu của công ty cũng tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2015, công ty chỉ thu lãi 300 triệu đồng thì đến năm 2021 đạt gần 1 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho 45 lao động. CCB Nguyễn Hữu Lựu là 1 trong hàng nghìn CCB Thanh Hóa đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển chung của tỉnh. Điều này được minh chứng khi toàn tỉnh có tới 828 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 199 HTX, 334 tổ hợp tác, 1.320 trang trại, gia trại và 6.595 hộ kinh doanh do CCB làm chủ. Giai đoạn 2016–2021, toàn tỉnh đã giảm được 8.289 hộ CCB nghèo, tăng 42.272 hộ CCB khá và giàu; đến nay 17/27 huyện, thị, thành phố, 219/559 xã, phường, thị trấn và 1.970/4.329 chi hội không còn hộ CCB nghèo.

Không chỉ tạo dấu ấn đậm nét trên mặt trận phát triển kinh tế, phong trào CCB chung sức xây dựng nông thôn mới cũng là điểm nhấn nổi bật trong hoạt động của CCB Thanh Hóa. Sẽ ít có ai làm được một việc ý nghĩa như CCB Phạm Hoàng Hà, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc) khi tự nguyện hiến tặng hơn 1.500m2 đất để xây dựng trường mầm non cho các cháu học sinh. Điều đáng quý, mảnh đất ấy đã sản sinh ra biết bao nhiêu lúa gạo nuôi sống gia đình CCB Phạm Hoàng Hà suốt nhiều năm qua. Dẫu biết “tấc đất là tấc vàng”, nhất là khi cuộc sống còn thiếu thốn, nhưng nghĩ về tương lai của thế hệ mai sau, ông đã thuyết phục các con mình đồng ý. Từ ngày ngôi trường được mở rộng khang trang, sạch đẹp đến nay, giáo viên, phụ huynh và học sinh vui mừng lắm. Không chỉ CCB Phạm Hoàng Hà, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều tấm gương CCB tự nguyện hiến đất với diện tích lớn để làm những việc tốt đẹp cho xã hội. Sau hơn 10 năm chung sức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh đã hiến 1.051.265m2 đất làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi. Tại nhiều địa phương, cán bộ, hội viên CCB còn đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lát đá vỉa hè, làm hệ thống điện chiếu sáng công cộng, trồng cây xanh trên các tuyến đường..., tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp,khẳng định được dấu ấn của Hội CCB.

Rời quân ngũ, những người lính trở về quê hương lại tiếp tục đóng góp cho xã hội, âm thầm, lặng lẽ “dẫn đường, hướng lối” cho những bước chân lầm lỗi quay về phục thiện. Nhiều CCB đã không quản ngày đêm, chủ động tiếp cận với người lầm lỗi, động viên, giúp họ nhận thức được vi phạm của mình để vươn lên. Chỉ riêng năm 2021, hội viên CCB trong tỉnh đã nhận giáo dục, cảm hóa 817 đối tượng vi phạm pháp luật, giúp nhiều người lầm lỗi tìm được việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biêt, với phẩm chất chính trị, bản lĩnh, năng lực và uy tín của mình, các cấp hội CCB trong tỉnh còn tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN và khối đại đoàn kết dân tộc. Trong công tác giáo dục truyền thống, nhân các ngày lễ lớn của tỉnh và đất nước, các CCB lại say sưa kể cho các em học sinh và đông đảo đoàn viên, thanh niên nghe về những “thiên sử vàng” chói lọi của dân tộc, giúp các em nâng cao nhận thức, không ngừng nỗ lực học tập, cống hiến, góp sức mình xây dựng quê hương. Phong trào CCB tham gia bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng đã nhận được nhiều thư cảm ơn của người dân và những người bị nạn, được nhiều nơi trong cả nước biết đến và học tập...

Với nhiều đóng góp nổi bật trong các hoạt động, cán bộ, hội viên CCB Thanh Hóa đã khẳng định rằng: Trên bất cứ mặt trận nào, họ luôn là những tấm gương sáng cho các thế hệ sau học tập và noi theo, xứng đáng với sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền và đông đảo Nhân dân.

Tố Phương


Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]