(Baothanhhoa.vn) - Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga đang có nguy cơ đẩy Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Kiev “đứng ngoài cuộc chơi”. Vậy châu Âu và Kiev đã phản ứng như thế nào và liệu có thể thay đổi chiến lược của chính quyền Trump?

Cuộc xung đột Nga-Ukraine: Châu Âu và Kiev khó ngược dòng (Kỳ 2)

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga đang có nguy cơ đẩy Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Kiev “đứng ngoài cuộc chơi”. Vậy châu Âu và Kiev đã phản ứng như thế nào và liệu có thể thay đổi chiến lược của chính quyền Trump?

Cuộc xung đột Nga-Ukraine: Châu Âu và Kiev khó ngược dòng (Kỳ 2)

Châu Âu họp khẩn để tìm cách đối phó

Các kênh tiếp xúc gần đây giữa Mỹ-Nga đạt được nhiều kết quả tích cực. Không chỉ những kết quả hữu hình nhằm cải thiện quan hệ hợp tác giữa hai nước, mà không khí tích cực, xây dựng bao trùm các cuộc đàm phán, điều mà cộng đồng quốc tế không dám nghĩ đến chỉ cách đây vài tháng. Trong khi đó, EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ukraine lo ngại về nguy cơ Mỹ-Nga thỏa hiệp trên đầu các nước này trong vấn đề Ukraine, tức là loại trừ mọi sự can dự của EU, NATO và Ukraine vào tiến trình đàm phán về giải pháp cũng như chấp nhận một số điều kiện của Nga. EU buộc phải chuẩn bị ứng phó kịch bản không mong muốn này.

Ngày 17/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì cuộc họp của các lãnh đạo châu Âu ở Paris. Cuộc họp được mô tả là “khẩn cấp”, sau khi chính quyền hai nước Mỹ-Nga bắt đầu đàm phán hòa bình Ukraine mà không cần EU tham gia. Rõ ràng, những phản ứng của lục địa già đối với tình hình thay đổi nhanh chóng ở Ukraine là điều dễ hiểu; bởi lẽ, châu Âu làm sao “nuốt trôi” được nếu không thể góp phần thiết lập một thỏa thuận tiềm tàng, trong khi chính châu Âu là khu vực sẽ phải gánh chịu những tác động từ kết quả đàm phán.

Sau cuộc đàm phán giữa Mỹ-Nga tại Riyadh vào ngày 18/2, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tổ chức cuộc họp khẩn lần thứ hai vào ngày 19/2 tại Paris. Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về việc đảm bảo tiếng nói của mình trong tiến trình hòa bình và cân nhắc khả năng triển khai lực lượng đảm bảo an ninh tại Ukraine. Tuy nhiên, ý tưởng này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, việc thành lập một lực lượng an ninh do châu Âu dẫn đầu là “quá sớm” và nhấn mạnh rằng NATO nên tiếp tục đóng vai trò nền tảng cho an ninh khu vực.

Cuộc họp kết thúc mà không đạt được sự đồng thuận rõ ràng về cách tiếp cận chung, phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu về giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine. Tình hình này đặt ra thách thức lớn cho châu Âu trong việc xác định vai trò của mình trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng.

Trong khi đó, một số nước châu Âu, điển hình như Anh tiếp tục khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine, bất chấp chủ trương, đường lối của chính quyền Trump. Ngày 22/2, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã thảo luận về sự cần thiết phải bảo đảm một nền hòa bình “công bằng và bền vững” cho Ukraine. Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, ông Starmer và Chủ tịch Ursula von der Leyen nhất trí rằng, châu Âu cần đẩy mạnh các biện pháp cũng như thể hiện trách nhiệm vì lợi ích an ninh chung của châu lục.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó nhấn mạnh Kiev cần tham gia mọi cuộc đàm phán về chấm dứt xung đột, đồng thời khẳng định “sự ủng hộ vững chắc” của London đối với Kiev. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Starmer và Tổng thống Zelensky nhất trí đây là thời điểm quan trọng đối với tương lai của Ukraine cũng như an ninh toàn châu Âu. Dự kiến, nhà lãnh đạo Anh sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Washington trong tuần này.

Sự phụ thuộc vào Mỹ - yếu tố tác động đến chính sách của châu Âu trong vấn đề Ukraine

Giới phân tích cho rằng, mặc dù không hài lòng với cách tiếp cận của chính quyền Trump song các nước châu Âu khó có thể làm khác vì vẫn đang phụ thuộc vào Mỹ ở nhiều khía cạnh. Về an ninh, quân sự, hầu hết các quốc gia châu Âu là thành viên NATO, một liên minh quân sự mà Mỹ đóng vai trò chủ đạo. Mỹ chi tiêu quốc phòng nhiều nhất trong NATO và cung cấp vũ khí, công nghệ quân sự cho châu Âu. Ngay cả trong vấn đề Ukraine, châu Âu cũng phụ thuộc vào Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine về vũ khí, huấn luyện quân sự và thông tin tình báo.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine: Châu Âu và Kiev khó ngược dòng (Kỳ 2)

Về năng lượng, sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, châu Âu ngày càng nhập khẩu nhiều khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để thay thế. Mỹ cũng có ảnh hưởng đến giá dầu và chính sách năng lượng toàn cầu, tác động đến kinh tế châu Âu. Về công nghệ và kinh tế, châu Âu chưa thể thoát khỏi phụ thuộc vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ, như Google, Apple, Microsoft, Amazon. Hầu hết các nền tảng mạng xã hội và hệ điều hành được kiểm soát bởi Mỹ. Về kinh tế, Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của các nước châu Âu. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và EU ước tính đạt 975,9 tỷ USD vào năm 2024. Việc các nước châu Âu đặc biệt lo ngại trước chính sách áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump cho thấy mức độ ảnh hưởng của Mỹ đối với nền kinh tế các nước châu Âu lớn như thế nào.

Mặc dù châu Âu nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Mỹ thời gian gần đây bằng cách phát triển quốc phòng độc lập hơn, đẩy mạnh sản xuất công nghệ nội địa, đa dạng nguồn cung năng lượng,... song trong ngắn hạn, Mỹ vẫn là đối tác quan trọng không thể thay thế đối với châu Âu. Sự phụ thuộc này đã tác động đáng kể đến việc hoạch định chính sách của châu Âu, nhất là khi chính sách đó có thể khiến Mỹ phật lòng.

Sự lựa chọn khả thi cho châu Âu

Kể từ khi chiến sự tại Ukraine xảy ra vào tháng 2 năm 2022, nhận thức của Brussels như một nhân tố quan trọng và chủ chốt trong lĩnh vực an ninh đã trở thành chủ đề chính trong quá trình phát triển của khối, và những gì đang diễn ra hiện nay có vẻ như là một phép thử thực sự kiểm chứng sức mạnh của EU. Câu hỏi đặt ra là liệu EU có thể theo đuổi đường lối riêng của mình trong cuộc xung đột Ukraine, khác với đường lối của Mỹ hay không?

Xét cục diện chính trị-quân sự hiện nay, châu Âu có lẽ khó có thể theo đuổi một chính sách đối ngoại có thể tách biệt khỏi “nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump” và gia tăng mức độ đối đầu với Nga. Theo đó, nhiều khả năng EU sẽ dần hòa nhập vào cách tiếp cận mới của Mỹ đối với Nga và Ukraine, nhưng sẽ không đồng ý với việc phục hồi quan hệ với Nga ngay lập tức, chẳng hạn như tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt Nga của riêng mình. Trong trường hợp này, Brussels sẽ giảm thiểu rủi ro cho chính mình trong quan hệ với cả Washington và Moscow, nhưng sẽ không hoàn toàn từ bỏ cuộc đối đầu với Moscow. Kịch bản này có vẻ khả thi nhất với châu Âu vì một số lý do.

Đầu tiên, mối quan tâm hàng đầu của EU là bảo đảm môi trường an ninh châu Âu. Trong vấn đề Ukraine, một mặt, EU muốn tăng cường năng lực phòng thủ và chứng minh tầm quan trọng của mình; mặt khác, cần phải cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine (không có Mỹ) và/hoặc gửi lực lượng gìn giữ hòa đến Ukraine. Tuy nhiên, điều này sẽ đẩy nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và EU là rất lớn, khi đó môi trường an ninh châu Âu khó có thể được bảo đảm nếu không có sự tham gia hỗ trợ của Mỹ.

Thứ hai, châu Âu rất có thể sẽ tham gia vào hệ thống tham vấn với Mỹ liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này được chứng minh cụ thể qua thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer tới Washingtin trong tuần này. Ngược lại, người Mỹ sẽ coi EU là mắt xích quan trọng trong kế hoạch phát triển Ukraine sau xung đột, điều mà ông Trump có thể đồng ý vì sẽ giúp Mỹ giảm bớt gánh nặng tài chính.

Thứ ba, EU không có đủ nguồn lực để cung cấp hỗ trợ toàn diện cho Ukraine nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ. Các nguồn tài chính hỗ trợ cho Ukraine có thể xuất hiện trong trường hợp tịch thu tài sản của Nga, nhưng EU vẫn chưa sẵn sàng thực hiện bước đi này do lo ngại về số phận tài sản của mình tại Nga, phản ứng của các nhà đầu tư và triển vọng của đồng Euro. Hơn nữa, trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu khí và ngân hàng Nga có thể được nới lỏng, châu Âu sẽ cần nhiều nguồn lực hơn nữa để hỗ trợ Ukraine. Đồng thời, các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga nhằm đảm bảo “sự thống nhất toàn châu Âu” có thể vẫn được tiếp tục ngay cả khi Mỹ thay đổi lập trường về các biện pháp chống Nga.

Cuối cùng, xét đến tình hình chính trị nội bộ của các nước châu Âu nơi chính quyền đương nhiệm đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ các lực lượng đối lập, như tại Đức, Pháp, hay sự chú ý của các doanh nghiệp châu Âu đến thị trường Nga và sự thờ ơ của phần lớn người dân châu Âu trong việc leo thang xung đột Ukraine, EU sẽ chấp nhận các thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump có thể đạt được.

Những yếu tố trên sẽ cho phép EU đồng thời thể hiện đường lối riêng của mình (tiếp tục trừng phạt Nga) và hành động theo chính sách đối ngoại của Mỹ - lựa chọn khả thi cho EU hiện nay. Dẫu vậy, tình hình cũng có thể sẽ thay đổi, phụ thuộc vào diễn biến mối quan hệ tam giác Washington-Moscow-Kiev trong thời gian tới.

Hùng Anh (CTV)

Tin liên quan:
  • Cuộc xung đột Nga-Ukraine: Châu Âu và Kiev khó ngược dòng (Kỳ 2)
    Cuộc xung đột Nga - Ukraine: Khi hiệu lệnh hòa bình đã vang (Kỳ 1)

    Những hoạt động ngoại giao của chính quyền Trump thời gian gần đây đang diễn ra rất sôi động, đặc biệt xoay quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga ngày 12/2, cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến các cuộc đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn cấp cao hai nước tại Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 18/2.


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]