Cư dân miền biển thờ Tứ vị Thánh nương
Khi đối mặt với những hiểm nguy, con người thường neo dựa, hy vọng sự phù trợ của thần linh. Niềm tin ấy càng mãnh liệt hơn với cư dân miền biển. Phó Giáo sư Ninh Viết Giao đã thống kê về việc thờ cúng Tứ vị Thánh nương, trong đó hai địa phương Nghệ An, Thanh Hóa là nhiều hơn cả. Riêng Thanh Hóa với 81 nơi thờ, Tứ vị Thánh nương đã trở thành những nhân vật vừa gần gũi vừa linh thiêng.
Đền Đức Thánh Cả ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc).
Có đường bờ biển dài 102km, cư dân vùng biển xứ Thanh tự bao đời nay đã sáng tạo và lưu giữ nhiều di sản văn hóa giá trị, trong đó có hệ thống thờ thần linh mang chứa nhiều giá trị đặc sắc, đậm dấu ấn biển khơi.
Thần linh là một biểu tượng mang tính siêu thực, nhưng lại có giá trị thực tiễn với con người, phản ánh tâm thức, khát vọng tâm linh của cộng đồng trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, tục thờ Tứ vị Thánh nương là một trường hợp độc đáo. Bởi, nhân vật thờ tự mang yếu tố nước ngoài. Huyền tích Tứ vị Thánh nương của cư dân các làng biển kể rằng, hoàng hậu và các công chúa nhà Nam Tống, vì gặp nạn nên phải trầm mình xuống biển. Xác bốn mẹ con theo sóng biển trôi về phương Nam, xuống khu vực đền Cờn (Nghệ An). Dân làng thấy thi thể những phụ nữ chết đuối mặc xiêm y quý tộc, da dẻ hồng hào, trên người phảng mùi thơm như lan, như quế nên lấy làm lạ, bèn chôn cất tử tế và lập miếu thờ. Mỗi khi ra khơi, đến cầu khấn đều thấy linh nghiệm.
Tương truyền, vua nhà Trần trên đường đánh dẹp giặc Chiêm Thành, đêm dừng nghỉ tại đây thì mộng thấy vị nữ thần hiện ra tự xưng là Hoàng hậu nhà Tống, sau khi “thác” được Thượng đế phong cho là thần biển nơi đây, nay thấy nhà vua đi đánh giặc nguyện xin được phù trợ giúp đỡ. Quả nhiên, trận chiến ấy vua quân nhà Trần đại thắng trở về. Không quên nữ thần giúp đỡ, nhà vua đã sắc phong cho thần, đồng thời sắc ban cho người dân ở các cửa lạch thờ Tứ vị Thánh nương.
Xung quanh tên tuổi, danh tính của Tứ vị Thánh nương mỗi nơi lại có một truyền thuyết, nhưng tất cả đều ẩn chứa sự linh thiêng, huyền bí, là nguồn gốc để hình thành nên giá trị tâm linh độc đáo. Đó cũng là lý do mà hiện tượng thờ Tứ vị Thánh nương đã được “khuếch tán”, lan tỏa thờ phụng ở hầu hết các địa phương miền biển.
Chứa đựng một không gian văn hóa biển vô cùng đặc trưng với hệ thống di tích, lễ hội và cả nếp sống duy trì tự ngàn đời, với tâm thức trọng “âm”, đề cao mẫu, nhiều địa phương ở huyện Hậu Lộc đã thờ Tứ vị Thánh nương. Sống đời đi biển, dựa vào biển, họ tin rằng Tứ vị Thánh nương không chỉ phù trợ mưu sinh mà còn giúp họ tránh mọi sự rủi ro, bất trắc trong cuộc sống.
Về cụm di tích nghè - chùa - phủ - miếu Diêm Phố (gồm nghè Thánh Cả và Bản thổ thần; chùa Liên Hoa; đền Đức Ông và miếu thờ 344 người) ở xã Ngư Lộc, ta sẽ hiểu được phần nào niềm tin tâm linh của cư dân biển. Nếu đền Đức Ông là sự tôn kính mà người dân dành cho cá voi - linh vật - người bạn thân thiết giúp đỡ người đi biển vượt qua hiểm nguy thì nghè Thánh Cả là sự tôn vinh của ngư dân dành cho Tứ vị Thánh nương. Họ cầu mong đức Thánh Cả sẽ phù trợ, giúp đỡ Nhân dân trên biển, vượt qua sóng dữ.
Nghè thờ Tứ vị Thánh nương, xã Hải Lộc (Hậu Lộc) nằm ở cuối làng Y Bích, ngay gần cửa Lạch Trường linh thiêng. Ban đầu nghè chỉ lợp tranh tre nứa lá, về sau, Lê Doãn Giai (người đầu tiên của làng Y Bích đỗ đại khoa) đóng góp tiền bạc cùng với Nhân dân xây dựng lại bằng gạch ngói quy mô lớn. Nghè Vích là “điểm tựa” tinh thần - tâm linh cho người dân. Với niềm tin tín ngưỡng bao đời, ngoài dịp lễ hội, mỗi khi người dân trong vùng có việc hệ trọng, họ đều ra nghè thành tâm khấn nguyện để mong được thần linh phù trợ .
Còn ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc), đứng trước đền Đức Thánh Cả ngắm nhìn nghinh môn hàng trăm năm tuổi và nghe những câu chuyện kể xung quanh ngôi đền này ta thêm hiểu vì sao Tứ vị Thánh Nương được người dân tín và tin đến vậy. Không chỉ che chở cho Nhân dân nơi sóng gió biển cả, đền còn là nơi che bom đỡ đạn cho dân làng, là nơi trú ẩn của nghĩa quân Ba Đình, nơi tạm trú của các nhà hoạt động cách mạng trên đường từ Phú Lương về nhà Mẹ Tơm. Đồng thời đây cũng là nơi tiến hành các hội nghị của tổ Đảng làng Khang Cù trong thời kỳ bí mật. Những năm diệt giặc dốt, đền Đức Thánh Cả cũng là nơi để bà con tập trung mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ, giác ngộ cách mạng.
Thủ từ Vũ Ngọc Chinh cho biết: Đền Đức Thánh Cả được xây dựng vào khoảng giữa thời Nguyễn. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và chiến tranh, đền xưa không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại nghinh môn cổ kính vẫn sừng sững như minh chứng cho vẻ đẹp kiến trúc trường tồn của công trình tâm linh đặc sắc cùng với những truyền thuyết huyền bí về ngôi đền. Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, Nhân dân, ngôi đền dần được khôi phục và trở nên bề thế, phát huy được giá trị văn hóa vốn có, xứng tầm là nơi thờ Tứ vị Thánh nương. Năm 2010, đền đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Vì thế, đây không chỉ là địa điểm sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương cũng như trong vùng, mà còn là điểm du lịch thu hút khách tham quan vãn cảnh khi về với đất và người xứ Thanh.
Sở hữu đường bờ biển dài nhất xứ Thanh với hơn 42km cùng nhiều cửa lạch, thị xã Nghi Sơn mang đặc trưng rõ rệt của vùng đất đồng bằng ven biển. Về phường Hải Thanh hôm nay, đứng trước không gian mênh mông của cửa Lạch Bạng ta càng hiểu được nhu cầu tín ngưỡng, niềm tin tâm linh sẽ giúp con người ta thêm vững tin trước sóng gió biển khơi. Ở nơi cửa Lạch Bạng, sau mỗi chuyến vươn khơi, bóng dáng của tàu thuyền từ xa xa trở về neo đậu nghỉ ngơi như một tiếng reo vui đối với mỗi người dân. Và đền Lạch Bạng nằm ngay mỏm núi Du Xuyên nơi cửa sông ấy dang tay đón sóng, đón gió, tránh rủi ro cho người ở nhà và chờ đợi người ra khơi có chuyến đi an toàn trở về. Vốn được người dân biển khởi dựng thờ Tứ vị Thánh nương với niềm tin vào sự phù trợ cho những chuyến vươn khơi may mắn của ngư dân, về sau, đền Lạch Bạng còn là nơi thờ Mẫu Thoải (mẹ nước) gắn liền với tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt. Vì thế đây là một trong những địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu sôi động bậc nhất ở Thanh Hóa.
Suốt dọc cửa biển tỉnh Thanh Hóa gần như ở đâu có làng chài, ở đó có đền thờ Tứ vị Thánh nương. Ở Hoằng Hóa, các làng: Ngọc Lâm (Hoằng Trường); Trung Ngoại (Hoằng Hải); Xuân Vi (Hoằng Thanh); Khúc Phụ (Hoằng Phụ). Ở Quảng Xương, làng Cự Nham thuộc xã Quảng Nham nằm bên cửa Lạch Ghép, nơi mỏm đất nhô ra sát biển, có ngôi đền Mom (đền Phúc) nổi tiếng linh thiêng, ban đầu thờ Tứ vị Thánh nương, sau này phối thờ các vị danh tướng Trần Nhật Duật, Trần Khát Chân và các vị nhân thần.
Ngoài một số công trình kể trên, còn khá nhiều đền, nghè đứng nép mình nơi vùng biển xứ Thanh có tuổi đời hàng trăm năm đang thờ Tứ vị Thánh nương. Thuở ban sơ, con người đến với biển khơi mênh mông thường mang theo tín ngưỡng để vững lòng vượt qua bất trắc. Và ngày hôm nay cũng vậy, niềm tin ấy giúp họ hiên ngang vượt qua sóng gió, đồng thời còn là động lực để ngư dân nỗ lực chinh phục và khẳng định chủ quyền quê hương, đất nước trên biển cả bao la.
Bài và ảnh: Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2024-12-06 14:06:00
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
-
2024-11-29 09:59:00
Nguyễn Thượng Hiền: Từ trí thức Nho học đến chí sĩ yêu nước
-
2024-10-20 15:38:00
Miền tiên cảnh Từ Thức
Chốn thiêng nơi vùng đất biển
Nem chua Đức Anh: Từ Thanh Hóa vươn xa khắp mọi miền
Đến hang Quăn
Cần “điểm tựa” cho du lịch cộng đồng
Về đình Ngô Xá Hạ, nhớ ngày khởi nghĩa xưa
Nhiều điểm check-in cực chill ở Thanh Hoá cho giới trẻ dịp lễ Quốc khánh 2/9
Thị trấn Nưa gìn giữ và phát huy giá trị di tích
Không gian văn hóa đặc sắc dưới chân Pù Luông
Biển Hải Lĩnh – điểm đến mới của giới trẻ