“Cột mốc sống” nơi biên cương
Thanh Hóa có 5 huyện biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với Nhân dân, lực lượng bộ đội biên phòng trên các tuyến biên giới đã luôn “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin” và “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, để cùng người dân bảo vệ biên cương.
Già làng Lang Minh Huyến ở bản Khẹo, xã Bát Mọt (Thường Xuân) tham gia bảo vệ đường biên cột mốc cùng các cán bộ, chiến sĩ biên phòng từ năm 2014 đến nay.
Trong chuyến tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung, anh Giàng A Chìa - dân tộc Mông ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho chúng tôi. Giàng A Chìa với dáng người mảnh khảnh, nhưng bước đi lại rất nhanh nhẹn, thoăn thoắt như con sóc rừng. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng Giàng A Chìa đã có thời gian hơn 20 năm tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Hành trang tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, ngoài những vật dụng đi rừng cần thiết, Giàng A Chìa còn mang theo một can nước sạch để lau chùi cột mốc, đảm bảo cột mốc luôn sạch sẽ. Dù thời tiết nắng nóng hay mưa rét, cứ mỗi tháng một lần anh lại lên thăm, kiểm tra cột mốc. Dấu chân của anh đã quá đỗi thân quen, in đậm trên cung đường rừng hơn 10km này.
Theo Giàng A Chìa, địa phận bản Ón giáp ranh với nước Lào và tỉnh Sơn La, vì vậy tình hình an ninh ở đây khá phức tạp. Mỗi lần đi kiểm tra cột mốc, anh thường chủ động quan sát nắm bắt tình hình, nếu có bất thường lập tức báo cáo với Đồn Biên phòng Tam Chung.
Trung tá Ngô Minh Quang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Chung cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 8km đường biên giới, 4 cột mốc (từ mốc 270 đến mốc 273). Trong hệ thống cột mốc mà đơn vị quản lý, Giàng A Chìa là người biết rất rõ cả 4 cột mốc, anh còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong bản cùng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, khi có người lạ xâm nhập hoặc có dấu hiệu khả nghi trên biên giới thì người dân trong bản kịp thời báo cáo cho đơn vị biết để xử lý.
Anh Giàng A Chìa ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) bảo vệ cột mốc 270.
Đồn Biên phòng Bát Mọt (Thường Xuân) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 17,23km đường biên giới, 9 mốc quốc giới, tiếp giáp với cụm bản Thà Láu, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tình hình an ninh trật tự có nhiều phức tạp. Nhận thức rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác vận động quần chúng Nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua cấp ủy, chỉ huy đồn đã chủ động phối hợp với Đảng ủy xã Bát Mọt xây dựng và triển khai quy chế phối hợp trong hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Sinh ra và lớn lên nơi biên cương, già làng Lang Minh Huyến luôn được người dân ở bản Khẹo, xã Bát Mọt quý mến, tin tưởng và làm theo những gì ông nói, ông làm. Với già làng Huyến, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới đồng nghĩa với bảo vệ ngôi nhà của mình. Nhiều năm qua, già làng Huyến rất tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, phối hợp với cấp ủy, chi bộ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân khu vực biên giới chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương; tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, gắn với phát triển kinh tế - xã hội; vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, XDNTM; thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn; tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội... góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an ninh biên giới.
Tỉnh Thanh Hóa có 5 huyện biên giới gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân, có 16 xã biên giới, tiếp giáp với 3 huyện Xốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ của tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Với phương châm hướng về cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với Nhân dân, thời gian qua lực lượng bộ đội biên phòng trên các tuyến biên giới đã luôn “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin” và “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên; nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức của quần chúng Nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay đã có 1 tập thể, 19 hộ gia đình, 90 cá nhân đăng ký bảo vệ 213,6km đường biên và 92 mốc quốc giới; 768 tổ an ninh trật tự thôn bản, với 2.415 thành viên tham gia với nhiều mô hình phát huy hiệu quả, góp phần gìn giữ bình yên bản làng, biên giới, tạo nên một thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Bài và ảnh: Hoàng Lan
- 2024-11-02 19:11:00
Thức dậy dòng sông để thêm thương nhớ hồn làng
- 2024-11-02 15:28:00
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh 2024
- 2024-03-11 16:35:00
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh
Công điện của Thủ tướng về khắc phục hậu quả tai nạn ở cao tốc Cam Lộ-La Sơn
Từ ngày 1/4 sẽ điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024
Từ ngày mai (12/3), nồm ẩm xuất hiện, mách bạn mẹo khắc phục hiệu quả
Vụ tai nạn tại cao tốc Cam Lộ-La Sơn: Cả hai tài xế đều mắc lỗi
Tập huấn nghiệp vụ công tác hội nông dân năm 2024
Tai nạn trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn: Khẩn trương khắc phục hậu quả
Phấn đấu đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đạt 30m2 sàn mỗi người
Nông thôn mới 2024 - Năm của những mục tiêu lớn
Đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình 1719 tại Thanh Hóa