(Baothanhhoa.vn) - Bắt nhịp với xu thế thời đại 4.0 hiện nay, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Nông dân bắt nhịp chuyển đổi số

Bắt nhịp với xu thế thời đại 4.0 hiện nay, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Nông dân bắt nhịp chuyển đổi sốMô hình trang trại kinh tế tổng hợp ứng dụng khoa học - công nghệ của gia đình ông Lê Đình Tám, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa). Ảnh: Nguyễn Đạt

Tìm đến vùng chè xã Bình Sơn (Triệu Sơn) trong cái nắng gay gắt của mùa hè, xa xa vẳng lại tiếng cười, nói của các bà, các chị đang thu hái chè như xua tan cái nóng oi ả. Những chiếc nón trắng thấp thoáng như tạo điểm nhấn sinh động cho những vạt chè xanh non mơn mởn. Cây chè xuất hiện ở đây từ bao giờ, không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng theo năm tháng, diện tích chè cứ dần lớn lên vươn mình ôm trọn vùng đất bán sơn địa này. Để rồi, đến nay bằng kinh nghiệm và những cách làm sáng tạo trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, người dân nơi đây đã làm nên những sản phẩm chè ngon nức tiếng. Là HTX nổi tiếng đi tiên phong trong việc phát triển, nâng tầm cây chè của địa phương, ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, cho biết: Tận dụng tiềm năng, lợi thế từ cây chè của quê hương, sau thời gian dài kỳ công tìm hiểu, nghiên cứu. Đến nay HTX đã thành công với 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đó là, chè sạch, mật ong, trà xanh túi lọc và trà gai leo túi lọc. Thời gian qua, để nâng cao chất lượng sản phẩm và bắt kịp xu hướng thị trường thời 4.0 HTX đã tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, quan tâm đổi mới và nâng cao tính thẩm mỹ cho bao bì, nhãn mác của sản phẩm. Đồng thời, hướng tới chuyển đổi số trong nông nghiệp, HTX đã tích cực trong việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử như zalo, facebook, Shopee, phần mềm kết nối cung - cầu tại địa chỉ nongsanantoanthanhhoa.vn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, tính trung bình mỗi tháng HTX xuất đi các địa phương trong và ngoài tỉnh khoảng 2 - 7 tạ sản phẩm các loại. Đó cũng là cách để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con địa phương.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là những bước đi ban đầu hướng đến chuyển đổi số trong nông nghiệp của HTX. Bởi, trên thực tế, HTX cần hơn nữa sự tư vấn, hướng dẫn chuyên nghiệp của cơ quan chuyên môn. Bởi, do đa số thành viên tham gia HTX nông nghiệp xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học - công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn hạn chế, chưa thường xuyên.

Tại huyện Hoằng Hóa, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện thì: Với vai trò là cầu nối để người sản xuất nông nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại hướng tới chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị cho người nông dân những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số để họ tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học - công nghệ cho hội viên nông dân theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Sau khi tập huấn, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ đem đến “luồng gió mới” để người nông dân được tiếp cận với những tiến bộ mới như, mô hình trồng rau sạch tại các xã Hoằng Đạt, Hoằng Hợp, Hoằng Giang, Hoằng Trinh; nuôi đông trùng hạ thảo tại xã Hoằng Hải, Hoằng Trung; trồng nấm mộc nhĩ, nấm sò, nấm linh chi ở xã Hoằng Đạt, Hoằng Phong, Hoằng Châu; chế biến mắm và nước mắm ở xã Hoằng Phụ...

Hội Nông dân huyện Hoằng Hóa cũng chú trọng phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Những nông dân xuất sắc sẽ là những người dẫn dắt để hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn tạo nên cuộc “đại thay đổi” cho ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đã ban hành.

Có thể thấy, mặc dù mới chỉ dừng ở mức sử dụng ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, nhưng chuyển đổi số trong nông nghiệp đã bắt đầu “lộ diện” ở một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xác định muốn chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thành công phải bắt đầu từ người nông dân. Bởi vậy, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho hội viên. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, giới thiệu đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số để các HTX, hội viên chủ động kết nối, lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Trong quý I năm 2022, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 30.085 lượt cán bộ, hội viên nông dân; chủ động liên kết với các trung tâm nghiên cứu, các viện khoa học, các doanh nghiệp phối hợp chuyển giao ứng dụng sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, gắn với phát triển sản xuất theo hướng bền vững với bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình cây, con năng suất hiệu quả cao; hướng dẫn xây dựng được 39 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị ở TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, các huyện Hậu Lộc, Hà Trung... Và mới đây Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai việc “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”, năm 2022 và hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử postmart.vn.

Dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song trên thực tế việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị của nông dân vẫn còn sơ khai. Bởi “rào cản” lớn nhất vẫn là làm sao để thay đổi được tư duy của người nông dân sản xuất theo hướng hiện đại. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị công nghệ còn rất hạn chế... Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa. Cùng với đó, người nông dân cũng phải tích cực chủ động học hỏi để bắt nhịp với xu hướng sử dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, đặc biệt là việc chủ động đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị nông sản.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]