(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm qua Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất nông nghiệp, coi đó là nền tảng, là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiệu quả từ việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm qua Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất nông nghiệp, coi đó là nền tảng, là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiệu quả từ việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Phòng phân tích và thí nghiệm thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa lưu giữ nhóm cây dược liệu trong phòng thí nghiệm.

Nhằm tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, năm 2020, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã xây dựng quy trình trồng nấm linh chi sử dụng công nghệ tưới phun sương tự động, trồng 2 vụ trong 1 năm. Từ công nghệ mới này, mỗi năm viện sản xuất ra khoảng 700kg nấm linh chi, tạo ra 4 sản phẩm từ nấm linh chi gồm: trà túi lọc linh chi, rượu linh chi, linh chi lát, linh chi quả thể. Hiện các sản phẩm nấm linh chi được sản xuất tại viện nông nghiệp được bán với giá 700.000 - 900.000 đồng/kg đối với nấm linh chi loại 1 có đường kính trên 8cm; loại 2 trên 5cm giá 550.000 - 700.000 đồng/kg; loại 3 dưới 5cm giá dưới 200.000 đồng/kg, các sản phẩm đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với quy mô hàng hóa lớn để cung ứng ra thị trường.

Ngoài sản phẩm nấm linh chi, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa còn ứng dụng hiệu quả công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống dứa cayen, chuối tiêu, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, nấm đông trùng hạ thảo; nhân giống một số giống hoa lily, lan kim tuyến...; chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa thuần các giống: Q5, KC90, KD 18, Hương Thơm, nếp N97; hạt giống lúa F1, các giống lúa lai 2 dòng VL20, TH3-3, Thanh Ưu 3, Thanh Ưu 4. Xây dựng được một số mô hình canh tác giống lúa mới, mô hình cây ăn quả có múi (cam Vinh, bưởi Diễn) chuyển giao vào sản xuất ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh và mô hình hoa lily sản xuất tại viện.

Trong các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, công nghệ sinh học đã ứng dụng và chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò; thực hiện nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất của trâu Murrah để thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu tại Thanh Hóa; nghiên cứu khả năng sinh trưởng và chống chịu bệnh của bê lai F1 (bò BBB x bò lai Zebu) tại Thanh Hóa và xây dựng vùng nuôi bảo tồn nguồn gen bò vàng tại thị xã Nghi Sơn và tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa. Xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản gồm: ngao Bến Tre, tôm thẻ chân trắng, cá bống đen... Chuyển giao công nghệ sản xuất giống ngao Bến Tre, cua xanh; công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn sinh học; ứng dụng công nghệ nuôi thử nghiệm cá hồi vân thương phẩm tại xã Phú Lệ, Quan Hóa... Tiếp nhận chuyển giao và sản xuất thành công nấm Đông trùng hạ thảo, một loại dược liệu quý và có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu, lựa chọn cây dược liệu quý hiếm xây dựng mô hình, phát triển vườn dược liệu và xây dựng xưởng chế biến sản xuất thuốc tại vườn thực nghiệm Quảng Thắng.

Ngoài ứng dụng, chuyển giao trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cũng ngày càng được Viện Nông nghiệp Thanh Hóa quan tâm đầu tư, như các hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng; công nghệ tưới tiết kiệm gồm tưới nhỏ giọt, tưới phun sương bán tự động hoặc tự động theo thời gian hoặc theo độ ẩm, nhiệt độ đo được; ứng dụng kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác không dùng đất (thủy canh, trồng cây trên giá thể). Đến nay, viện nông nghiệp có khoảng 2 ha cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm; mô hình trồng rau thủy canh... Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp đã thu hút được sự quan tâm ngày càng nhiều của doanh nghiệp, bà con nông dân vì đã mang lại hiệu quả rõ rệt về sản xuất, sử dụng tài nguyên nước, cải thiện thu nhập, ứng phó với hạn hán và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn quan trọng để hoạch định chính sách, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng đất dốc, đất cát, đất sa mạc hóa, đất suy thoái... Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng KH&CN cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, như: lúa gạo hữu cơ, rau an toàn...

Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến nay, các trung tâm, phòng chuyên môn trực thuộc viện nông nghiệp đã thực hiện 62 nhiệm vụ KH&CN các cấp; trong đó cấp quốc gia, cấp bộ là 22 nhiệm vụ, cấp tỉnh là 40 nhiệm vụ. Riêng năm 2021, viện nông nghiệp đã thực hiện 13 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 4 nhiệm vụ cấp Nhà nước và 9 nhiệm vụ cấp tỉnh. Hiện đã có 2 nhiệm vụ cấp Nhà nước và 4 nhiệm vụ cấp tỉnh được phê duyệt. Năm 2022, viện nông nghiệp định hướng tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: chọn tạo, khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng quy trình kỹ thuật, tiếp nhận công nghệ mới; đẩy mạnh hoạt động sản xuất, dịch vụ, xúc tiến thương mại đầu tư; phát triển nguồn lực KH&CN và tiếp tục thực hiện tốt hoạt động tư vấn, quy hoạch thị trường.

Với những kết quả đạt được, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã phát huy tốt vai trò trong hoạt động KH&CN ở một số lĩnh vực từ việc nghiên cứu chọn, tạo giống và nhân giống cây trồng, vật nuôi; đến quá trình chuyển giao kỹ thuật trong trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian tới, viện tiếp tục tập trung vào các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình về sản phẩm đặc thù của tỉnh để tạo ra sản phẩm KH&CN có chất lượng cao. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ KH&CN đã được phê duyệt; chủ động tham mưu chỉ đạo, xây dựng các ý tưởng đề tài, dự án KH&CN... Qua đó, khẳng định vai trò của KH&CN là then chốt, là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]