Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, từ hơn một năm nay, cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ có một điểm hẹn văn học để thỏa chí đọc những cuốn sách bằng tiếng Việt quý giá, từ sách thiếu nhi đến các tác phẩm dành cho người lớn, nhờ vào sự phát triển của Tủ sách Việt tại nhà hàng Việt. Đây là một sáng kiến nhằm duy trì và phát huy tiếng Việt, giúp người Việt tại Bỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống xa quê hương.

Cộng đồng người Việt Lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại Bỉ

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, từ hơn một năm nay, cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ có một điểm hẹn văn học để thỏa chí đọc những cuốn sách bằng tiếng Việt quý giá, từ sách thiếu nhi đến các tác phẩm dành cho người lớn, nhờ vào sự phát triển của Tủ sách Việt tại nhà hàng Việt. Đây là một sáng kiến nhằm duy trì và phát huy tiếng Việt, giúp người Việt tại Bỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống xa quê hương.

Cộng đồng người Việt Lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại BỉẢnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Chị Phạm Quỳnh Châu là một độc giả thường xuyên của Tủ sách Việt tại nhà hàng Hanoi Station. Sống tại thủ đô Brussels từ 25 năm nay, chị Quỳnh Châu rất vui khi chị thường xuyên tìm được những cuốn sách hay để đọc, kết nối chị với đời sống văn học nước nhà.

Chị vừa đọc xong cuốn “Tạp bút Bảo Ninh” và rất thích thú khi tìm thấy cuốn “Quân khu Nam Đồng” của tác giả Bình Ca, kể về khu gia binh lớn nhất Hà Nội.

Cuốn sách đưa chị về với 50 năm trước của những năm tháng học phổ thông cùng những bạn bè sống ở “quân khu” Nam Đồng này.

Tủ sách tiếng Việt tại nhà hàng Việt Nam ở Bỉ là một sáng kiến của Kênh Việt Happiness Station, hay còn gọi là "Trạm hạnh phúc."

Theo chia sẻ của chị Kiều Bích Hương, một thành viên sáng lập của Kênh Việt, mục tiêu của dự án không chỉ đơn thuần là mở một tủ sách để mọi người đến đọc hoặc để sách tự động được đóng góp.

Điều mà chị cùng các thành viên của Kênh Việt trăn trở, đó là làm sao để tủ sách không chỉ là một nơi lưu trữ sách mà còn là cầu nối để lan tỏa tiếng Việt, văn hóa đọc và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc mà nó đang gìn giữ.

Trong tương lai, dự án này dự định sẽ được mở rộng, không chỉ giới hạn ở việc duy trì tủ sách mà còn hướng đến việc sưu tầm thêm nhiều cuốn sách quý, đặc biệt là những tác phẩm chứa đựng dấu ấn lịch sử về hành trình của người Việt khi rời xa quê hương.

Các sách này không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn phản ánh sự thay đổi trong nhận thức và biên sử lịch sử qua thời gian.

Chị Kiều Bích Hương cho biết một trong những mục tiêu của dự án là tìm lại những cuốn sách có phiên bản xuất bản từ 30 năm trước, thời kỳ mà giá sách chỉ vài đồng, hoặc những cuốn sách lịch sử Việt Nam được in ấn từ 20-30 năm trước để thấy được sự khác biệt trong cách tiếp cận và phản ánh lịch sử.

Dự án cũng có kế hoạch, khi có đủ sách và điều kiện thuận lợi, sẽ tổ chức các buổi trò chuyện, talkshow về văn hóa đặc trưng của người Việt ở nước ngoài.

Chị Kiều Bích Hương nhấn mạnh rằng, mục đích của những chương trình này là để lắng nghe những mối quan tâm, những trải nghiệm và những mong muốn của cộng đồng người Việt tại Bỉ, từ đó tìm cách kết nối và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.

Do đó, dự án cần sự hợp tác và đóng góp từ nhiều bên, không chỉ để duy trì tủ sách mà còn để tổ chức các buổi trò chuyện chuyên đề, qua đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc và tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Cho đến nay, Kênh Việt đã mở được hai tủ sách Việt tại Bỉ. Ngoài tủ sách đặt tại nhà hàng Hanoi Station ở Brussels, một tủ sách khác cũng được đặt tại một nhà hàng ở thành phố Ostende, cách Brussels hơn 100km.

Chị Đào Hồng Hải, chủ nhà hàng Hanoi Station, chia sẻ rằng trong suốt một năm qua, khi tủ sách Việt được đặt tại nhà hàng, chị đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt.

Theo chị, tủ sách không chỉ phong phú hơn về số lượng sách mà còn đa dạng hơn về chất lượng và giá trị. Các cuốn sách có giá trị nhân văn, lịch sử, và văn hóa ngày càng tăng lên, đồng thời sự tham gia của cộng đồng người Việt tại Bỉ cũng trở nên mạnh mẽ hơn.

Chị Hồng Hải rất vui khi thấy không chỉ người Việt Nam, mà ngay cả các thực khách quốc tế đến ăn tại Hanoi Station cũng tỏ ra hào hứng đóng góp sách cho tủ sách Việt.

Chị kể lại rằng nhiều thực khách đã mang đến những cuốn sách quý về Việt Nam, đặc biệt có những cuốn sách được họ sưu tầm trong nhiều năm, như một cuốn sách ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả người Pháp Roger Pic được xuất bản từ năm 1976. Khi thấy tủ sách Việt có ý nghĩa và được cộng đồng đón nhận, họ không ngần ngại mang những cuốn sách quý mà họ gìn giữ bấy lâu nay đến tặng.

Cảm giác hạnh phúc của chị không chỉ đến từ việc cộng đồng người Việt tham gia đóng góp sách, mà còn từ việc những người bạn quốc tế cũng quan tâm và tham gia vào dự án này, giúp lan tỏa văn hóa Việt Nam đến một đối tượng rộng lớn hơn.

Qua tủ sách Việt, không chỉ những người Việt mà cả những người bạn quốc tế cũng dần hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa của Việt Nam.

Chị Hồng Hải cảm nhận được rằng, tủ sách Việt không chỉ là một không gian lưu giữ sách, mà còn là một cầu nối văn hóa, giúp mọi người hiểu hơn về Việt Nam, về những giá trị mà người Việt đang gìn giữ dù ở nơi xa quê hương.

Nhân dịp Ngày Quốc tế Tiếng Mẹ đẻ (International Mother Language Day) 21/2, một ngày lễ do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức nhằm tôn vinh sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trên toàn thế giới, tủ sách Việt tại Hanoi Station lại có dịp đón nhận thêm những đầu sách mới, làm phong phú thêm kho tàng sách tiếng Việt tại đây.

Đặc biệt trong số sách mới là tuyển tập “Đúng hay điêu” dành cho lứa tuổi nhi đồng. Tập sách này được dịch giả Phan Hoàng Hà gửi tặng, với mong muốn mang lại những câu chuyện hấp dẫn về thế giới động vật và lịch sử, rất phù hợp với sự tò mò và yêu thích khám phá của trẻ em.

Tủ sách Việt tại nhà hàng Việt không chỉ mang lại những đầu sách phong phú mà còn là nơi kết nối cộng đồng người Việt ở Bỉ. Đây là một không gian để các thế hệ đi trước có thể chia sẻ những câu chuyện về quê hương, về những ký ức khó quên, giúp thế hệ trẻ không quên nguồn cội và duy trì tình yêu đối với văn hóa dân tộc.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người Việt xa xứ giao lưu, học hỏi và hiểu thêm về những nền văn hóa khác, từ đó thúc đẩy sự đoàn kết và hòa nhập giữa các cộng đồng quốc tế.

Việc đặt Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt không chỉ là một ý tưởng độc đáo mà còn là một cách thiết thực để lan tỏa tiếng Việt ra thế giới. Nó giúp cộng đồng người Việt giữ gìn bản sắc, tạo cơ hội cho người nước ngoài tìm hiểu và yêu mến tiếng Việt./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]