“Cơn sóng thần” thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc
Ngày 2 tháng 4 đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến lược kinh tế của Mỹ - chuyển sang chế độ “điều chỉnh thương mại toàn diện”. Đây cũng là thời điểm cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ - Trung Quốc, bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt.
Mỹ tăng dần mức thuế đối ứng với Trung Quốc
Ngày 2 tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế quan đối ứng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Thuế suất cơ bản được áp đặt ở mức 10% cho tất cả các quốc gia, nhưng mức thuế quan cao hơn và khác biệt được áp dụng cho các quốc gia có cán cân thương mại âm lớn nhất với Mỹ. Trung Quốc phải đối mặt với mức thuế quan cao nhất, lên tới 54%. Trong số 20% mức thuế hiện hành, mức thuế quan 34% được bổ sung như một phần của “biện pháp đối ứng”.
Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, mức thuế quan trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc là 12%, như vậy sau khi các biện pháp mới có hiệu lực, mức thuế quan trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ đạt khoảng 66%.
Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng của vòng xoáy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngày 8 tháng 4, Mỹ đã chính thức triển khai một loạt thuế quan mới với hàng hóa nhập khẩu từ 86 quốc gia, trong đó Trung Quốc là đối tượng chịu mức thuế nặng nề nhất: tổng cộng 104%. Mức thuế này bao gồm 3 phần: 20% đã áp dụng trước đó, 34% bổ sung, và đợt tăng sốc 50% được ký ban hành vào phút chót ngày 8/4.
Giải thích chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, Bai Wenxi, nhà kinh tế học hàng đầu tại China Enterprise Capital Alliance, chiến lược hiện tại của Mỹ đối với Trung Quốc bao gồm ba thành phần: thuế quan, kiềm chế công nghệ và kiềm chế tài chính. Ví dụ, việc tăng thuế đối với tấm pin mặt trời và polysilicon của Trung Quốc (lên tới 50%) là nhằm trực tiếp vào vị trí dẫn đầu của Trung Quốc về năng lượng sạch. Đồng thời, thông qua việc kiểm soát xuất khẩu chip và chính sách tiền tệ chặt chẽ, Mỹ muốn Trung Quốc phải nhượng bộ.
Mỹ cũng mở rộng khái niệm “đối xứng” sang các biện pháp phi thuế quan: nước này cáo buộc hệ thống thuế VAT của Trung Quốc tạo ra “lợi thế không công bằng” làm suy yếu các nguyên tắc của WTO. Theo Bai Wenxi, đây là nỗ lực để đẩy Trung Quốc ra khỏi vòng toàn cầu hóa mới và kéo chuỗi giá trị về phía Mỹ. Mức thuế có thể lên tới 104% đối với hàng hóa Trung Quốc một lần nữa cho thấy Tổng thống Trump sử dụng thuế quan như một công cụ quan trọng trong chính sách thương mại của mình, đặc biệt với Trung Quốc.
Và mới đây, trong một động thái bất ngờ, ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, trong khi tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%.
Phản ứng từ Bắc Kinh
Trung Quốc được xem là quốc gia đầu tiên có động thái đáp trả chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump. Ngay trong sáng ngày 3 tháng 4, đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc đã mô tả hành động của Mỹ là “một chính sách cưỡng ép đơn phương điển hình”, nhấn mạnh rằng điều này đi ngược lại chủ nghĩa thương mại đa phương. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn chỉ trích mức thuế quan mới của Mỹ là “vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO” và sẽ gây ra thiệt hại khó lường cho hệ thống thương mại đa phương.
Theo tuyên bố chính thức của Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 4 tháng 4, Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện đã ban hành thông báo về việc áp dụng thuế quan bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2025, Trung Quốc sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 34% ngoài mức thuế hiện hành đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Các chế độ giao dịch liên kết và ưu đãi thuế hiện hành được giữ nguyên, nhưng sẽ không được áp dụng khi mức thuế bổ sung chính thức có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4. Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc và Tổng cục Hải quan nước này đã ban hành 6 biện pháp bổ sung: (1) Đưa 11 công ty Mỹ vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy; (2) Bổ sung 16 công ty Mỹ vào danh sách các thực thể phải chịu sự kiểm soát xuất khẩu; (3) Đình chỉ việc tiếp cận vào thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm của 6 công ty Mỹ; (4) Tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống y tế dùng cho máy quét CT nhập khẩu từ Mỹ; (5) Áp dụng các hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng liên quan đến các nguyên tố đất hiếm nặng; (6) Đệ đơn kiện chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ lên WTO.
Đến ngày 9 tháng 4, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp thuế 84% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tăng so với mức 34% đã công bố trước đó. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/4. Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện “những biện pháp kiên quyết và hiệu quả” để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, sau khi Tổng thống Trump chính thức áp mức thuế 104% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 9/4.
Cho đến tháng 4 năm 2025, Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ, tuy nhiên nước này vẫn thể hiện sự kiềm chế, hy vọng tình hình sẽ hạ nhiệt và bắt đầu quá trình đàm phán để giải quyết các tranh chấp thương mại. Bắc Kinh sử dụng các biện pháp không đối xứng và có chọn lọc, nhắm vào các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa năng lượng và hàng hóa phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Trump vào tháng 4 đã buộc Bắc Kinh phải thay đổi cách tiếp cận của mình.
Lần này, Trung Quốc áp dụng biện pháp đáp trả cứng rắn, phản ánh gần như toàn bộ cấu trúc các biện pháp của Mỹ. Tính đối xứng ở đây không chỉ về mặt định lượng, mà quan trọng hơn về mặt định tính. Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ chứng minh khả năng gây thiệt hại kinh tế lâu dài cho Mỹ (đặc biệt là trong các lĩnh vực kim loại hiếm và đất hiếm, xuất khẩu chiến lược và gây sức ép lên các công ty đa quốc gia của Mỹ). Phản ứng này chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền công nghệ, cũng như sẵn sàng đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ bất chấp có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Vòng xoáy của một cuộc chiến thương mại mới
Làn sóng thuế quan mới đã leo thang về cả phạm vi và chiều sâu. Không giống như các biện pháp trước đây nhắm vào từng quốc gia hoặc lĩnh vực riêng lẻ, chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ sẽ bao trùm thương mại toàn cầu. Hơn nữa, mức thuế bổ sung áp dụng cho Trung Quốc là một trong những mức thuế cao nhất trong số các quốc gia bị ảnh hưởng. Động thái này của Mỹ thể hiện rõ không chỉ mong muốn cân bằng cán cân thương mại, mà còn là một chiến lược sâu sắc hơn - khuyến khích hoạt động sản xuất quay trở lại lãnh thổ Mỹ và hạn chế khả năng duy trì các vị trí quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đáp trả, Trung Quốc cũng đã sử dụng chiến thuật gây áp lực thuế quan hoàn toàn đối xứng lần đầu tiên, coi đây là phản ứng công bằng và cân bằng từ một nước lớn. Theo Trung Quốc, đã đến lúc cần phải đặt ra giới hạn vì Mỹ đã vượt qua ranh giới gây áp lực thông thường. Phản ứng của Bắc Kinh đã chứng minh sự thay đổi quan trọng trong chiến lược: Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu cân bằng; đồng thời, vẫn để mở cánh cửa giảm leo thang, hạ nhiệt tình hình trong trường hợp Washington từ bỏ đường lối cứng rắn của mình.
Kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump cho thấy, các biện pháp sẽ khó đảo ngược tình hình thương mại song phương, ngay cả khi hai nước đàm phán và đạt được thỏa hiệp trong thời gian tới. Thỏa thuận trước đó (thỏa thuận thương mại giai đoạn 1) được ký kết vào tháng 1 năm 2020, chỉ dẫn đến việc thay đổi một phần mức thuế mà Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc vào năm 2018 và 2019, để đổi lấy cam kết của Trung Quốc trong việc mua hơn 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Hầu hết các mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn được duy trì và có hiệu lực trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden sau đó.
Chính vì vậy, những động thái quyết liệt gần đây cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể đang rơi vào vòng xoáy của một cuộc chiến tranh thương mại mới, với sự tách rời hoàn toàn giữa hai nền kinh tế và không thể đảo ngược. Kinh tế toàn cầu cũng sẽ phải đối mặt với những “cú sốc” mới: tăng trưởng giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường tài chính bị ảnh hưởng và chính sách thương mại của nhiều quốc gia buộc phải thay đổi.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-04-12 17:58:00
Tại sao ông Trump đảo ngược cuộc chiến thương mại toàn cầu?
-
2025-04-12 08:44:00
Bình luận quốc tế: Phương trình của sự thù địch
-
2025-04-09 14:50:00
Cả thế giới run rẩy: Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ tấn công Iran?
Đòn thuế mới có hiệu lực, căng thẳng thương mại toàn cầu “nóng” hơn bao giờ hết
Giải mã chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump
Các dòng sông lớn ở châu Âu bị vi nhựa xâm chiếm một cách đáng báo động
Sức mạnh của Stalin, Roosevelt và Churchill đã cứu thế giới - Ngày nay có thể lặp lại công thức này không?
Chiến dịch tỷ đô của Mỹ gặp khó trước tên lửa Houthi
Thuế quan mới của Tổng thống Trump - Tác động đối với Việt Nam và thế giới
Sau tất cả, lại trở về vạch xuất phát
Động đất kinh hoàng tại Myanmar: Chưa thể xác định quy mô tàn phá
Mỹ nỗ lực cải thiện quan hệ với đồng minh “khó chiều nhất” NATO